pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ Hà Giang: Nhiều cách làm hay cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ
Hội LHPN nữ xã Nà Chì (huyện Xín Mần, Hà Giang) hỗ trợ gia đình chị Hoàng Thị Đoạn ở thôn Nà Chì cải tạo vườn tạp mẫu cho chị em học tập
Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 1/12/2020 của BCH Đảng bộ tỉnh Hà Giang về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025 (Nghị quyết số 05-NQ/TU), Hội LHPN các cấp tỉnh Hà Giang đã chủ trì, vận động hỗ trợ được 330 hộ cải tạo vườn tạp.
Đặc thù phần lớn chị em phụ nữ trong tỉnh thu nhập phụ thuộc chính vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế vườn hộ chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương, chưa mang lại hiệu quả kinh tế, tạo ra thu nhập ổn định; nhiều hộ gia đình chưa biết quy hoạch, cải tạo vườn, còn trồng nhiều loại cây tạp và chưa biết áp dụng học học kỹ thuật vào sản xuất. Do đó, số hộ có thu nhập kinh tế cao từ vườn hộ còn ít, thậm chí có còn hộ để vườn bỏ hoang, đặc biệt là các hộ nghèo.
Với quan điểm chỉ đạo "Không nóng vội, không thành tích, dễ làm trước, khó làm sau", xác định mục tiêu cốt lõi đó là phải giúp chị em phụ nữ chuyển đổi tư duy và phương pháp chăn nuôi, trồng trọt trên chính mảnh đất vườn của gia đình; từ đó tạo sinh kế, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống.
Trong đó, xác định cán bộ Hội chính là hạt nhân nòng cốt trong triển khai thực hiện mọi hoạt động. Hội LHPN tỉnh tổ chức 4 lớp tập huấn về cải tạo vườn tạp cho 198 cán bộ Hội LHPN cấp huyện, cơ sở và phối hợp tập huấn, hướng dẫn gần 5.000 chị em các bước cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ như: Vẽ sơ đồ cải tạo vườn tạp; lập phương án cải tạo vườn hộ, trang bị kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi.
Đồng thời, các cấp Hội đã tổ chức được 2.124 cuộc tuyên truyền phổ biến cho trên 70.000 lượt chị em về cải tạo vườn tạp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ của tỉnh. Cùng với đó, tuyên truyền vận động chị em thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 5 sạch". Hướng dẫn chị em phụ nữ chỉnh trang, khuôn viên nhà ở đảm bảo khoa học, tiện lợi, hợp vệ sinh thông qua các buổi sinh hoạt chi hội, Lễ phát động cải tạo vườn tạp và tuyên truyền bằng hình ảnh trên các nhóm (zalo, facebook...) của Hội.
Để tạo động lực khích lệ chị em nghèo tích cực cải tạo vườn tạp; các cấp Hội đã đẩy mạnh thực hiện phong trào "Phụ nữ giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình". Đến hết tháng 2/2022, các cấp Hội đã giúp 330 hộ cải tạo vườn tạp (trong đó có 191 hộ nghèo, 76 hộ cận nghèo, 55 hộ trung bình, 8 hộ khá); vận động hỗ trợ được 8.200 công lao động, 63.380.000 đồng tiền mặt, 16.000 cây giống, 1.531 con giống, 1.045 kg giống các loại và hỗ trợ vay vốn được 1.351.510.000 đồng.
Trong việc hỗ trợ cải tạo vườn tạp, nhiều cơ sở Hội đã có những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả. Tiêu biểu như: Hội LHPN huyện Mèo Vạc, Quản Bạ chọn mỗi xã 1 hộ hỗ trợ cải tạo làm vườn mẫu, tổ chức cho các hộ gia đình đến tham quan, học tập để triển khai tại vườn nhà. Hội LHPN các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đã hỗ trợ và kết nạp các hộ thực hiện cải tạo vườn tạp vào Tổ Phụ nữ liên kết trồng và cung ứng rau sạch cho các trường bán trú để tạo thu nhập bước đầu cho các hộ nghèo. Hội LHPN huyện Xín Mần đã kết nối hộ tiêu thụ sản phẩm cho chị em, từ đó đã khích lệ được chị em tích cực cải tạo vườn tạp.
Nhiều mô hình cải tạo vườn tạp ở các địa phương bước đầu cho thu hoạch, nhận thức của chị em phụ nữ về hoạt động này đã có sự chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn những hộ ý thức tổ chức sản xuất chưa cao, chưa thực sự nỗ lực, còn tư tưởng ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của của các cấp Hội và các ngành, đoàn thể. Một số hộ thuộc diện được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế nhưng chưa mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chậm.
Trong thời gian tới, Hội LHPN Hà Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc công tác tác tuyên truyền và hỗ trợ chị em về cải tạo vườn tạp; nhân rộng các mô hình cải tạo vườn hiệu quả và kết nối tiêu thụ sản phẩm; tạo niềm tin, khích lệ chị em tận dụng tiềm năng, lợi thế đất đai của gia đình để vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh.