pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ Tỏa Tình liên kết để nâng tầm quả táo mèo
Quả táo mèo ở Tòa Tình đã được những người phụ nữ "nâng tầm" giá trị
Cái đói cái nghèo đã dần bị đẩy lùi
Xã Tỏa Tình nằm trên đỉnh đèo Pha Đin quanh năm lộng gió. Bà con người Mông đã sinh sống ở đất này từ nhiều đời nay. Họ làm nương, làm ruộng và chăn nuôi. Đặc biệt là nơi đây còn là vựa táo mèo có tiếng ở Điện Biên.
Tỏa Tình có 7 bản, đa phần là người dân tộc Mông. Ngày trước, mỗi khi có việc đến bản là phải đi bộ theo các lối mòn. Nhưng nay, đường bê tông đã nối liền tất cả các bản. Bà con đi lại thuận tiện, con gà, cân thóc, củ khoai nhờ đó cũng bán được giá hơn. Trên những nếp nhà của bà con đã dần có sự đổi "màu", từ việc lợp rơm, lợp rạ, bà con đã mua được tôn, gói để lợp nhà. Vui hơn cả là đời sống kinh tế được nâng lên, bà con người Mông cũng quan tâm đến sự học hành của con cái.
Đi qua các bản Mông như bản Lồng, Hua Sa A, Hua Sa B… đâu đâu cũng có bóng cây ăn quả. Đặc biệt là cây sơn tra (táo mèo) và cây sa nhân là một trong số cây trồng chủ lực giúp người dân Tỏa Tình xóa đói, giảm nghèo.
Không dừng lại ở đó, người Mông Tỏa Tình còn tự ươm trồng và sử dụng giống cà phê chè Catimor. Chẳng phụ công người chăm bón, cây cà phê phát triển xanh tốt, quả sai trĩu cành dù chủ yếu trồng theo kinh nghiệm, không tạo bậc thang, không trồng theo đường đồng mức.
Từ vài ba héc ta ban đầu, bà con đã nhân rộng diện tích 370,6ha tập trung ở 4 bản: Chế Á, Hua Xa A, Hua Xa B và Háng Tàu. Nhờ đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, đến nay tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã cũng giảm đáng kể.
Ông Lê Ngọc Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Tỏa Tình cho biết: "Thay vì bỏ hoang đất, người dân Tỏa Tình tận dụng mọi nơi để trồng sa nhân, khóm bên hiên nhà, lưng chừng núi, khóm trên nương hay xen kẽ dưới tán rừng. Đến nay, xã là một trong những địa phương có diện tích sa nhân lớn nhất tỉnh với hơn 120ha sa nhân và trở thành "thủ phủ" của loại cây dược liệu quý này".
Tìm cách nâng giá trị cho quả táo mèo
Những năm trước đây, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào thương lái. Sản phẩm nông nghiệp làm ra thì nhiều, sản phẩm làm ra lại khó bán hoặc bà con phải bán với giá rất rẻ mạt. Đặc biệt là quả táo mèo Tỏa Tình gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Trước thực trạng này, năm 1999 chị em phụ nữ ở xã Tỏa Tình đã cùng nhau liên kết thành lập HTX Nông sản sạch Tây Bắc. HTX thu hút cả trăm thành viên tham gia. Cùng với một số nông sản khác, thì dưa mèo là sản phẩm chủ lực được HTX lựa chọn. Năm 2021, dưa mèo của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Theo chị Hạng Thị Manh, Phó Giám đốc HTX, hiện nay HTX đang sở hữu vùng trồng dưa mèo rộng hơn 6ha và cả trăm ha táo mèo liên kết với người dân để giúp chị em tiêu thụ sản phẩm. Thay vì bán sản phẩm tươi, HTX đã có cách làm sáng tạo là làm giấm táo mèo và táo mèo sấy khô và mứt táo mèo.
"Các sản phẩm qua chế biến đã làm tăng giá trị của quả táo mèo. Hơn nữa, hiện nay, người tiêu dùng đã dần biết đến sản phẩm của HTX. Chúng tôi đang xúc tiến bán hàng các sản phẩm chế biến từ táo mèo qua nhiều kênh như mạng xã hội, tham gia hội chợ…", chị Manh cho biết.
Việc thành lập hợp tác xã chế biến các sản phẩm từ quả táo mèo đã mở ra hướng mới giúp bà con có thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững hơn. Đặc biệt, khi ứng dụng công nghệ sinh học, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chế biến thì các sản phẩm từ quả táo mèo đều có giá trị cao hơn, nhất là hình thành chuỗi liên kết sản xuất, chế biến bền vững.