Phụ nữ Hà Nhì tự tin vận dụng mạng xã hội vào phát triển kinh tế du lịch

Hoàng Sa - Hoàng Thiên
27/03/2025 - 16:33
Phụ nữ Hà Nhì tự tin vận dụng mạng xã hội vào phát triển kinh tế du lịch

Chị Ly Xá Gơ, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Choản Thèn, đồng thời là đội trưởng đội văn nghệ thôn

Phụ nữ Hà Nhì ở xã Y Tý (huyện Bát Xát, Lào Cai) đã tự tin vận dụng mạng xã hội phát triển kinh tế du lịch rất hiệu quả.

Vào những ngày cuối tuần, chị Sần Thó Mơ, Chủ tịch Hội LHPN xã Y Tý, lại tất bật với công việc ở mô hình Homestay của gia đình, lượng khách đến đông hơn, cả gia đình phải tập chung lo phục vụ ăn uống, ngủ nghỉ và nhiều dịch vụ khác cho khách du lịch, như đưa họ đi thăm quan bản làng, tổ chức các trò chơi dân gian, các buổi sinh hoạt văn nghệ truyền thống tại cộng đồng cho du khách thưởng thức”.

Chị Sần Thó Mơ cho biết: “Trước kia phụ nữ người Hà Nhì chủ yếu làm ruộng nương, chăn nuôi và chăm sóc gia đình thôi, nhưng ngày nay chị em đều tự tin tham gia hoạt động du lịch, người thì làm Homestay, người thì hoạt động biểu diễn văn nghệ, sản xuất buôn bán hàng thổ cẩm lưu niệm. Để có được những thay đổi này phần lớn là nhờ vào mạng xã hội, bởi chị em bây giờ đều sử dụng mạng xã hội và thấy người dân tộc ở nơi khác họ làm thì mình cũng làm theo. Bởi địa phương mình cũng thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan, nghỉ dưỡng, từ đó khiến chị em có động lực tự tin tham gia làm du lịch hơn”.

Phụ nữ Hà Nhì tự tin vận dụng mạng xã hội vào phát triển kinh tế du lịch

- Ảnh 1.
Phụ nữ Hà Nhì tự tin vận dụng mạng xã hội vào phát triển kinh tế du lịch

- Ảnh 2.

Chị em phụ nữ người Hà Nhì ở xã Y Tý (Bát Xát, Lào Cai) ngày nay rất tự tin làm du lịch nhờ vận dụng mạng xã hội

Cho đến nay, ở xã Y Tý đã có hơn 20 hộ gia đình người Hà Nhì làm mô hình Homestay, điều này không chỉ đem lại nguồn thu từ dịch vụ lưu trú, mà còn giúp ích cho việc tiêu thu sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi của bà con trong làng bản. Đồng thời cũng tạo ra việc làm và thu nhập cho một số lao động địa phương, khi họ tham gia các dịch vụ như dẫn khách du lịch, đưa khách đi thăm quan, biểu diễn văn hóa văn nghệ, bán các sản phẩm thủ công do chị em sản xuất ra. Điều đó cho thấy, việc lựa chọn hướng đi làm du lịch cộng đồng của nhiều gia đình ở đây là rất đúng đắn.

Chị Ly Xá Gơ, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Choản Thèn, đồng thời là đội trưởng đội văn nghệ thôn, cho hay: “Những năm gần đây, chị em phụ nữ người Hà Nhì có những thay đổi rất lớn nhờ vào việc tiếp xúc với các nền tảng mạng xã hội, họ được mở rộng kiến thức hơn, học tập được nhiều kỹ năng kinh nghiệm, giúp cho bản thân “giảm nghèo về thông tin” rất hữu ích. Đặc biệt là trong việc phát triển kinh tế du lịch, nếu như không vận dụng mạng xã hội để vừa học hỏi vừa phát triển, thì chị em phụ nữ người Hà Nhì ở Y Tý khó mà đạt được những kết quả ấn tượng như hôm nay”.

Phụ nữ Hà Nhì tự tin vận dụng mạng xã hội vào phát triển kinh tế du lịch

- Ảnh 3.

Ứng dụng mạng xã hội vào phát triển du lịch đã đem lại thành công cho nhiều chị em phụ nữ người Hà Nhì ở xã Y Tý

Hiện nay, việc tổ chức vận hành hoạt động ở các cơ sở Homestay ở Y Tý chủ yếu được giao dịch qua các kênh mạng xã hội, từ việc tìm kiếm khách, chào mời khác, đến các giao dịch đặt dịch vụ ăn nghỉ, đi lại, giải trí…, đều thông qua các kênh mạng xã hội. Và những người phụ nữ Hà Nhì ở Y Tý ngày nay đều khá thông thạo với các công việc này - chị Gơ cho biết thêm.

Từ việc tiếp cận các nguồn thông tin để tự trang bị, nâng cấp cho kỹ năng phát triển du lịch của mình, chị em phụ nữ người Hà Nhì cũng nhận thức tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình để thu hút phát triển du lịch.

Phụ nữ Hà Nhì tự tin vận dụng mạng xã hội vào phát triển kinh tế du lịch

- Ảnh 4.

Khách du lịch đến với Homestay của gia đình chị Sần Thó Mơ

Theo ông Nguyễn Ngọc Thanh, Cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai: “Sự phát triển của mạng xã hội đã đem đến nhiều thông tin hữu ích cho người dân tộc thiểu số ở vùng cao nói chung và người Hà Nhì ở Y Tý nói riêng, thông qua các nền tảng mạng, họ nhận thức được các thông tin, các kỹ năng và các ngành nghề mới để ứng dụng vào phát triển ở địa phương. Và cũng từ đó họ nhận ra rằng, cần phải giữ gìn các nguồn lực độc đáo ở chính cộng đồng dân tộc mình như cảnh quan, bản sắc văn hóa truyền thống để từ đó có hướng phát triển bền vững hơn, độc đáo hơn, đây chính là lợi ích đem lại từ mạng xã hội khi mà họ vận dụng đúng cách, đúng hướng”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm