pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ Tây Bắc đưa "bản sắc văn hóa" thành "sản phẩm hàng hóa" du lịch
Thiếu nữ người Dao đỏ thêu thổ cẩm
Dân ca, dân vũ thành sản phẩm dịch vụ du lịch
Trong ánh lửa bập bùng và không khí sôi động, hàng chục thiếu nữ dân tộc Thái ở bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu, Hòa Bình) đang say mê với nhịp điệu dân ca, dân vũ truyền thống. Xung quanh là những tiếng hò reo cổ vũ của hàng trăm du khách từ khắp mọi miền đổ về du lịch ở bản Lác.
Chị Nguyễn Thị Vân, chủ hộ kinh doanh homestay ở bản Lác, cho biết: "Đây là đêm biểu diễn văn nghệ của đội văn nghệ bản Lác, phục vụ khách du lịch. Mỗi ca diễn như thế này, khách phải trả thù lao từ 1 đến 1,5 triệu đồng, tùy vào số lượng tiết mục và thời gian biểu diễn".
Cũng theo chị Vân, xưa kia các tiết mục múa hát thường chỉ biểu diễn trong cộng đồng vào những ngày lễ hội, tết. Nhưng ngày nay nó lại trở thành dịch vụ văn nghệ phục vụ du khách. Ở xã Chiềng Châu hiện nay, thôn nào cũng có đội văn nghệ. Họ tự tập luyện các tiết mục múa hát truyền thống của dân tộc mình để diễn cho du khách xem. Đến nay nó đã trở thành một công việc để kiếm tiền rất tốt.
Chị Đinh Thị Bắc, Đội trưởng Đội Văn nghệ thôn bản Chiếu, xã Mường Thải (Phù Yên, Sơn La), kể: "Du khách đến đây rất thích được xem văn nghệ của người dân tộc địa phương, vậy nên chúng tôi đã thành lập đội văn nghệ quy tụ hơn 10 chị em. Họ cùng nhau tập luyện các làn điệu múa hát truyền thống. Để phục vụ du khách, công việc cũng không diễn ra liên tục nhưng chị em đều rất vui vì được biểu diễn văn hóa dân tộc mình và cũng có thêm nguồn thu nhập cho gia đình".
Cho đến nay, hầu như ở các điểm du lịch, khu du lịch trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc đều có những đội văn nghệ, bao gồm cả nam và nữ. Điều đáng nói, ở mỗi đội văn nghệ, mỗi dân tộc, họ luôn cố gắng tạo ra những tiết mục đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình, từ bài hát dân ca, điệu múa, tới điệu khèn hay tiếng sáo tiếng kèn rất độc đáo.
Anh Tráng A Chu, chủ cơ sở du lịch A Chu Homestay, ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ, Sơn La), cho biết: "Mình là người Mông thì nên biểu diễn văn hóa của dân tộc mình, vì du khách ở nhiều nơi tới đây, cái họ cần là được tận hưởng, trải nghiệm những nét văn hóa truyền thống của người bản địa. Mỗi đêm biểu diễn văn nghệ, mỗi chị em đều có thu nhập từ 300-500 nghìn đồng, đến mùa du lịch có thể kiếm được nhiều hơn. Thế nên chị em cũng rất nhiệt tình tham gia".
Nghề thủ công truyền thống phát triển nhờ du lịch
Nếu như du khách đến Sa Pa, Lào Cai hay Mù Cang Chải, Yên Bái, sẽ bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ xe lanh, dệt vải hoặc thêu thùa thổ cẩm, may những chiếc túi, chiếc khăn.
Đây là một trong những công việc quen thuộc của phụ nữ người Mông. Tuy nhiên, trước kia họ làm phục vụ nhu cầu trong gia đình, còn ngày nay họ làm rồi bán cho khách du lịch để kiếm tiền.
Chị Hạng Thị Xa, ở xã Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai), cho biết: "Từ khi du lịch phát triển thì nghề xe lanh, dệt vải, thêu thùa các loại mũ, áo, váy, túi, khăn… rất phát triển. Phụ nữ người Mông, người Dao ở đây ai cũng làm các việc đó. Sản phẩm làm ra bao nhiêu đều có thể bán hết. Người già, người trẻ đều có thể làm được, mà còn có thu nhập cao hơn đi làm ruộng, nương".
Bà Lý Mẩy Pham, Chủ tịch Hội LHPN xã Tả Phìn, cho hay: "Ngày nay, nghề làm thổ cẩm đã trở thành nghề kiếm tiền rất tốt của chị em phụ nữ, họ có thể tranh thủ làm bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào. Cứ rảnh là hon lại mang đồ ra thêu thùa, tạo sản phẩm. Xưa kia họ chỉ làm để phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình nhưng ngày nay thì nó là sản phẩm hàng hóa, vừa bán cho du khách, vừa xuất đi các nơi. Hiện tại, ở xã Tả Phìn chúng tôi và hầu hết ở các xã trên các tuyến du lịch ở Sa Pa đều thành lập các Hợp tác xã, Câu lạc bộ thổ cẩm. Nhờ đó mà chị em có thêm nguồn thu nhập khá ổn định".
Các hội viên tham gia Hợp tác xã thổ cẩm còn được Ngân hàng Chính sách xã hộ cho vay vốn từ 50 - 100 triệu đồng, để phục vụ nhu cầu sản xuất hàng hóa. Đây là một lợi thế để chị em có thể phát triển, bà Mẩy Pham cho biết thêm.
Cho đến nay, Hợp tác xã thổ cẩm của xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, có tới hơn 120 hội viên. Sản phẩm làm ra chẳng những được bán trực tiếp ở địa phương mà còn được xuất đi các tỉnh thành lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ đó, nhiều phụ nữ lớn tuổi đã bỏ hẳn công việc làm ruộng nương để tập trung sản xuất hàng hóa thổ cẩm.
Nguồn lực du lịch nhân văn là sản phẩm cốt lõi của du lịch Tây Bắc
Tiến sĩ Dương Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai, cho biết: "Từ năm 2008, các tỉnh vùng Tây Bắc đã xây dựng Chương trình hợp tác du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu, được triển khai từ tháng 11/2008. Lãnh đạo 8 tỉnh đã ký biên bản hợp tác phát triển du lịch. Trong đó có nhấn mạnh đến việc xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo, không trùng lặp ở các địa phương. Một trong những yếu tố quan trọng, được coi là cốt lõi của du lịch từng địa phương, chính là nguồn lực du lịch nhân văn, bao gồm nét văn hóa, phong tục, tập quán, nghề thủ công truyền thống của mỗi dân tộc, mỗi địa phương.
Cho đến nay, Lào Cai đang làm khá tốt việc thúc đẩy người dân ứng dụng và khai thác các nguồn lực nhân văn này. Từ đó tạo ra các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, góp phần phát triển kinh tế gia đình và địa phương".
Ông Nguyễn Hùng Mạnh, Chuyên viên Vụ Văn hóa Dân tộc (Bộ VHTTDL), cho biết: "Bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch đang là một hướng đi hiệu quả. Bởi lẽ khi người dân tộc thiểu số nhận thấy hiệu quả kinh tế từ các giá trị văn hóa truyền thống, nghề thủ công có thể tạo ra nguồn thu nhập thì lúc ấy, họ tự ý thức việc giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống của chính dân tộc mình. Trên thực tế, tại các vùng phát triển du lịch ở Tây Bắc, người dân bản địa đang làm khá tốt công việc này. Thậm chí có những nét văn hóa truyền thống đã bị mai một nhưng nay họ đã phục dựng lại".
Bằng những chiến lược hợp lý của lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Bắc, cộng với sự khéo léo, sáng tạo, chịu khó của những người phụ nữ nơi đây, ngày nay khắp các điểm, tuyến, khu du lịch ở Tây Bắc đều xuất hiện những sản phẩm du lịch độc đáo mang đậm bản sắc riêng của mỗi tộc người. Qua đó góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch địa phương, đồng thời nâng cao thu nhập, giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.