Phụ nữ Pakistan quyết vượt qua định kiến đi bầu cử

12/05/2018 - 13:00
Trong nỗ lực bảo vệ quyền bầu cử của phụ nữ, Pakistan đã thông qua Luật bầu cử năm 2017, yêu cầu mỗi địa điểm bầu cử phải có ít nhất 10% nữ cử tri. Cuộc bầu cử năm 2018 hứa hẹn số nữ cử tri sẽ tăng đáng kể. Bên cạnh đó, Luật bầu cử yêu cầu cử tri phải có thẻ công dân điện tử.

Ngại thực hiện quyền bầu cử vì định kiến

Những năm trước đây, sau các cuộc bầu cử ở Pakistan, báo chí lại lên tiếng phê phán quốc gia này không quan tâm đến việc khuyến khích phụ nữ đi bầu cử. Thậm chí đã từng có trường hợp một phụ nữ đi thực hiện quyền của mình nhưng sau đó bị cộng đồng tầy chay. Đó là cô Fouzia Talib (32 tuổi). Sau đó, cô phải tìm đến trại tị nạn vì cô là người phụ nữ duy nhất trong cộng đồng dám đi bầu cử.

a4.jpg
Các tình nguyện viên hướng dẫn phụ nữ Pakistan cách thức làm thủ tục xin cấp thẻ công dân điện tử.

Trước đó, khi nghe nói cô sẽ đi bỏ phiếu thì mọi người xung quanh đã can ngăn cô và bảo cô đừng nói tới việc đó. Khi cô đi bầu xong thì chị cô gọi điện nói với cô rằng, mọi người đã nói với gia đình là cô vừa làm xong một công việc tồi tệ.

Vào cuộc bầu cử năm 2017, tình trạng trên vẫn tiếp diễn, một số nơi như làng Brawal, huyện Chukiatan, huyện Dir vẫn không có phụ nữ đi bầu cử. Ở huyện Dir có 6.813 phụ nữ nằm trong danh sách cử tri nhưng không ai trực tiếp tham gia cuộc bầu cử cả.

Trong nỗ lực bảo vệ quyền bầu cử của phụ nữ, Pakistan đã thông qua Luật bầu cử năm 2017, yêu cầu mỗi địa điểm bầu cử phải có ít nhất 10% nữ cử tri. Điều đó hứa hẹn rằng trong cuộc bầu cử năm 2018, số nữ cử tri thực hiện quyền của mình sẽ tăng đáng kể.

Trước đó, Ủy ban Bầu cử Pakistan đã thực hiện cuộc điều tra dân số để lập danh sách tất cả các cử tri nữ cho cuộc tổng tuyển cử năm2018, đồng thờ, tổ chức truyền thông về bầu cử và quyền bầu cử của phụ nữ.

Tuy nhiên, bên cạnh việc ủng hộ quyền bầu cử của phụ nữ, Luật Bầu cử 2017 cũng yêu cầu cử tri phải có thẻ công dân điện tử. Điều này gây khó khăn cho phụ nữ ở vùng sâu vùng xa, nơi phương tiện đi lại còn hạn chế. Những ai muốn đi bầu phải dành dụm một ít tiền và tranh thủ thời gian đi làm thẻ công dân điện tử.

Tích cực làm thẻ công dân điện tử để đi bầu cử

Bà Khayal Marjana (72 tuổi) sống ở một ngọn đồi cách trung tâm Kalabagh, quận Mianwali khoảng 10 km. Bà đã từng là cử tri tích cực trong các cuộc bầu cử trước đây. Để tham gia vào cuộc bầu cử vào cuối năm 2018, bà Marjana đã nộp đơn xin cấp thẻ công dân điện tử để còn kịp tham gia đi bầu cử vào tháng 11/2018 tới.

a2.jpg
Phụ nữ Pakistan xếp hàng tại một điểm bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử ở Lahore, thành phố lớn nhất của Pakistan

Dù tuổi cao sức yếu nhưng bà Marjana vẫn cứ đau đáu: “Nếu tôi không đi bỏ phiếu thì làm sao tôi có thể yêu cầu họ thực hiện những điều họ hứa cho sự phát triển của làng quê tôi”. Cho đến thời điểm hiện giờ, người dân trong làng của bà Marjana vẫn chưa có bếp gas và điện sinh hoạt. Hằng ngày, gia đình bà phải dẫn một con lừa đi lấy nước từ một bể công cộng gần nhà.

Cùng tâm trạng với bà Marjana, cô Shaheen (25 tuổi) cũng bắt xe lên quận Mianwali để nộp hồ sơ xin cấp chứng minh thư điện tử. Cô cho biết: “Dù nam giới sẽ quyết định đại đa số phiếu nhưng tôi sẽ vẫn đi bầu những ứng cử viên mình yêu thích. Nếu nữ cử tri không đi bầu thì ứng cử viên sẽ giảm sự nhiệt tình và nỗ lực của họ cho công việc cộng đồng”.

a1.jpg
Phụ nữ Pakistan xếp hàng đăng ký làm thẻ công dân điện tử tại Kalabagh để kịp tham gia cuộc bầu cử vào tháng 11/2018

Anh Qamar Abbas (21 tuổi) là công nhân một nhà máy dệt ở Chakwal đã hy sinh 3 ngày lương để dẫn vợ đi làm thẻ công dân điện tử. Anh cho biết: “Tham gia bầu cử sẽ mang đến cho bạn niềm hy vọng, người bạn lựa chọn sẽ làm một điều gì đó mà bạn kỳ vọng. Chính vì vậy mà phụ nữ cũng nên đi bầu cử”.

Theo một công bố của Ủy ban Quốc gia các vấn đề phụ nữ tháng 12/2017, ước tính có khoảng 10 triệu phụ nữ đủ điều kiện đi bầu cử ở Pakistan bị loại ra khỏi danh sách cử tri vì họ không có chứng minh nhân dân điện tử.

Ông Shozab Saeed - Ủy viên quận Mianwali cho biết, để có thêm nhiều phụ nữ Pakistan tham gia bầu cử, các ban ngành có liên quan cần tích cực phối hợp giúp đỡ họ. Cơ quan của ông cũng đã chủ động liên hệ Ủy ban bầu cử Pakistan và Cơ quan quản lý và cơ sở dữ liệu quốc gia giúp những người dân địa phương nhanh chóng có thẻ căn cước điện tử cho kịp bầu cử sắp tới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm