pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ góp phần xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại vào năm 2030
Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Cổng TTĐT Thái Nguyên
Các mục tiêu cụ thể là: Phát huy truyền thống, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, chủ động hội nhập, ý thức làm chủ của các tầng lớp phụ nữ; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động hiệu quả, phấn đấu vì bình đẳng, hạnh phúc và sự phát triển của phụ nữ; góp phần xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.
Ghi nhận những cố gắng, nỗ lực phấn đấu của các tầng lớp cán bộ, hội viên, phụ nữ trong toàn tỉnh, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga đánh giá: Phụ nữ Thái Nguyên đã đóng góp quan trọng vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh. Bước vào nhiệm kỳ mới, với nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, đặt ra cho các cấp Hội phụ nữ những yêu cầu mới cao hơn, nhanh hơn.
Về nhiệm vụ 5 năm tới, các cấp Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên cần nhận thức sâu sắc về vai trò nòng cốt của tổ chức Hội trong công tác phụ nữ; bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 và Chiến lược phát triển tổ chức Hội đến 2030, tầm nhìn 2035 để cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2021-2026.
Tại Đại hội, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh một số nội dung, đề nghị Đại hội nghiên cứu, thực hiện. Cụ thể: cần coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống của quê hương cách mạng, xây dựng giá trị người phụ nữ Thái Nguyên bản lĩnh, nhân ái, văn minh, thân thiện; quan tâm tổ chức các hoạt động vận động, hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực, trình độ, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần; vun đắp giá trị gia đình; coi trọng và nâng cao hơn nữa vai trò tham mưu đề xuất, giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ.
Các cấp Hội trong tỉnh cũng cần chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng có trọng tâm ưu tiên, không dàn trải; sâu sát cơ sở theo phương châm "Huyện đồng hành cơ sở, Xã nắm chắc hội viên, Chi thấu hiểu phụ nữ". Đồng thời, tiếp tục mở rộng các loại hình tập hợp hội viên theo phương châm "ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội" nhằm thu hút đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia tổ chức Hội, hoạt động Hội; phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ Hội các cấp.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam bày tỏ mong muốn hoạt động Hội và phong trào phụ nữ tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của địa phương để Tổ chức Hội ngày càng phát triển toàn diện, vững chắc, góp phần cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh "Xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030".
Đại hội Đại biểu Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIV đặt ra 8 chỉ tiêu cụ thể hàng năm:
- Mỗi cơ sở Hội (và tương đương) duy trì thường xuyên ít nhất 1 loại hình hoạt động để vận động phụ nữ nâng cao kiến thức, trau dồi đạo đức, rèn luyện sức khỏe.
- Toàn tỉnh giúp từ 500 hộ có phụ nữ trở lên thoát nghèo, thoát cận nghèo (03 hộ/cơ sở Hội); hỗ trợ ít nhất 30 nữ chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, nữ chủ hộ kinh doanh nâng cao năng lực quản lý. Hỗ trợ thành lập mới từ 10 hợp tác xã trở lên có phụ nữ tham gia quản lý.
- 80% trở lên phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân mua bán người trở về khi được phát hiện được các cấp Hội hỗ trợ tiếp cận ít nhất một dịch vụ trợ giúp xã hội.
- Vận động, hỗ trợ từ 2.500 hộ gia đình trở lên đạt tiêu chí gia đình 5 không 3 sạch bền vững hoặc "gia đình 5 có, 3 sạch" (đối với địa bàn nông thôn mới nâng cao/kiểu mẫu); mỗi cơ sở Hội đăng ký và thực hiện 1 công trình/phần việc góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.
- Tăng từ 1.000 hội viên trở lên mỗi năm, đến cuối nhiệm kỳ tăng 5.000 hội viên; không có cơ sở Hội tập hợp dưới 50% phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia sinh hoạt Hội; Tỷ lệ hội viên nòng cốt tăng thêm 3% so với đầu nhiệm kỳ.
- Đến cuối nhiệm kỳ, 100% cán bộ Hội chuyên trách các cấp sử dụng thành thạo các phần mềm cơ bản trong công tác Hội; 100% Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Chi hội trưởng được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng công tác Hội trong đó có hình thức trực tuyến; 100% cán bộ Hội cấp tỉnh, huyện và Chủ tịch Hội cơ sở đạt chuẩn theo quy định.
- Hội LHPN tỉnh chủ trì giám sát ít nhất 1 chính sách; mỗi huyện/thành/thị chủ trì hoặc phối hợp giám sát ít nhất 1 chính sách; mỗi xã/phường/thị trấn tham gia giám sát ít nhất 1 chính sách.
- Hội LHPN tỉnh phối hợp chủ trì phản biện xã hội ít nhất 1 dự thảo văn bản của Đảng, Nhà nước; mỗi đơn vị trực thuộc, mỗi huyện/thành/thị và mỗi xã/phường/thị trấn góp ý, phản biện xã hội ít nhất 2 dự thảo văn bản của cấp ủy, chính quyền. Phấn đấu trong nhiệm kỳ, Hội LHPN tỉnh đề xuất thành công ít nhất 1 chính sách/đề án/chương trình liên quan đến phụ nữ.
Đại hội Đại biểu Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIV thống nhất phát động:
- Phong trào thi đua: Xây dựng người phụ nữ tỉnh Thái Nguyên "Đoàn kết - Sáng tạo - Hội nhập - Phát triển" gắn với xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới.
- Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam" và tập trung nguồn lực để thực hiện 2 khâu đột phá:
+ Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động Hội.
+ Đồng hành xây dựng chi Hội, tổ phụ nữ vững mạnh.