pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ trung niên đối diện với áp lực kinh tế
Ảnh minh họa
Những tưởng, cả tuổi trẻ lăn lộn kiếm tiền vun vén cho gia đình thì đến tuổi trung niên sẽ an nhàn, thảnh thơi. Thế nhưng đối với nhiều người, áp lực kinh tế tuổi trung niên lại đè nặng lên hai vai. Chăm lo cho con cái; bệnh tật, sức khoẻ đi xuống - tiền; phụng dưỡng cha mẹ già đôi bên; dựng vợ gả chồng cho con cái… trăm thứ đều cần đến tiền.
Trong khi đó, mức thu nhập của lao động tuổi trung niên lại có phần giảm do sức khoẻ, đặc thù giới, tác động của khoa học công nghệ, dẫn đến thu nhập thấp hơn, thậm chí mất việc làm.
Bắt nguồn từ việc này, cộng theo những lo toan khác trong cuộc sống khiến nhiều phụ nữ trung niên chịu "áp lực kép" (tâm sinh lý thay đổi do tiền mãn kinh, gánh nặng gia đình do tiền bạc khó khăn). Để cải thiện tình trạng này, đòi hỏi bản thân người trong cuộc phải nâng cao tính chủ động và tìm cách vượt qua.
Ai cũng hiểu rằng nói thì dễ nhưng làm thì khó. Vượt qua bằng cách nào là một chuyện không đơn giản. Trong nguồn lực có hạn, tiền kiếm được chỉ có thế mà phải chia nhỏ làm nhiều phần (gắn với những nghĩa vụ và trách nhiệm khác nhau) thì chẳng còn cách nào khác là chúng ta phải cân nhắc chi tiêu, tăng cường tích lũy, dám thay đổi khi gặp khó khăn trong công việc.
Nếu chúng ta cứ cho rằng, tuổi trung niên khó thay đổi, dẫn đến thái độ ì trệ, không muốn nỗ lực vươn lên, loay hoay với những khó khăn thì chính chúng ta sẽ giật lùi bước đi của chúng ta.
Là người từng rơi vào tình thế bị thất nghiệp, tiền bạc cạn đi ở tuổi trung niên, chị Mai Thị Tình (TP Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình) chia sẻ: "Nếu bạn không chuẩn bị tốt tâm lý để đón nhận việc bạn có thể bị mất việc làm, không có khoản thu nhập ổn định bất cứ khi nào, chắc chắn bạn sẽ rơi vào khủng hoảng trầm trọng.
Tìm kiếm việc làm mới ở tuổi trung niên không hề dễ, thế nên, trong lúc vừa tìm việc làm mới, bạn cần tìm kiếm cả nguồn trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ tài chính khác để giảm bớt gánh nặng tài chính và duy trì an sinh cơ bản.
Bạn cần hiểu và tận dụng triệt để các nguồn lực phúc lợi như trợ cấp đào tạo, đào tạo lại nghề và hỗ trợ việc làm do Chính phủ, các tổ chức nghề nghiệp, các Hội, đoàn thể cung cấp để có thể nâng cao trình độ và khả năng tìm kiếm việc làm mới".
Chị Tình cho biết, sau khi nghỉ việc ở một công ty may tư nhân, thay vì buồn chán, chị tìm kiếm và đăng ký tham dự các sự kiện kết nối nghề nghiệp, hội thảo về các lĩnh vực/ngành nghề mà chị cho rằng mình có khả năng.
Bên cạnh đó, chị cũng mở rộng các mối quan hệ bằng nhiều hình thức, tích cực tham gia các sự kiện/cuộc gỡ bạn bè, câu lạc bộ, hội, nhóm để kết giao với xã hội, tìm kiếm cơ hội việc làm. Nhờ vậy, sau 3 tháng, chị đã kiếm được việc làm mới, đúng chuyên môn, đó là quản lý nhân sự cho một xưởng chuyên may đồ pháp phục.
"Thật sự không ngờ, thu nhập ở xưởng may với hơn 20 công nhân của tôi còn tốt hơn hồi làm ở công ty với hơn 100 lao động. Từ đó, tôi nhận ra rằng, cơ hội cho mọi người rất nhiều nhưng việc mình biết tận dụng và tìm cách tiếp cận với nó được hay không phụ thuộc vào tinh thần, cách làm, ý chí của mỗi người. Mất việc không phải là dấu chấm hết mà là lúc để bạn đánh giá lại bản thân và khám phá những lĩnh vực, cơ hội mới", chị Tình bộc bạch.
Thực tế, thất nghiệp ở tuổi trung niên là một thách thức lớn nhưng không có nghĩa là không thể vượt qua. Bằng cách chủ động điều chỉnh tâm lý, linh hoạt thích ứng với những thay đổi, tích cực tìm kiếm sự hỗ trợ và cơ hội, người trung niên có thể vượt qua khó khăn do thất nghiệp gây ra, tìm việc làm và điểm khởi đầu mới.