Phụ nữ khởi nghiệp còn khó khăn trong tiếp cận tài chính toàn diện
08/11/2019 - 18:04
Tại diễn đàn đối thoại Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo cho biết: Thực tế, việc tiếp cận tài chính trong khởi nghiệp đã khó, nhưng khởi nghiệp với tài chính còn khó hơn rất nhiều, bởi có quá nhiều thách thức và rủi ro.
Diễn đàn đối thoại Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan diễn ra vào ngày 8/11/2019 để tìm ra giải pháp chung tạo động lực tinh thần cho chị em phụ nữ khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, đồng thời là cầu nối giữa những tổ chức, cá nhân cùng chung mục tiêu hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp phát triển doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ của diễn đàn, các đại biểu đã trình bày báo cáo đánh giá việc thực hiện đề án 939, báo cáo minh chứng các ý tưởng, đề án khởi nghiệp, các tổ chức Hội làm tốt vai trò hỗ trợ kết nối khởi nghiệp, các báo cáo của chuyên gia về hệ sinh thái khởi nghiệp, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và thảo luận bàn tròn về bài học và đề xuất cơ chế chính sách thúc đẩy quyền năng kinh tế cho phụ nữ.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo cho biết: Trong quá trình cụ thể hoá tổ chức thực hiện đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 của Thủ tướng chính phủ, 3 năm qua Phụ nữ Việt Nam khởi nghiệp trên rất nhiều lĩnh vực, nhưng lĩnh vực phổ biến nhất vẫn là nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp mang tính đơn thuần.
Thực tế, việc tiếp cận tài chính trong khởi nghiệp đã khó, nhưng khởi nghiệp với tài chính còn khó hơn rất nhiều, bởi có quá nhiều thách thức và rủi ro hơn là thành công vì vậy khởi nghiệp trong lĩnh vực này đòi hỏi sự sáng tạo, bứt phá và phải có giải pháp hết sức cụ thể, phải biết chuyển giao rủi ro bằng cách sử dụng các dịch vụ bảo hiểm và đây lại là cơ hội cho các đơn vị bảo hiểm khởi nghiệp.
Phó chủ tịch Đỗ Thị Thu Thảo cũng chia sẻ băn khoăn: “Muốn vậy, các đơn vị Bảo hiểm cần phải làm thế nào để cho các đơn vị khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính tiếp cận được sản phẩm của mình? Như chúng ta thấy, lĩnh vực Bảo hiểm rất phát triển ở nhiều nước trên thế giới, nhưng ở Việt Nam chỉ phổ biến ở một số sản phẩm: bảo hiểm nhân thọ, y tế, bảo hiểm vốn vay..., nhưng sản phẩm bảo hiểm cho cá nhân/đơn vị khởi nghiệp chưa có, hoặc chưa phổ biến.. Bài học từ Comlombia cho thấy việc giáo dục tài chính tốt dẫn đến người phụ nữ quản lý được chi tiêu, phát triển kinh tế cho gia đình, từ mô hình HTX tiết kiệm, nhận đăng ký làm đại lý ngân hàng...”
Tham dự diễn đàn, các đại biểu đến từ ngân hàng nhà nước, các tổ chức tài chính vi mô, bảo hiểm cũng trao đổi, gợi mở các nội dung chia sẻ về chiến lược tài chính toàn diện với cách tiếp cận mới cho phụ nữ khởi nghiệp.
Cụ thể, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng chia sẻ: 3 sáng kiến được coi là sáng giá của quốc tế mà Việt Nam có thể nghiên cứu, áp dụng gồm: Mô hình đại lý ngân hàng - mô hình cộng tác giữa ngân hàng với các đại lý bán lẻ phi ngân hàng để cung cấp những dịch vụ tài chính tại những nơi ngân hàng không có chi nhánh; Mô hình Tài khoản cấp độ - loại tài khoản chuyên dùng để cho việc chuyển và nhận các khoản thanh toán cần thiết với công dân (nhận tiền lương, trợ cấp, chi trả hóa đơn dịch vụ công); Mô hình Giáo dục tài chính nhằm cung cấp những kiến thức tài chính cơ bản để phụ nữ có thể tự bảo vệ mình, lựa chọn những dịch vụ phù hợp, biết cách quản lý chi tiêu, phát triển kinh tế cho gia đình.
Theo bà Alison Rusinow, Giám đốc SNV Việt Nam: Diễn đàn đã rất ý nghĩa khi đưa ra được các khuyến nghị cần có chỉ số cụ thể về bao nhiêu phụ nữ, doanh nghiệp nữ được tiếp cận vốn vay, được vay vốn ngân hàng để khởi nghiệp; có cam kết rõ ràng, các hành động để các dịch vụ tài chính, các ngân hàng, các chương trình chủ động tiếp cận với phụ nữ, thu hút họ tham gia khởi nghiệp, phát triển kinh tế; lắng nghe nhu cầu của các doanh nghiệp nữ, phụ nữ; đưa thông tin đến được với các đối tượng cần vay vốn để hỗ trợ họ thiết thực, hiệu quả.
Diễn đàn đối thoại Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh cũng gợi ra cho Hội những vấn đề mới, giải pháp, phương hướng sáng tạo giúp Hội LHPN Việt Nam đề xuất chính sách, thúc đẩy các giải pháp phát triển tài chính toàn diện nhằm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển kinh doanh trong từng lĩnh vực: khởi nghiệp ở nông nghiệp nông thôn, khởi nghiệp tài chính, khởi nghiệp đa dịch vụ...