pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ Thanh Hóa chung tay bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Bà Ngô Thị Hồng Hảo (bìa trái), Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa, trao đổi với các đại biểu tham dự Hội nghị Giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm mô hình gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông tại huyện Mường Lát (Thanh Hóa), năm 2022.
Thanh Hóa có có 22 huyện, 2 thị xã, 2 thành phố với dân số trên 3,7 triệu người, trong đó có 11 huyện miền núi với trên 1 triệu người sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có trên 600 nghìn người. Các DTTS của Thanh Hóa chủ yếu là: Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú. Mỗi dân tộc đều mang bản sắc văn hóa riêng từ phong tục tập quán, trang phục truyền thống, kho tàng văn hóa dân gian... dệt nên bức tranh văn hóa đa sắc màu, đồng thời cũng là tài nguyên vô giá để địa phương phát triển kinh tế du lịch.
Để tận dụng những lợi thế đó, thực hiện Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch", thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch, quyết định triển khai thực hiện Dự án.

Bà Sùng Thị Mỵ và cháu gái Thào Thị Sinh trong trang phục của phụ nữ Mông ở bản Pom Khuông (xã Tam Chung, huyện Mường Lát, Thanh Hóa).
Cùng chung tay với ngành Văn hóa, chính quyền địa phương trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS gắn với phát triển du lịch, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đồng bào dân tộc thiểu số về ứng xử văn minh du lịch gắn với Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam".
Riêng trong năm 2024, các cấp Hội đã tổ chức 63 lớp tập huấn; phát 1.890 buổi phát thanh tuyên truyền, đăng 4.197 tin bài trên báo, cổng thông tin điện tử, trang website, zalo của Hội... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ DTTS, người kinh doanh dịch vụ du lịch nội dung Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa truyền thống, môi trường tự nhiên.
Đồng thời nâng cao ý thức, thái độ trong việc đón tiếp và phục vụ khách du lịch nhằm tạo bước chuyển biến căn bản trong việc đẩy mạnh tính chuyên nghiệp, uy tín, chất lượng, xây dựng hình ảnh văn minh lịch sự của du lịch Thanh Hóa.

Giao lưu các mô hình CLB "Phụ nữ gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc" trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 2 sự kiện truyền thông ứng xử văn minh du lịch, kỹ năng giao tiếp gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn cho 400 cán bộ, hội viên, phụ nữ DTTS khu du lịch Thác Cổng Trời (xã Hoá Quỳ, huyện Như Xuân) và làng Lúng (xã Xuân Thái, huyện Như Thanh).
Thông qua đó nâng cao kiến thức, kỹ năng cho hội viên, phụ nữ DTTS, đặc biệt là những người làm chủ các cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở kinh doanh ăn uống tại Khu du lịch về giao tiếp, ứng xử văn minh du lịch. Giữ gìn bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa bản địa. Đây cũng là dịp để hội viên phụ nữ DTTS chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình phục vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.
Hội LHPN tỉnh còn chú trọng việc duy trì, nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình văn minh du lịch, như: CLB "Phụ nữ ứng xử văn minh du lịch" xã Hải Hòa (huyện Tĩnh Gia); "Tổ phụ nữ phát triển du lịch bản địa" Pù Luông (xã Thành Sơn, huyện Bá Thước); "Tổ phụ nữ phát triển du lịch cộng đồng bản Bút" xã Nam Xuân (huyện Quan Hoá).

Ra mắt Tổ hợp tác "Dệt thổ cẩm khôi phục bản sắc văn hóa dân tộc Thái" tại thôn Na Mén (xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân) năm 2024.CLB "Phụ nữ giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc bản Mạ" tại thị trấn Thường Xuân (huyện Thường Xuân)… Đồng thời, chỉ đạo xây dựng 4 mô hình mới: "Tổ phụ nữ phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng làng Lúng", xã Xuân Thái (huyện Như Thanh); CLB "Phụ nữ phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng" tại xã Hoá Quỳ (huyện Như Xuân),...
Tổ chức 2 cuộc tập huấn kỹ năng điều hành, kỹ năng tuyên truyền cho 200 thành viên, phụ nữ đồng bào DTTS tại CLB "Tổ phụ nữ phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng làng Lúng" xã Xuân Thái (huyện Như Thanh); CLB "Phụ nữ phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng" tại xã Hoá Quỳ, huyện Như Xuân. Thông qua đó, nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý, điều hành mô hình, kỹ năng tuyên tuyền văn minh du lịch cho các thành viên nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng.

Trưng bày các sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào người Thái tại Ngày “Phụ nữ sáng tạo - khởi nghiệp” năm 2024, tỉnh Thanh Hóa.
"Đến nay, các mô hình tiếp tục phát huy hiệu quả, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân nói chung, của đồng bào các DTTS nói riêng, cũng như các doanh nghiệp trong việc xây dựng, phát triển kinh tế du lịch, du lịch sinh thái cộng đồng. Phát huy lợi thế về bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn. Các mô hình vừa góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, vừa nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của hội viên phụ nữ nói chung và hội viên DTTS nói riêng", bà Ngô Thị Hồng Hảo, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa chia sẻ.
Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của các DTTS trên địa bàn. Cũng như xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình du lịch văn hóa dân tộc tại các cơ sở Hội ở vùng đồng bào DTTS. Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của bà con DTTS các địa phương, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, cũng như thúc đẩy việc tiêu thụ các sản phẩm truyền thống vùng đồng bào DTTS.