Khi gia đình bị ảnh hưởng sức khỏe do môi trường, phụ nữ phải chịu gánh nặng gấp đôi

An Khê
29/08/2023 - 10:06
Khi gia đình bị ảnh hưởng sức khỏe do môi trường, phụ nữ phải chịu gánh nặng gấp đôi

Bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - phát biểu tại hội thảo “Bình đẳng giới và phát triển toàn diện trong quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam” sáng 29/8

Trong công việc, cuộc sống hàng ngày, phụ nữ tiếp xúc với môi trường nhiều hơn nam giới, với bản chất sinh học nhạy cảm hơn nam giới, nên phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng của môi trường nhiều hơn, đặc biệt khi môi trường bị ô nhiễm, suy thoái.

Chỉ số tiêu dùng nhựa trên đầu người ở nước ta tăng gấp 5 lần, tính từ năm 1990 đến nay. Dân số của Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới nhưng lại đứng thứ 4 trong số các quốc gia có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều nhất thế giới.

Nhiều năm qua, vấn đề ô nhiễm nhựa cũng đã được Đảng, Chính phủ định hướng và đưa ra các chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy giải quyết tình trạng này như Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương, đặt mục tiêu giảm 75% lượng nhựa thải ra đại dương vào năm 2030; Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật đã đưa ra các quy định về kinh tế tuần hoàn…

Phụ nữ là nhân tố tích cực, quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường - Ảnh 1.

"Do các yếu tố kinh tế, sinh học và vai trò giới tính, ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường tới nam giới và phụ nữ là khác nhau", bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cho biết

Sáng 29/8, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Bình đẳng giới và phát triển toàn diện trong quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam”. Sự kiện do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Canada và UNDP Việt Nam - Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa tại Việt Nam (NPAP Việt Nam) tổ chức. 

Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - cho biết, trong các chiến lược phát triển quốc gia và chính sách phát triển ngành của nước ta, giới và môi trường nói chung, phụ nữ và môi trường nói riêng là một trong những vấn đề xuyên suốt đồng thời là mục tiêu quan trọng được xác định. 

Trong công việc, cuộc sống hàng ngày, phụ nữ tiếp xúc với môi trường nhiều hơn nam giới, với bản chất sinh học nhạy cảm hơn nam giới, nên phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng của môi trường nhiều hơn, đặc biệt khi môi trường bị ô nhiễm, suy thoái. Tại một số nước, trong đó có Việt Nam, phụ nữ thường gặp các vấn đề bất thường về sức khỏe do sự phơi nhiễm các chất ô nhiễm. Tỷ lệ các ca ung thư cá biệt (đặc biệt là ung thư vú), sự rối loạn khả năng sinh sản và suy nhược mãn tính là một số vấn đề thường gặp, phổ biến ở phụ nữ hơn so với nam giới. Do các yếu tố kinh tế, sinh học và vai trò giới tính, ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường tới nam giới và phụ nữ là khác nhau.

Phụ nữ chịu tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường, đặc biệt là phụ nữ nghèo thường ít được tiếp cận các quyền sử dụng đất, giáo dục và các dịch vụ hỗ trợ khuyến nông, tài chính..., điều này khiến họ dễ bị tổn thương hơn trước các nguồn cung tài nguyên thiên nhiên ngày càng hạn chế, cùng các vấn đề môi trường khác. Với vị trí xã hội của mình, phụ nữ không chỉ có nguy cơ bị phơi nhiễm sớm hơn và lâu hơn đàn ông mà đồng thời, khi gia đình bị ảnh hưởng sức khỏe do môi trường thì với vai trò "kép", phụ nữ lại nhận gánh nặng gấp đôi - bà Nguyễn Thị Minh Hương nói. 

Phụ nữ là nhân tố tích cực, quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường - Ảnh 2.

Phụ nữ huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, với hoạt động bảo vệ môi trường

Nhưng mặt khác, phụ nữ lại là nhân tố tích cực, là lực lượng quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường. Họ là người sử dụng, tiếp cận, giải quyết các công việc hàng ngày liên quan đến rác thải, nước sinh hoạt, vệ sinh và chăm sóc cho gia đình; được xem là những nhà giáo dục đầu tiên nên nhìn từ góc độ người sản xuất, người tiêu dùng, hay người quản lý thì họ cũng đều đảm nhận vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khẳng định.

Phụ nữ là nhân tố tích cực, quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường - Ảnh 3.

Hội LHPN huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới bằng các mô hình bảo vệ môi trường thiết thực, tạo sự chuyển biến tích cực tại địa phương

Với cách tiếp cận từ giới và môi trường, trong đó có vấn đề chất thải nhựa, Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục xác định bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong thời gian tới trong các cấp Hội và hội viên, phụ nữ. 

Trong công tác bảo vệ môi trường, Hội LHPN Việt Nam tập trung vào 5 vấn đề:

- Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ về các hoạt động bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa; vận động, hướng dẫn phụ nữ sử dụng các sản phẩm dễ phân huỷ, có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường;

- Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ, gia đình và cộng đồng tham gia các hoạt động thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi nilon khó phân hủy và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định.

- Vận động hội viên, phụ nữ là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, buôn bán tại các chợ tăng cường tái sử dụng túi nylon, sử dụng sản phẩm thân thiện hơn với môi trường. Vận động các doanh nghiệp do nữ làm chủ hoặc quản lý giảm thiểu việc sử dụng túi nilon, nhựa dùng một lần trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

- Xây dựng mô hình hưởng ứng thực hiện phong trào phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

- Tích cực tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; chống rác thải nhựa; chủ động đề xuất các đề án, chương trình, giải pháp nâng cao nhận thức thay đổi hành vi hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường tại địa phương.

"Tôi mong rằng từ những chia sẻ, ghi nhận những đóng góp của phụ nữ cũng như xác định rào cản, cơ hội cho phụ nữ trong tham gia quản lý chất thải nhựa tại hộ gia đình và cộng đồng, chúng ta sẽ tiếp tục đưa ra những sáng kiến, giải pháp thiết thực, hiệu quả góp phần phát huy vai trò quan trọng của phụ nữ và nam giới trong việc quản lý chất thải nhựa tại hộ gia đình và cộng đồng, bao gồm cả khu vực lao động phi chính thức", bà Nguyễn Thị Minh Hương bày tỏ. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm