pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lâm Đồng: Phụ nữ, trẻ em nghèo được hưởng lợi từ mô hình "Ngôi nhà xanh"
Hội viên, phụ nữ thu gom rác rải tái chế mang đến "Ngôi nhà xanh" gây quỹ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn
Chị Liêng Jrang K'Đom - Chủ tịch Hội LHPN xã Đạ Sar - cho biết: Đạ Sar là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng với trên 87% đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" và hưởng ứng phong trào "Chống rác thải nhựa", tháng 10/2023, Hội LHPN xã Đạ Sar đã ra mắt mô hình Ngôi nhà xanh. Mô hình đi vào hoạt động không chỉ góp phần làm xanh - sạch - đẹp môi trường, mà còn tạo được nguồn quỹ ổn định để hỗ trợ hội viên phụ nữ và trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
Sau khi ra mắt, để mô hình phát huy hiệu quả và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, Hội LHPN xã Đạ Sar đã tuyên truyền sâu rộng hoạt động trong toàn thể cán bộ, hội viên phụ nữ; đồng thời hướng dẫn chị em cách phân loại và thu gom rác thải tái chế đưa về Ngôi nhà xanh. Hội cũng tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ và gia đình về tác hại của rác thải nhựa gắn với Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch".
Khi nhận thức của mỗi gia đình, từng hội viên phụ nữ được nâng cao, chị em có ý thức hình thành thói quen, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, thay thế sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt hàng ngày bằng túi vải, túi giấy, túi nilon dễ phân hủy. Hằng tuần, Hội LHPN xã phát động và khuyến khích hội viên, phụ nữ thực hiện làm vệ sinh môi trường ở khu dân cư, nơi công cộng, các đoạn đường phụ nữ tự quản. Bên cạnh mô hình "Ngôi nhà xanh", Hội LHPN xã duy trì đều đặn sinh hoạt các mô hình "Phụ nữ bảo vệ môi trường", "Hạn chế sử dụng túi nilon", "Thu gom rác thải", "Sử dụng thùng rác có nắp đậy", "Gia đình 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới", "Gia đình 5 có, 3 sạch"...
Từ mô hình thí điểm ban đầu, đến nay, toàn xã đã có 9 Ngôi nhà xanh được đặt tại các thôn, quầy tạp hóa, nhà thờ, điểm công cộng đông dân cư để tiện cho người dân bỏ phế liệu hàng ngày. "Trung bình mỗi lần thu gom và phân loại, Ngôi nhà xanh thu được từ 1-1,3 triệu đồng. Số tiền này Hội đã trao tặng quà cho hội viên phụ nữ nghèo và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn", chị Liêng Jrang K’Đom thông tin.
Theo đánh giá chính quyền địa phương và Hội LHPN cấp trên, mô hình Ngôi nhà xanh với phong trào thu gom rác thải thực sự ý nghĩa, tác động tích cực đến ý thức của mỗi người dân nói chung và hội viên phụ nữ nói riêng. Thông qua mô hình, hội viên phụ nữ và nhân dân trong toàn xã có ý thức chung tay phòng, chống rác thải nhựa bảo vệ môi trường, không vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi, góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, xây dựng thành công nông thôn mới nâng cao.
Thành công từ mô hình Ngôi nhà xanh thu gom phế liệu gây quỹ hỗ giúp hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn của Hội LHPN xã Đạ Sar đã tạo sự chuyển biến tích cực, thu hút đông đảo hội viên phụ nữ và người dân tại địa phương tham gia. Nhờ có Ngôi nhà xanh, hội viên phụ nữ Đạ Sar không chỉ được nâng cao ý thức thu gom, phân loại rác thải, bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp mà còn góp phần vun đắp tình đoàn kết, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái thông qua việc dùng quỹ bán phế liệu giúp đỡ phụ nữ và trẻ em trong xã có hoàn cảnh khó khăn.
Phát huy hiệu quả từ các Ngôi nhà xanh đang hoạt động, thời gian tới, Hội LHPN Đạ Sar tiếp tục xây dựng thêm 4 ngôi nhà xanh để mô hình được trải đều khắp xã, tạo phong trào hoạt động sôi nổi. Và điều rất đáng mừng, khi mô hình Ngôi nhà xanh được nhân lên, đồng nghĩa với việc sẽ càng có thêm nhiều phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ, tạo động lực vươn lên trong cuộc sống.