pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ Phú Thọ chống rác thải nhựa, hưởng ứng Tháng Hành động vì môi trường
Ra mắt mô hình Phụ nữ nói không với rác thải nhựa, xách làn đi chợ" tại khu Tân Tiến, phường Tân Dân, thành phố Việt Trì, Phú Thọ
Với phương châm bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ, 100% cấp Hội đã phát động và vận động hội viên, phụ nữ thực hiện có hiệu quả phong trào "Phụ nữ chống rác thải nhựa".
Mô hình "Ngôi nhà xanh" là ví dụ. Bà Hoàng Thị Minh Thu, Trưởng Ban Gia đình xã hội - Kinh tế, Hội LHPN tỉnh Phú Thọ cho biết, nhằm vận động các hộ gia đình cán bộ, hội viên, phụ nữ tích cực tham gia có hiệu quả Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" và hưởng ứng phong trào "Chống rác thải nhựa", Hội LHPN các huyện, thành phố, thị xã đã chỉ đạo Hội Phụ nữ cơ sở ra mắt và nhân rộng được 195 mô hình "Ngôi nhà xanh" thu gom phế liệu gây quỹ, góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Tiêu biểu có thể kể đến các đơn vị thực hiện tốt như Hội LHPN thành phố Việt Trì, Hội LHPN huyện Thanh Thủy, Hội LHPN thị xã Phú Thọ...
Các "Ngôi nhà xanh" được đặt tại điểm các trường tiểu học, trung học cơ sở, nhà văn hóa khu dân cư. Hàng tuần, hội viên, phụ nữ và học sinh tổ chức phân loại, thu gom các loại rác tái chế trong gia đình, tập kết về "Ngôi nhà xanh" rồi đem bán gây quỹ. Quỹ này dùng để hỗ trợ cho trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, phần nào giúp các em vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Từ khi triển khai đến nay, Hội LHPN thị xã Phú Thọ đã thành lập được 9 "Ngôi nhà xanh". Số tiền thu gom được từ bán phế liệu đã góp phần hỗ trợ cho trẻ mồ côi trên địa bàn.
Cùng với Hội LHPN thị xã Phú Thọ, tại nhiều địa phương, các cấp Hội LHPN đã tổ chức phong trào thu gom, xử lý rác thải, phế liệu, thành lập các tổ thu gom phế liệu hoạt động hiệu quả. Tiền bán phế liệu dùng để giúp đỡ, hỗ trợ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, khen thưởng cho các cháu là con hội viên vượt khó học giỏi; đồng thời góp phần giảm tình trạng vứt rác bừa bãi, lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường tới hội viên, phụ nữ và nhân dân trong khu.
Cũng theo bà Thu, mô hình "Phụ nữ xách làn đi chợ" cũng là một trong những mô hình hiệu quả cao trong phong trào "Chống rác thải nhựa". Để giảm thiểu việc sử dụng túi nylon, hộp xốp dùng một lần, Hội LHPN tỉnh đã triển khai mô hình "Phụ nữ xách làn đi chợ" tại nhiều địa phương. Giờ đây, việc sử dụng làn nhựa, làn mây khi đi chợ đã dần trở thành thói quen của nhiều người dân.
Từ những kết quả đã đạt được, Hội LHPN tỉnh Phú Thọ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện tốt các phong trào thi đua, nhân rộng các mô hình phụ nữ bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương; đặc biệt là mô hình phụ nữ nói không với túi nylon và sản phẩm nhựa dùng một lần, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhắc nhở mọi người cùng tham gia.
Các phong trào bảo vệ môi trường khác cũng được hội viên, phụ nữ quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình. Nhiều năm nay, trên khắp các tuyến đường từ thành thị đến các vùng nông thôn, rất đông người dân tham gia vệ sinh môi trường, trong đó phần lớn là phụ nữ. Để công tác bảo vệ môi trường trở thành thói quen hàng ngày của mỗi người dân, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở Hội phối hợp phát động sâu rộng phong trào "5 không, 3 sạch". Qua đó, từng bước nâng cao tinh thần tự giác của người dân trong thực hiện nếp sống văn minh đô thị, không vứt rác bừa bãi. Đặc biệt, mỗi hội viên đã tích cực thu gom, phân loại, xử lý rác thải ngay tại gia đình mình…
Xác định tuyên truyền là nhiệm vụ then chốt, Hội LHPN tỉnh Phú Thọ đã chú trọng lồng ghép tuyên truyền các nội dung bảo vệ môi trường tới hội viên thông qua các buổi sinh hoạt Hội tại địa phương. Phát động chiến dịch ra quân tổng vệ sinh môi trường hưởng ứng Tháng Hành động vì môi trường, Tuần lễ Nước sạch vệ sinh môi trường, Ngày Môi trường thế giới; các hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", mô hình điểm "5 có, 3 sạch"…
Bà Thu cho biết, trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh Phú Thọ sẽ tăng cường vận động nữ chủ doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các hộ tiểu thương, các cơ sở buôn bán nhỏ lẻ hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng thay bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình giảm thiểu rác thải nhựa, phân loại, tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa có hiệu quả trong hệ thống Hội, từng bước giúp hội viên, phụ nữ hình thành thói quen không vứt rác bừa bãi, hạn chế sử dụng túi nilon trong việc đi chợ hàng ngày, góp phần bảo vệ môi trường, tham gia xây dựng nông thôn mới. Thường xuyên tuyên truyền, biểu dương, giới thiệu các mô hình, điển hình tập thể, cá nhân thực hiện tốt phong trào "Chống rác thải nhựa" trong hệ thống Hội để tạo sức lan tỏa và nhân rộng điển hình.