Phụ nữ miền núi thiếu nước sạch: Giải pháp nào để cải thiện?

Trường Lê (thực hiện)
04/07/2025 - 16:07
Phụ nữ miền núi thiếu nước sạch: Giải pháp nào để cải thiện?

Người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi thiếu điều kiện sử dụng nước sạch. Ảnh: Hải Nam

Tại xã Hương Hữu (nay là một phần xã Long Quảng, thành phố Huế), phụ nữ đang phải đối mặt với nhiều hệ lụy từ thiếu nước sạch. Báo Phụ nữ Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Trần Thị Ánh Nguyệt, Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Huế, người đồng thực hiện nghiên cứu thực địa tại đây.

PV: Thưa bà, bà có thể cho biết thực trạng thiếu nước sạch hiện nay tại đây đang diễn ra như thế nào và ảnh hưởng đến đời sống người dân ra sao?

TS. Trần Thị Ánh Nguyệt: Thực trạng thiếu nước sạch tại đây đang ở mức rất nghiêm trọng ở những năm 2022-2023. Xã  có 7 thôn với tổng số 748 hộ, trong đó chỉ có 3 thôn được tiếp cận nguồn nước sạch tự chảy hợp vệ sinh, chiếm 22%. 

Ngược lại 4 thôn khác, chiếm 78%, phải phụ thuộc vào nước giếng khoan, khe suối và nước mưa, chất lượng nước không đảm bảo, thường xuyên bị chua phèn và phải xử lý bằng thuốc mới sử dụng được. Đây là một vấn đề cấp bách cần được giải quyết để đảm bảo sức khỏe và đời sống của người dân nơi đây giai đoạn này.

Đặc biệt, vào mùa khô, các khe suối thường xuyên cạn kiệt, buộc người dân phải đi lấy nước rất xa, khoảng 5 - 6 km. Hệ quả là sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo báo cáo của Trạm y tế xã Nam Đông (2023), có gần 250 lượt khám các bệnh về tiêu hóa, bệnh ngoài da và nhiễm khuẩn do sử dụng nguồn nước không đảm bảo. 

Thêm vào đó, hệ thống cấp nước cũ kỹ, xuống cấp kết hợp sự thiếu ý thức bảo vệ nguồn nước của một bộ phận người dân đã làm tình trạng thiếu nước sạch trở nên ngày càng nghiêm trọng.

Phụ nữ miền núi thiếu nước sạch: Giải pháp nào để cải thiện?- Ảnh 1.

Tiến sĩ Trần Thị Ánh Nguyệt trong một hội thảo ở Hàn Quốc

 PV: Vậy đâu là nguyên nhân chính khiến tình trạng thiếu nước sạch tại đây kéo dài và ngày càng nghiêm trọng, thưa bà?

TS. Trần Thị Ánh Nguyệt: Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước sạch tại xã Hương Hữu (cũ). Trước hết là do biến đổi khí hậu, dẫn đến tình trạng khô hạn vào mùa khô làm cho khe suối cạn kiệt, nguồn nước bị ô nhiễm. Cùng với đó, ở đây không có con sông nào chảy qua, địa hình chia cắt, hiểm trở nên rất khó để xây dựng hệ thống cấp nước tập trung.

Một nguyên nhân khác là hệ thống đường ống phân phối và bể chứa nước đã cũ, bị xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo lưu trữ và cung cấp đủ nước cho người dân vào mùa khô. Ngoài ra, việc khai thác rừng bừa bãi, ý thức bảo vệ nguồn nước của người dân chưa cao cũng là nguyên nhân làm cho nguồn nước khe suối bị ô nhiễm.

Một điểm đáng chú ý là 95,4% ý kiến trong khảo sát cho rằng tình trạng thiếu nước sạch vẫn chưa được cải thiện do thiếu sự quản lý hiệu quả từ các cơ quan chức năng và sự thiếu tiếp cận với các dự án hỗ trợ. Công nghệ xử lý nước hiện nay ở địa phương còn hạn chế, chưa đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nước sạch sinh hoạt hàng ngày cho người dân.

PV: Từ thực tế khảo sát, bà có thể cho biết cụ thể những tác động mà thiếu nước sạch gây ra đối với phụ nữ miền núi ở đây như thế nào?

TS. Trần Thị Ánh Nguyệt: Việc thiếu nước sạch ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều mặt trong đời sống của phụ nữ. Đầu tiên là về kinh tế, kết quả nghiên cứu cho thấy, 100% phụ nữ khảo sát cho biết phải chi một khoản tiền không nhỏ để mua nước sạch (khoảng 100.000 đồng cho 50 lít nước đủ dùng trong 1 tuần). 

Khoản chi này là rất lớn với mức thu nhập thấp của người dân miền núi. Nhiều phụ nữ phải cắt giảm chi tiêu cho thực phẩm, nhu yếu phẩm khác, thậm chí đi làm thêm để trang trải chi phí mua nước.

Tiếp theo là về sức khỏe thể chất. Phụ nữ phải đi bộ nhiều cây số để lấy nước, gánh nước từ suối về, dẫn đến kiệt sức, đau nhức, đặc biệt là vào mùa khô. Kết quả khảo sát cho thấy, 96% phụ nữ bị ảnh hưởng bởi các bệnh ngoài da và 100% bị các bệnh tiêu hóa do sử dụng nước không đảm bảo.

Về tinh thần, có tới 96% phụ nữ chia sẻ họ thường xuyên lo lắng, căng thẳng khi thiếu nước sạch, lo ngại sức khỏe gia đình bị ảnh hưởng. Đặc biệt, 77,11% cho biết tình trạng này làm gia tăng mâu thuẫn gia đình do phân chia công việc bất hợp lý và áp lực kinh tế. Thậm chí, 97,72% ý kiến cho rằng xảy ra tranh chấp và cãi vã thường xuyên xảy ra khi đi lấy nước tại khe suối vì nguồn nước quá khan hiếm.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nước đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Cụ thể, 71,11% ý kiến cho rằng việc nấu ăn bị ảnh hưởng nhiều, 57,78% gặp khó khăn trong việc tắm giặt, 78,77% cảm thấy khó khăn trong việc duy trì vệ sinh cá nhân và 77,78% không có đủ thời gian để chăm sóc con cái.

PV: Với những tác động nghiêm trọng như vậy, trong những năm qua từ 2024 đến nay, chính quyền địa phương và người dân đã có những giải pháp gì để giải quyết tình trạng thiếu nước sạch tại đây và giảm bớt gánh nặng cho phụ nữ miền núi?

TS. Trần Thị Ánh Nguyệt: Qua nghiên cứu cho thấy, người dân đã triển khai các biện pháp như được hỗ trợ lu chứa nước, đào giếng, sử dụng thuốc xử lý nước, xây dựng bể chứa cộng đồng để đảm bảo thêm nguồn nước sinh hoạt trong gia đình.

Hiện tại, dự án Nhà máy nước sạch Thượng Long là dự án chính được HueWACO triển khai đã đi vào hoạt động cấp nước cho 5 xã vùng cao của huyện Nam Đông (cũ), bao gồm Thượng Long, Thượng Quảng, Hương Giang, Hương Hữu và Thượng Nhật đã mang lại nguồn nước sạch cho người dân. 

Tuy nhiên, Nhà máy nước Thượng Long được thiết kế để xử lý nước từ các khe suối đầu nguồn nên còn phụ thuộc nhiều nguồn nước từ suối, hạn hán kéo dài hoặc mưa lũ bất thường có thể ảnh hưởng đến lưu lượng và chất lượng nước thô tại nguồn.

Bên cạnh đó, Hội phụ nữ và chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền về trách nhiệm chia sẻ công việc trong gia đình, không để phụ nữ phải gánh vác toàn bộ công việc lấy nước và chăm sóc gia đình. 

Bên cạnh đó, cộng đồng đã huy động nguồn lực xây dựng bể chứa nước tập thể, góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm nước sạch. Phụ nữ cũng đã được tập huấn kiến thức về xử lý và sử dụng nước sạch, tham gia vào các tổ nhóm cộng đồng để chia sẻ công việc, giảm bớt áp lực.

Qua đây cho thấy, chỉ khi có sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, người dân và các tổ chức xã hội đã từng bước cải thiện được thực trạng này, mang lại cuộc sống an toàn, đảm bảo sức khỏe cho phụ nữ và cộng đồng miền núi.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà đã chia sẻ!

TS.Trần Thị Ánh Nguyệt là đồng tác giả của Tham luận về "Tác động của thiếu nước sạch đến đời sống phụ nữ tại khu vực miền núi trong bối cảnh biến đổi khí hậu" đăng trên Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia - Khu vực miền Trung - Tây Nguyên; Nhà xuất bản văn hóa dân tộc năm 2024.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm