pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ đất Tổ thực hành và lan tỏa giá trị 2 di sản thế giới
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch truyền dạy hát Xoan cho trẻ
Lan toả hát Xoan trong đời sống
Hằng năm, cứ gần đến dịp giỗ Tổ Hùng Vương, bà Bùi Thị Kiều Nga, Trưởng phường Xoan Thét (xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, Phú Thọ) và chị em trong phường Xoan lại hăng say tập luyện để trình diễn, quảng bá điệu Xoan cổ tới du khách.
Ngày 8/12/2017, tại Phiên họp lần thứ 12 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, hát Xoan Phú Thọ đã được UNESCO ghi danh tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hát Xoan (còn có tên gọi khác là Hát Lãi Lèn, Hát Đúm, Hát Thờ, Hát Cửa đình) bắt nguồn từ hình thức hát thờ các Vua Hùng. Đây là một trong những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của nhân dân Phú Thọ. Hát xoan là loại hình dân ca lễ nghi phong tục hát thờ thần, thành hoàng với hình thức nghệ thuật đa yếu tố: Có nhạc, hát, múa; thường được biểu diễn vào dịp đầu xuân.
Bà Nga cho biết, xã Kim Đức có 4 phường Xoan gốc. Đặc thù của Xoan gốc là hát tại miếu, đình. Ngày thường, bà đi biểu diễn phục vụ du khách nhưng riêng dịp lễ hội Đền Hùng, bà chỉ tham gia biểu diễn tại Đền Hùng.
"Nhiều năm tham gia biểu diễn hát Xoan, được thấy lượng người xem ngày càng tăng, tôi phấn khởi lắm. Được làm một nhịp cầu kết nối sinh hoạt văn hoá truyền thống của địa phương đến du khách, với tôi là một việc rất ý nghĩa", bà Nga chia sẻ.
Còn với Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lịch, người đã gắn bó với hát Xoan hơn 55 năm, mỗi buổi đi dạy hát Xoan là một ngày vui khi bản thân được góp sức bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống vùng đất Tổ. Nghệ nhân ngoài 70 tuổi này càng vui hơn khi được chứng kiến nhiều người trẻ yêu và học hát Xoan.
Hiện nay, hát Xoan đã được lan tỏa trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân thành phố Việt Trì, trở thành ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ địa phương trong tham gia bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể này.
Bà Nguyễn Thị Kim Khánh, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Việt Trì, cho biết, để bảo tồn, phát triển di sản văn hoá này, những năm qua, Hội LHPN thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động. Cụ thể, hằng năm, Hội đã phối hợp tổ chức lớp tập huấn về giá trị truyền thống và dạy hát Xoan cho cán bộ, hội viên nòng cốt, thành viên "Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc" của 25 cơ sở Hội. Từ các lớp tập huấn, Hội LHPN thành phố Việt Trì tiếp tục chỉ đạo các cơ sở Hội thành lập câu lạc bộ hát Xoan.
Từ 10 câu lạc bộ hát Xoan năm 2016 đến nay có 81 câu lạc bộ, với trên 3.000 thành viên ở nhiều lứa tuổi. Điển hình là Câu lạc bộ hát Xoan phố Phong Châu - Bạch Hạc đã thu hút 71 thành viên, trong đó, thành viên ít tuổi nhất là 5 tuổi, cao tuổi nhất là 70 tuổi.
Bên cạnh đó, Hội LHPN thành phố Việt Trì cũng phối hợp với các trường học truyền dạy hát Xoan cho gần 15.000 học sinh THCS trên địa bàn; tham gia luyện tập, biểu diễn tại hội trại văn hóa, liên hoan hát Xoan và dân ca tại Lễ hội Đền Hùng hằng năm; duy trì trình diễn hát Xoan vào các buổi tối thứ 7, Chủ nhật hằng tuần tại sân khấu Công viên Văn Lang.
Thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ bữa cơm gia đình
Cùng với hát Xoan, công tác tuyên truyền về "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" gắn với Lễ hội Đền Hùng hằng năm cũng được Hội LHPN thành phố Việt Trì quan tâm thực hiện. Một trong những hoạt động thiết thực đã được Hội triển khai là việc tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và nhân dân trên địa bàn làm mâm cỗ tri ân các Vua Hùng tại mỗi gia đình nhân ngày giỗ Tổ Hùng Vương (10/3) hàng năm.
Trong mâm cơm có bánh chưng, bánh giầy, ngoài ra có hoa lan lúa, loài hoa tượng trưng cho sự ấm no, hạnh phúc. Đây vừa là một hoạt động tri ân, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ vừa là dịp sum họp gia đình.
Bà Nguyễn Thị Kim Khánh cho biết, thời gian tới, Hội LHPN thành phố Việt Trì tiếp tục đẩy mạnh việc đưa "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" và "hát Xoan" vào đời sống cộng đồng. Hội tiếp tục vận động hội viên, phụ nữ tích cực phát huy vai trò trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của 2 di sản văn hóa phi vật thể này, góp phần xây dựng Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một loại hình tín ngưỡng dân gian được lưu truyền lâu đời ở Việt Nam, chủ yếu được thực hiện ở các di tích thờ các nhân vật liên quan đến thời Hùng Vương. Loại tín ngưỡng này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1) và được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày 6/12/2012.
Theo thống kê, cả nước có 1.417 di tích thờ các Vua Vương và các tướng lĩnh thời Hùng Vương. Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 345 di tích gắn liền với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong đó, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; 37 di tích quốc gia; 135 di tích cấp tỉnh; 269 di tích đang thờ tự.