Phụ nữ dân tộc phát huy bản sắc văn hóa để phát triển kinh tế

Nhóm PV
19/12/2022 - 17:11
Phụ nữ dân tộc phát huy bản sắc văn hóa để phát triển kinh tế

Các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số được trao truyền qua các thế hệ

Bằng nhiều cách khác nhau Hội LHPN các cấp và hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số đã có các hoạt động khôi phục, bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống và tận dụng, phát huy giá trị của văn hóa bản địa để phát triển.

Bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số được trao truyền qua các thế hệ, thông qua quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt văn hóa, chứa đựng những giá trị nghệ thuật, lịch sử của các dân tộc.

Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập như hiện nay, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số đang đứng trước nguy cơ mai một, biến mất.

Trước thực trạng đó, bằng nhiều cách khác nhau Hội LHPN các cấp và hội viên phụ nữ đã có các hoạt động khôi phục, bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống và tận dụng, phát huy giá trị của văn hóa bản địa để nâng cao đời sống tinh thần và phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho chị em.  

PHỤ NỮ DÂN TỘC PHÁT HUY VĂN HÓA BẢN ĐỊA

Nhiều cách giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Về thăm xóm Chiềng Vang, xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi được cùng tham dự chương trình sinh hoạt của các hội viên Tổ phụ nữ cao tuổi của xã. Nếu không được giới thiệu từ trước, hẳn ít ai nghĩ, những người phụ nữ đang say sưa múa quạt, múa gậy, dẻo dai, linh hoạt theo nhịp nhạc kia lại là các cô, các bà đã ngoài 50. Hội viên trẻ nhất năm nay cũng đã 55 tuổi, còn người lớn tuổi nhất là ở độ tuổi 82.

Được thành lập từ tháng 3/2022, Tổ phụ nữ cao tuổi xóm Chiềng Vang đã tạo ra một "sân chơi" tinh thần bổ ích dành cho phụ nữ cao tuổi tại địa phương, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số, giúp các cô, các chị được tiếp cận đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các hoạt động Hội. Đặc biệt thông qua các buổi sinh hoạt góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần cho hội viên, phụ nữ cao tuổi.

Phụ nữ dân tộc phát huy bản sắc văn hóa để phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Tổ phụ nữ cao tuổi xóm Chiềng Vang,xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống

Bà Bùi Thị Hoan, Tổ trưởng tổ phụ nữ cao tuổi Chiềng Vang, xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình hào hứng giới thiệu: "Một buổi sinh hoạt của chúng tôi có nhiều hoạt động lắm. Từ tập thể dục thể thao, biểu diễn văn nghệ, đến ôn kể lại chuyện ngày xưa. Chúng tôi còn tổ chức các chương trình tìm hiểu bản sắc của dân tộc Mường. Chúng tôi đang có kế hoạch khôi phục lại văn nghệ, khôi phục lại tiếng chiêng Mường Vang, để con cháu thêm hiểu, thêm yêu nét văn hóa của dân tộc Mường…".

Tuy đã bước sang tuổi ngoài 80, song bà Bùi Thị Dình, thành viên tổ phụ nữ cao tuổi Chiềng Vang vẫn nhiệt tình tham gia sinh hoạt tổ. Bà cho biết, từ khi Tổ phụ nữ cao tuổi đi vào hoạt động, bà chưa bỏ một buổi nào. "Chúng tôi không phân biệt già trẻ, cùng nhau tham gia nhiều nội dung sinh hoạt phong phú. Mỗi lúc tập trung gặp nhau được sinh hoạt, giao lưu văn hóa, văn nghệ, được trao đổi kinh nghiệm, học nhau cách làm ăn, nuôi dạy con cháu, cách làm kinh tế, chúng tôi phấn khởi, thấy khỏe ra, nhanh nhẹn lên. Giờ già rồi, không trực tiếp lao động nữa, nhưng chúng tôi vẫn chia sẻ thông tin, kiến thức, trao đổi kinh nghiệm sống vui, sống khỏe, để con cháu yên tâm tham gia công việc xã hội, gia đình. Đó cũng là cách đóng góp cho gia đình, cho thôn xã", bà Dình tâm sự.

Phụ nữ dân tộc phát huy bản sắc văn hóa để phát triển kinh tế - Ảnh 3.

Các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số được trao truyền qua các thế hệ

Nếu như những hội viên, phụ nữ cao tuổi giữ gìn bản sắc văn hóa theo cách bảo tồn, truyền lại cho thế hệ sau, thì với những phụ nữ trẻ, phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương chính là cách họ đang giữ gìn, phát huy bản bản sắc văn hóa dân tộc.

Rời Hoà Bình, chúng tôi đến với Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Tuy mới thành lập, song hợp tác xã đã trở thành địa chỉ để các hội viên phụ nữ sinh hoạt, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc của người Mông xã Suối Giàng thông qua các hoạt động như nhuộm chàm, dệt vải… Đây là những nét văn hóa truyền thống nhưng hiện nay thế hệ trẻ không sử dụng, nên nghề nhuộm, nghề thêu đang mất dần. Tổ hợp tác đang khôi phục, bảo tồn lại những nét văn hóa truyền thống đó.

Chị Giàng Thị Nhà, Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm xã Suối Giàng kể: "Chúng tôi phải thuyết phục để các cụ còn nhớ kỹ thuật giúp đỡ, truyền nghề cho thế hệ trẻ. Mặt khác, chúng tôi cũng tuyên truyền đến tận thôn bản, nói với các chị em không nên bỏ nghề thêu, cần phải gìn giữ nghề, giữ những nét hoa văn truyền thống của dân tộc.

Chúng tôi thuyết phục chị em bằng cách đổi mới trong chính sản phẩm của tổ hợp tác. Tôi nói với chị em, thêu không chỉ dùng trên trang phục mặc hàng ngày, mà còn có thể áp dụng trong các sản phẩm hiện đại như túi xách, túi thời trang, túi đựng điện thoạt, khăn trải bàn, lót cốc, túi đựng bút, gối ôm, gối ngủ… Đây là những sản phẩm được du khách yêu thích, có thể bán và có thu nhập. Một số chị đã hiểu ra và đang giúp khôi phục nghề truyền thống.

Phụ nữ dân tộc phát huy bản sắc văn hóa để phát triển kinh tế - Ảnh 4.

Với những phụ nữ trẻ, phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương chính là cách họ đang giữ gìn, phát huy bản bản sắc văn hóa dân tộc

Chúng tôi cũng thường xuyên lên mạng để tìm tòi, xem các hướng dẫn may sản phẩm để làm theo. Khi có sản phẩm làm ra, chúng tôi chụp ảnh và giới thiệu, quảng bá trên trang cá nhân hoặc nhờ Hội phụ nữ chia sẻ trên trang của các Hội, để du khách biết đến qua đó góp phần giới thiệu, góp phần phục vụ du lịch tại địa phương".

Những nét bản sắc thêu truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của người Mông đang được tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm xã Suối Giàng khôi phục lại, mở ra cơ hội cho chị em phụ nữ có cuộc sống khấm khá hơn.

Hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc bằng nhiều cách khác nhau

Đi, gặp gỡ hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số ở mỗi vùng miền, có thể thấy, bằng nhiều cách khác nhau, các chị đang nỗ lực phát huy văn hóa bản địa để phát triển đời sống tinh thần, vật chất, nâng cao quyền năng của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Các chị không chỉ là những người gìn giữ mà còn góp phần quảng bá văn hóa bản địa, văn hóa truyền thống của đất nước, lan tỏa những nét đẹp truyền thống của Việt Nam đến với bạn bè trong nước và quốc tế.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm