pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ, hãy sống vui mỗi ngày
Trần Thị Trà My luôn tự tin làm đẹp và tràn đầy khát vọng sống. Ảnh: NVCC
Bạn đọc thường trò chuyện và giao lưu với tôi tại trang cá nhân mỗi ngày. Có rất nhiều câu chuyện thầm kín xin được giữ bí mật. Và cũng có rất nhiều người xin được tư vấn cho những hoàn cảnh riêng mà họ muốn giãi bày. Thậm chí còn có chị em nhờ xin việc dùm.
Tôi thường là cầu nối trung gian, kết nối bạn đọc với các luật sư, với các chuyên gia trong từng lĩnh vực. Dù đó không phải là công việc được giao của một nhà báo, nhưng khi giúp được điều gì tới ai, đó chính là niềm vui của tôi.
Một bữa, tôi thấy hiện lên tin nhắn trong hộp thư đang chờ, nghĩa là người liên lạc không phải bạn bè trên trang cá nhân. Tôi coi tin nhắn, thấy một cô xin hỏi "cho một người bạn gái" rằng, bạn của cô ấy một ngày bị chồng đánh tới 4 lần, thì phải tố cáo như thế nào. Ngay lập tức, tôi xin số điện thoại để liên lạc.
Hóa ra đó không phải câu chuyện của một người bạn. Đó là câu chuyện của chính cô gái ấy. Cổ là người miền Tây, giữa tiếng lao xao của âm thanh xung quanh thì giọng cô thì thào cho biết giờ chồng cô đang ở nhà. Nếu mà anh chồng đó biết cô đã kể các câu chuyện ấy, thì lại thêm trận sấm sét nữa xảy ra. Cô rất sợ… Sau đó, tôi gọi lại khá nhiều lần, nhưng cô đều không nghe máy!
Một phụ nữ khi đã ở tuổi trưởng thành, niềm vui, niềm hạnh phúc thường gắn liền với hạnh phúc gia đình. Chủ yếu là chồng, con, rồi tới các câu chuyện khác liên quan tới gia đình lớn: ba mẹ, anh chị em, các cháu… Họ mang yếu tố nhẫn nhịn để trăm sự bình an bởi những điều tiết của đạo đức, nền tảng gia đình, quan niệm xã hội.
Những người phụ nữ nạn nhân của bạo hành gia đình, bao gồm cả bạo hành thể xác lẫn tinh thần, thường lại rất dè dặt và lo lắng khi không muốn hoặc rất khó khăn để dứt bỏ hoàn cảnh ấy. Họ đưa rất nhiều lý do vì con cái, vì sĩ diện cá nhân, vì danh dự của dòng họ. Đó là sự mâu thuẫn nội tại cần được tháo bỏ ngay từ trong tiềm thức.
Phụ nữ cũng thường coi trọng hình thức, nên có người mặc cảm về thể hình, tự cho rằng mình kém hơn "đối phương", do vậy tự quyết định ở thế "dưới cơ". Tuy nhiên, càng ngày việc này đã được chỉnh sửa bằng sự can thiệp hiện đại của dao kéo, hoặc bằng chính thay đổi tư tưởng.
Hàng ngày, tôi vẫn đọc được các dòng trạng thái vô cùng tự tin của cô gái Trần Thị Trà My. My từ nhỏ bị sốt bại liệt nên cô rất khó khăn di chuyển. My nói chuyện cũng rất khó nghe do bị méo tiếng trong phát âm. Cô không nhai được đồ ăn cứng. Để theo đuổi đam mê viết lách, cô gõ trên máy tính chỉ bằng một ngón tay. Vậy nhưng Trà My chăm chút hình thức vô cùng. Cô ráng học yoga có sự chỉ dẫn của huấn luyện viên. My tự nấu ăn cho mình. Cô cũng may đầm đẹp, đi giày cao gót khi xuất hiện ở bên ngoài. Cuộc sống của My đầy sắc màu vui vẻ. Cô luôn hướng tới hạnh phúc lứa đôi. Tất cả những khát vọng sống ấy khiến Trà My vô cùng rạng rỡ với thần thái riêng biệt.
Vậy, hạnh phúc đến với người phụ nữ là khó hay dễ? Tất nhiên, chẳng dễ dàng gì để mau chóng vượt qua được mặc cảm của bản thân. Nhưng không phải là không thể làm được. Mà mọi sự chỉ khó với những người tự mang barie ra chặn trước đời mình. Sống có một đời, và thời gian chẳng thể quay trở lại nữa. Đừng so sánh bản thân với bất cứ ai để tự lên mặt hoặc tự dìm mình. Hãy học cách hồn nhiên để sẵn sàng đón nhận những việc không mong muốn và học cách đi qua nỗi buồn với bản năng đàn bà.
Nếu bạn yêu chính con người mình, thì cần tôn trọng bản thân một cách tối đa. Không ai có quyền chà đạp cơ thể và tinh thần của bạn, dù đó chính là người đầu ấp tay kề. Và cũng đừng kể công về bao điều nhẫn nhịn, hy sinh cho người thân trong gia đình. Mọi tình yêu thương đều xuất phát vì tình yêu thương và trách nhiệm.
Hơn ai hết, hãy là những người phụ nữ sống vui mỗi ngày!