Phụ nữ Mường Ham lan tỏa mái ấm không khói thuốc

Trường Hùng
15/07/2025 - 15:06
Phụ nữ Mường Ham lan tỏa mái ấm không khói thuốc

Phụ nữ dân tộc Thái ở Mường Ham tìm hiểu tác hại thuốc lá, chung tay xây dựng cuộc sống xanh, khỏe, hạnh phúc.

Giữa núi rừng Nghệ An, Hội LHPN xã Mường Ham đang từng bước thay đổi nhận thức cộng đồng dân tộc Thái về tác hại thuốc lá. Những người phụ nữ nơi đây không chỉ bảo vệ sức khỏe gia đình mình mà còn truyền cảm hứng xây dựng môi trường sống xanh, sạch, hạnh phúc hơn.

Giữa ruộng lúa xanh mướt, núi non trùng điệp ở xã Mường Ham mới (trước là 2 xã Châu Cường và Châu Thái, tỉnh Nghệ An), cuộc vận động xây dựng môi trường không khói thuốc lá đang được lan tỏa mạnh mẽ nhờ sự tiên phong của Hội LHPN xã. Đặc biệt, những người phụ nữ dân tộc Thái đã trở thành "cầu nối" giúp thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng về tác hại của thuốc lá.

Thay đổi từ "điếu thuốc xã giao" đến nhận thức bảo vệ sức khỏe

Xã Mường Ham là địa bàn vùng cao, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái, vẫn lưu giữ nhiều phong tục truyền thống, trong đó có thói quen dùng thuốc lá như một cách giao tiếp, thể hiện sự hiếu khách và gắn kết cộng đồng. Vì vậy, việc thay đổi nhận thức, hành vi liên quan đến thuốc lá ở đây không hề dễ dàng, đòi hỏi những cách làm kiên trì, phù hợp với bản sắc văn hóa.

Bà Vi Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Mường Ham cho biết: "Nhiều người dân, nhất là nam giới làm nghề tự do như thợ xây, thợ mộc vẫn giữ thói quen hút thuốc; với người Thái, mời nhau điếu thuốc còn được xem là phép lịch sự".

Phụ nữ Mường Ham lan tỏa mái ấm không khói thuốc- Ảnh 1.

Bà Vi Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Mường Ham.

Để làm thay đổi điều này, Hội đã kiên trì tổ chức hàng chục buổi sinh hoạt chi hội, lồng ghép tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá; kết hợp loa truyền thanh, phát tờ rơi, treo băng rôn khẩu hiệu, đăng tải thông tin trên mạng xã hội.

Đặc biệt, những buổi sinh hoạt chi hội, hội thi, câu lạc bộ được xem là cách tiếp cận hiệu quả nhất, khi Hội thường lồng ghép các câu hỏi về tác hại thuốc lá vào phần thi để hội viên dễ nhớ, dễ thấm hơn.

Hội cũng khéo léo sử dụng hình ảnh, video minh họa phù hợp văn hóa dân tộc Thái, phối hợp với già làng, trưởng bản để tăng sức thuyết phục. "Trong cộng đồng người Thái, lời nói của người uy tín có trọng lượng lắm. Họ vận động là dân nghe theo", bà Hằng chia sẻ.

Phụ nữ Mường Ham lan tỏa mái ấm không khói thuốc- Ảnh 2.

Hội LHPN xã Mường Ham phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá, góp phần thay đổi nhận thức người dân.

Nhờ áp dụng những cách làm gần gũi, kiên trì đó, nhận thức của người dân đã dần chuyển biến tích cực. Nhiều người, đặc biệt là phụ nữ và thanh niên, đã hiểu rõ tác hại của thuốc lá đến tim mạch, phổi, kinh tế gia đình và môi trường sống, không ít gia đình còn cùng nhau cam kết bỏ thuốc.

Tiêu biểu là anh Vi Văn Tuấn ở xóm Bản Nhọi, xã Mường Ham, người từng hút thuốc hơn 5 năm. Ban đầu, anh coi việc hút thuốc chỉ là thói quen bình thường, thậm chí còn là cách giao lưu, gắn kết bạn bè.

Phụ nữ Mường Ham lan tỏa mái ấm không khói thuốc- Ảnh 3.

Nhiều nam giới làm nông nghiệp ở xã Mường Ham đã cam kết bỏ thuốc lá.

Nhưng sau khi được Hội phụ nữ đến tận nhà tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, cộng thêm sự động viên kiên trì của vợ và người thân, anh đã dần nhận ra hậu quả đối với sức khỏe bản thân và gia đình.

Quyết tâm từ bỏ, anh Tuấn đã không hút thuốc suốt 2 năm qua, đồng thời còn chủ động khuyên nhủ, vận động những người bạn trước đây hay cùng hút với mình cùng nhau bỏ thuốc để bảo vệ sức khỏe.

Góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nông thôn

Không chỉ riêng anh Tuấn, nhiều gia đình ở xã Mường Ham cũng dần thay đổi thói quen để bảo vệ sức khỏe. Như gia đình chị Sầm Thị Lĩnh (33 tuổi, dân tộc Thái, xóm Bản Nhạ). Chị kể, trước đây chồng và người thân thường hút thuốc ngay trong nhà, khiến chị luôn lo lắng, nhất là khi mang thai. "Khói thuốc làm tôi ho, khó thở, mệt mỏi", chị Lĩnh chia sẻ.

Sau khi tham gia các buổi tuyên truyền của Hội Phụ nữ, chị kiên trì thuyết phục chồng bỏ hút thuốc trong nhà. Ban đầu không dễ, nhưng nhờ những minh chứng rõ ràng về tác hại của thuốc lá, chồng chị đã dần nghe theo, chuyển ra ngoài rồi hạn chế hẳn. "Giờ không còn khói thuốc, nhà tôi khỏe hơn nhiều, các con cũng ít ốm vặt hơn", chị Lĩnh cười nói.

Phụ nữ Mường Ham lan tỏa mái ấm không khói thuốc- Ảnh 4.

Bà Ngân Thị Dương (60 tuổi, trú xóm Bản Nhọi, xã Mường Ham).

Không chỉ tác động tới mỗi gia đình, phong trào phòng chống tác hại thuốc lá còn góp phần nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp. Bà Ngân Thị Dương (60 tuổi, trú xóm Bản Nhọi) nói: "Làm đồng đã vất vả, hít phải khói thuốc càng mệt hơn. Nhờ Hội Phụ nữ tuyên truyền, giờ nhiều người biết hút thuốc làm giảm sức bền, hại phổi, hại tim nên đã giảm nhiều".

Theo bà Dương, môi trường làm việc không khói thuốc giúp người dân khỏe mạnh hơn, năng suất ruộng đồng cũng cao hơn. "Tôi ủng hộ cách Hội Phụ nữ làm, phối hợp với già làng, trưởng bản. Người dân nể và tin lắm".

Dù vậy, thói quen hút thuốc lâu năm, coi thuốc lá là một nét văn hóa giao tiếp vẫn còn tồn tại. "Nguồn lực để tuyên truyền còn hạn chế, nhất là ở các bản xa", bà Hằng trăn trở.

Phụ nữ Mường Ham lan tỏa mái ấm không khói thuốc- Ảnh 5.

Hội LHPN xã Mường Ham phối hợp với Trung tâm Y tế xã trong hoạt động tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá.

Trong thời gian tới, Hội LHPN xã Mường Ham sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng các mô hình "Gia đình không khói thuốc", tổ chức hội thi, nói chuyện chuyên đề, vận động các gia đình, nhất là nhà có phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, tạo không gian sống lành mạnh. Hội cũng mong muốn được hỗ trợ thêm kinh phí, tài liệu, tập huấn nâng cao kỹ năng cho cán bộ hội, phối hợp với ngành y tế, giáo dục để lan tỏa rộng rãi hơn.

Những bước đi kiên trì của phụ nữ Mường Ham đã và đang tạo nên sự thay đổi sâu sắc. Giờ đây, ngày càng có nhiều gia đình dân tộc Thái trên địa bàn chủ động nói không với thuốc lá, giữ gìn môi trường sống trong lành. Trẻ nhỏ được hít thở không khí trong lành, người lao động khỏe hơn, tiết kiệm được khoản tiền không nhỏ từ việc bỏ thuốc lá.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm