pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ Philippines: Sự đánh đổi khi xuất khẩu lao động
Cô Gina Fabiano từng là người nhặt rác trước khi sang Trung Đông làm giúp việc gia đình
Nỗi day dứt
Cô Gina Fabiano (43 tuổi, ở thành phố Rodriguez, Philippines) gần như không còn lựa chọn nào khác khi trở thành người giúp việc tại Arab Saudi. Khi cô lần đầu cân nhắc rời khỏi quê nhà để đến vùng đất xa lạ cách đó 7.000 km, các con đã cầu xin cô đừng đi.
Họ chưa bao giờ xa nhau, chưa nói đến việc xa cách nhau trong một thời gian dài như vậy. Các con nói rằng chúng sẽ không biết sống thế nào nếu không có mẹ. Nhưng vào thời điểm đó, người mẹ 5 con quyết định đến Trung Đông làm việc trong 3 năm.
Đất nông nghiệp của gia đình cô ngày càng trở nên kém hiệu quả kể từ khi chính phủ quyết định lập một bãi rác gần đó vào năm 2002. Cùng với những gia đình khác có đất nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng, cô Fabiano và chồng làm nghề nhặt rác, sàng lọc hàng tấn rác thải từ Manila, tìm kiếm kim loại, nhựa và các đồ vật có giá trị khác để bán cho các nhà máy tái chế.
Thu nhập của gia đình không bao giờ ổn định. Cô Fabiano và chồng chỉ kiếm được 1.000 đến 2.000 peso (17,10 đến 34,20 USD) một tháng. Mức thu nhập này chỉ đủ để mua thức ăn và trả tiền học phí cho các con.
Sau đó, mẹ cô qua đời vào năm 2016. Là chị cả trong gia đình có 14 anh chị em, cô Fabiano phải lãnh trách nhiệm nuôi các em. "Chúng tôi không có tiền để đưa mẹ tôi đến bệnh viện khi bà bị ốm. Lúc đó, tôi nghĩ rằng có lẽ mẹ tôi đã không qua đời nếu tôi làm việc ở nước ngoài sớm hơn", cô nói. Vì vậy, khi có cơ hội trở thành người giúp việc gia đình ở Arab Saudi với mức lương 400 USD/tháng, cô đã nắm bắt cơ hội đó.
Theo Bộ Lao động Di cư Philippines, năm 2016, nước này có 2,1 triệu lao động làm việc ở nước ngoài. Con số này giảm trong thời gian xảy ra đại dịch nhưng đã tăng lên mức kỷ lục là 2,3 triệu người vào năm 2023.
Phần lớn trong số họ đến từ các vùng nông thôn xa xôi và các khu dân cư đô thị nghèo đói như quận San Isidro của Rodriguez, nơi có rất ít cơ hội việc làm, đặc biệt là đối với những người như cô Fabiano, người chỉ có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.
Làm việc ở nước ngoài cho phép những người Philippines kiếm được nhiều tiền nhưng đi kèm với nhiều mất mát lớn. Đối với những bà mẹ như cô Fabiano, làm việc ở nước ngoài có nghĩa là mất đi cơ hội chứng kiến con cái mình lớn lên cũng như bỏ lỡ những khoảnh khắc quan trọng của con mình như ngày đầu tiên đi học và lễ tốt nghiệp.
"Điều khó khăn nhất là tôi không thể chăm sóc đứa con gái duy nhất của mình. Tất cả những gì tôi có thể làm là gọi điện cho con bé và hỏi: "Con đang làm gì vậy? Con đã ăn chưa? Con có đi học không?".
Chỉ vậy thôi. Nhưng với cô bé mà tôi chăm sóc ở Arab Saudi, tôi có thể buộc tóc, cho cô bé ăn uống đầy đủ và dỗ bé đi ngủ. "Tôi có thể chăm sóc con người khác nhưng thậm chí tôi không thể chăm sóc chính những đứa con của mình", cô Fabiano tâm sự.
Hệ lụy dai dẳng
Cô Fabiano cũng rất dằn vặt bởi sau khi cô đi, 4 con trai đều bỏ học. Đứa con út vẫn đang học lớp 9 và Fabiano quyết tâm không để đứa con gái duy nhất của mình đi theo vết xe đổ của anh trai. "Khi tôi ra đi, ước mơ của tôi là con cái tôi hoàn thành việc học. Nhưng giờ tôi nhận ra rằng, làm việc ở nước ngoài không phải là tất cả. Dù cuộc sống ở Philippines rất khó khăn, ít nhất tôi sẽ được ở bên con cái và gia đình", cô buồn rầu nói.
Ông Marvin Rimas thuộc tổ chức những người di cư Philippines cho biết, trẻ em ở Philippines cũng đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự. "Con cái của người lao động di cư không có sự dạy dỗ của cha mẹ, đặc biệt là từ người mẹ. Vì vậy, những người mẹ đang làm việc ở nước ngoài và cả con cái họ đều trải qua chứng lo lắng khi xa cách. Họ bị trầm cảm", ông nói.
Nhóm của ông Rimas đã ghi nhận rất nhiều trường hợp con cái của những người di cư vi phạm pháp luật vì thiếu sự quan tâm từ cả cha và mẹ. "Dù cha mẹ các em ra nước ngoài với hy vọng con cái mình có tương lai tốt đẹp hơn nhưng trớ trêu thay, bọn trẻ thường bỏ học vì phạm pháp và hành vi xấu", ông nói thêm.
Ở một số quốc gia, tình trạng di cư ra nước ngoài để theo đuổi các cơ hội và mức lương tốt hơn là điều phổ biến. Người lao động ở nước ngoài đang đóng góp rất lớn cho nền kinh tế Philippines, quốc gia mà 15,5 % trong số 117 triệu người đang sống dưới mức nghèo khổ, theo Cơ quan Thống kê Philippines năm 2023. Họ chi tiêu mức dưới 1,35 USD mỗi ngày.
Năm ngoái, theo Ngân hàng Thế giới, người lao động ở nước ngoài đã gửi về nước 40 tỷ USD, đóng góp 9,2 % GDP đất nước. Philippines là nước nhận kiều hối lớn thứ tư thế giới sau Ấn Độ 125 tỷ USD, Mexico 67 tỷ USD và Trung Quốc 50 tỷ USD.
Dòng chảy lao động nước ngoài quan trọng đối với nền kinh tế đến mức chính phủ Philippines đã ban hành nhiều chính sách khác nhau để thúc đẩy và hỗ trợ di cư. Các chính sách bao gồm bảo vệ người lao động, cải thiện phúc lợi khi họ di cư trở về.