Saudi Arabia từ lâu đã được biết đến là nước có những luật lệ hà khắc đối với phụ nữ. Họ không thể tự đi ra ngoài một mình mà luôn phải có đàn ông, không thể làm nhiều công việc được quy định chỉ dành cho nam giới, không thể để lộ đầu tóc ở nơi công cộng cũng như không thể lái xe. Họ phải xuất trình chứng nhận về sự cho phép của người giám hộ - thường là người chồng, cha hoặc anh em trai - nếu muốn xin giấy tờ hành chính, đi du lịch hoặc tham gia các lớp học. Thế nhưng, Bộ Thương mại và Đầu tư Saudi Arabia vừa đưa ra thông báo rằng phụ nữ hiện có thể khởi sự kinh doanh riêng và hưởng lợi từ các dịch vụ điện tử của chính phủ mà không cần phải chứng minh sự đồng ý của người giám hộ là nam giới. Đây được đánh giá là một sự thay đổi lớn trong hệ thống giám hộ nghiêm ngặt đối với phụ nữ vốn tồn tại ở nước này trong nhiều thập niên qua.
Truyền thông Saudi Arabia cũng như thế giới đánh giá cao quyết định trên. Báo giới cho rằng chính phủ nước này hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội cởi mở hơn, trong đó chú trọng sự hội nhập của phụ nữ trong các tầng lớp xã hội, đồng thời đáp ứng nhu cầu của khu vực tư nhân đang phát triển nhanh chóng.
Kể từ khi Thái tử Mohammed bin Salman (32 tuổi) được trao quyền kế vị tháng 11/2017, nhiều quy định hà khắc với phụ nữ Saudi Arabia đã được cởi bỏ, mang đến luồng gió mới tại vương quốc Hồi giáo vùng Vịnh này. Giới chức Saudi Arabia đã đưa ra một quyết định mang tính lịch sử bằng việc bắt đầu cấp giấy phép lái xe cho phụ nữ, các sân vận động ở nước này sẽ mở cửa cho nữ giới đến xem bóng đá. Sắc lệnh này là một phần trong chương trình cải cách về vấn đề bình đẳng giới của quốc gia này.
Đưa nữ giới tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động là một nội dung quan trọng trong kế hoạch cải tổ nền kinh tế của Saudi Arabia - kế hoạch được biết đến với tên gọi “Tầm nhìn 2030”. Ngoài tăng cường sử dụng lao động nữ, “Tầm nhìn 2030” của Saudi Arabia còn bao gồm mở cửa rộng hơn cho đầu tư nước ngoài và bán cổ phần tập đoàn dầu lửa quốc gia khổng lồ Saudi Aramco. Tác giả của kế hoạch đầy tham vọng nhằm chuẩn bị cho tương lai hậu dầu lửa của Saudi Arabia cũng chính là thái tử Mohammed bin Salman.
Năm 2017, chỉ có khoảng 22% phụ nữ trưởng thành Saudi Arabia tham gia lực lượng lao động nhưng chính quyền Riyadh muốn con số này tăng lên thành 30% vào năm 2030 trong kế hoạch cải cách kinh tế dài hạn của mình.
Saudi Arabia hiện đã mở 140 vị trí cho phụ nữ ở các sân bay và các cửa khẩu biên giới. Văn phòng công tố của quốc gia vùng Vịnh này mới đây cũng cho biết họ sẽ lần đầu tiên tuyển dụng các điều tra viên là nữ giới. Sắp tới, nữ giới còn có thể làm tài xế. Ứng dụng gọi xe Careem tại Arab - tương tự như Uber ở các nước cũng nhanh chóng lên tiếng ủng hộ sắc lệnh này. Công ty này hiện có hơn 80.000 tài xế trên cả nước và dự định sẽ tuyển dụng thêm 20.000 tài xế là nữ trong vòng 4 năm tới.