pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ nếu tăng cân bất thường, cần nhanh chóng kiểm tra sức khỏe vì dễ có thể mắc các bệnh sau
Bà Melina Jampolis, tiến sĩ, bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu nước Mỹ cảnh báo về những rủi ro không ngờ khi cân nặng của phụ nữ tăng bất thường. Vì vậy, nếu có sự tăng cân bất thường, phụ nữ cần kiểm tra sức khỏe liên quan đến những nguyên nhân dưới đây.
Rối loạn tuyến giáp
Tiến sĩ Jampolis cho biết, khi một phụ nữ trẻ có những dấu hiệu tăng cân mà không rõ lý do, rối loạn tuyến giáp là khả năng đầu tiên được các bác sĩ chẩn đoán. Theo Hiệp hội Tuyến giáp Mỹ, cứ 8 phụ nữ sẽ có một phụ nữ bị rối loạn tuyến giáp.
Tuyến giáp là một tuyến to ở phía trước cổ, có nhiệm vụ tạo ra hormone điều khiển quá trình trao đổi chất, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể. Nếu hoạt động ở tuyến này bị rối loạn, quá trình trao đổi chất bị chậm lại, dẫn đến cơ thể tăng cân.
Theo Tiến sĩ Jampolis, rối loạn tuyến giáp khiến năng lượng của cơ thể giảm xuống mức thấp, dẫn đến khô da, rụng tóc, khàn giọng hoặc táo bón. Nếu phụ nữ có những dấu hiệu tăng cân nhưng không rõ lý do, điều đầu tiên họ nên làm là đến gặp bác sĩ và thực hiện những xét nghiệm liên quan đến tuyến giáp.
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
Nghiên cứu cho thấy, cứ 5 phụ nữ sẽ có 1 trường hợp mắc hội chứng buồng trứng đa nang. Khi mắc hội chứng này, những rối loạn nội tiết sinh dục làm mất cân bằng hormone giới tính estrogen và testosterone, gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, đau nửa đầu, rong kinh, lông và tóc phát triển nhanh bất thường. Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang sẽ khó thụ thai và mang thai hơn bình thường.
Hội chứng buồng trứng đa nang khiến cơ thể tăng cường sử dụng isuline (hormone giúp chuyển hóa đường và tinh bột thành năng lượng). Từ đó khiến cân nặng của phụ nữ tăng một cách bất thường.
Hội chứng Cushing
Hội chứng Cushing là một bệnh lý rất hiếm ở phụ nữ, xuất hiện ở 10 – 15 trường hợp trên 1 triệu phụ nữ. Nguyên nhân gây hội chứng Cushing do rối loạn chức năng vỏ tuyến thượng thận, gây ra tình trạng sản xuất cortisol dư thừa, từ đó tạo mỡ dư thừa ở vùng bụng và sau gáy. Bệnh lý phổ biến ở nữ giới trong độ tuổi từ 25 đến 40. Một số triệu chứng của bệnh có thể kể đến như béo bụng, mặt tròn và đỏ, u mỡ sau gáy, lông mi và tóc mai rậm bất thường, tăng huyết áp, …
Tuy nhiên, dấu hiệu quan trọng nhất của hội chứng Cushing là xuất hiện những vết rạn đỏ trên bụng bất thường. Nếu bạn gặp tình trạng này và tăng cân mà không rõ lý do, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và hỗ trợ kịp thời.
Vi khuẩn đường ruột phát triển quá mức (SICO)
Trong đường ruột, sự cân bằng giữa vi khuẩn tốt (men vi sinh) và các vi khuẩn có hại giúp hoạt động tiêu hóa diễn ra bình thường. Tuy nhiên, sự phát triển quá mức của các vi khuẩn có hại sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ thống tiêu hóa gây ra đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy và thậm chí là tăng cân.
Theo Tiến sĩ Jampolis, hiện vẫn chưa giải thích được vì sao sự phát triển quá mức của vi khuẩn có hại trong đường ruột có thể dẫn đến tăng cân. Tuy nhiên, khi phụ nữ có dấu hiệu tăng cân nhưng không rõ lý do, cần tiến hành làm xét nghiệm về đường ruột và hệ tiêu hóa.
Ung thư buồng trứng
Theo Sanaz Memarzadeh, Tiến sĩ – Bác sĩ phẫu thuật ung thư phụ khoa tại Trung tâm Y tế UCLA Health (Mỹ), trong một số trường hợp hiếm, những khối u do ung thư buồng trứng khiến bụng của người bệnh to hơn bình thường. Từ đó khiến cân nặng của họ tăng bất thường và không rõ lý do. Ung thư buồng trứng thường xuất hiện ở phụ nữ mãn kinh, tuy nhiên, phụ nữ ở độ tuổi trẻ hơn rất cần những biện pháp để phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này.
Một số dấu hiệu phổ biến của ung thư buồng trứng có thể kể đến như no quá nhanh và đau ở vùng bụng dưới gây áp lực lên bàng quang. Nếu phụ nữ xuất hiện những tình trạng này thường xuyên, cần khám bệnh và xét nghiệm để có những can thiệp sớm, đặc biệt nếu gia đình đã có người mắc ung thư buồng trứng.
Tiểu đường
Đối với tiểu đường type 1, tuyến tụy cơ bản không thể sản xuất isuline hoặc sản xuất không đủ. Vì vậy cần can thiệp bổ sung loại hormone này vào cơ thể. Việc bổ sung isuline có thể khiến cơ thể tăng cân. Tuy nhiên, tăng cân trong trường hợp này có thể giải thích được.
Tiểu đường type 2 liên quan đến tình trạng kháng isuline do chế độ ăn uống không lành mạnh và lối sống ít vận động. Chính những hành vi này đã góp phần khiến cơ thể tăng cân. Insuline cho phép glucose hấp thụ vào các tế bào máu để chuyển hóa thành thành năng lượng, nhưng nếu cơ thể thu nạp nhiều calo hơn nhu cầu, các tế bào vẫn chỉ hấp thụ được lượng glucose vừa đủ, lượng calo còn lại sẽ được tích tụ dưới dạng mỡ thừa, từ đó dẫn đến tăng cân.
Tiến sĩ Pouya Shafipour, chuyên gia tư vấn về phương pháp giảm cân tại trung tâm y tế Paloma Health (Mỹ) cho biết, bệnh nhân tiểu đường type 2 có mức isuline trong cơ thể cao hơn bình thường, và chính isuline này gây tăng cân, đặc biệt là lượng mỡ thừa quanh bụng.
Để khắc phục tình trạng tăng cân, phụ nữ cần chú ý chế độ ăn uống, tránh ăn quá nhiều thức ăn nhanh và các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo. Ngoài ra, cần kết hợp rèn luyện thể dục, thể thao thường xuyên.
Một số nguyên nhân tiềm ẩn khiến phụ nữ tăng cân
Trầm cảm, lo lắng và căng thẳng
Khi rơi vào tình trạng lo lắng hoặc căng thẳng, đặc biệt là căng thẳng kéo dài, nồng độ adrenaline và hormone cortisol (góp phần vào quá trình dự trữ năng lượng và tích trữ chất béo) trong cơ thể tăng cao. Nồng độ hormone cortisol tăng cao dẫn đến quá trình tích trữ mỡ thừa diễn ra thường xuyên, từ đó cơ thể tăng cân.
Mất ngủ
Ngủ quá ít làm tăng lượng hormone ghrelin (hormone khiến cơ thể thèm ăn) và làm giảm lượng hormone leptin (hormone tạo cảm giác đủ và không thèm ăn). Sự thay đổi lượng hormone này dẫn đến tăng cân do hấp thụ nhiều năng lượng hơn mức bình thường.
Thời kỳ tiền mãn kinh
Thời kỳ tiền mãn kinh ở phụ nữ có thể diễn ra sớm nhất ở độ tuổi 30, làm mất cân bằng lượng hormone estrogen. Điều này đi kèm với dấu hiệu tăng cân ở nhiều phụ nữ.
Mất nước
Tiến sĩ Kristen Neilan, chuyên gia dinh dưỡng tại Đại học Y khoa Florida (Mỹ) cho biết, nhiều người đã nhầm lẫn cảm giác đói và cảm giác khát vì những dấu hiệu như mệt mỏi hoặc chóng mặt. Khi cơ thể không được cung cấp đủ lượng nước, các tế bào không thể thực hiện quá trình chuyển hóa thức ăn thành năng lượng, từ đó gây tăng cân.