pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ Tung Chung Phố thoát nghèo nhờ đưa cây đậu tương lên núi
Chị Thào Seo Dế là người trồng nhiều đậu tương nhất bản Thàng. Năm nay chị thu được khoảng 3 tạ đậu tương.
Tung Chung Phố là xã vùng cao của huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Bao đời nay, bà con người Mông, người Dao, người Pa Dí, Phù Lá… trung thành với cây ngô, cây lúa. Cả ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà cuộc sống vẫn còn nghèo khó. Mấy năm gần đây bà con đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây đậu tương. Cây đậu tương bén rễ đất núi mang lại cho bà con nguồn thu nhập không nhỏ.
Chớm đông, mây mù đã giăng màn trên đỉnh núi cao của xã Tung Chung Phố. Gió lạnh ùa về cũng là lúc bà con người Mông, người Pa Dí, người Nùng… ở các bản cao Séo Tủng, Nàn Tiểu Hồ, bản Thàng thu hoạch đậu tương. Đưa cây đậu tương lên trồng ở đất núi là một cuộc cách mạng của bà con nơi đây. Những năm trước đây, bà con chỉ trồng ngô được một vụ trên nương. Sau vụ ngô, đất đai bỏ không cho cỏ mọc. Trong khi đó, cuộc sống của bà con nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn. Cái đói, cái nghèo còn hiển hiện trên từng nếp nhà.
Từ năm 2019, Tung Chung Phố đã chuyển đổi 146 ha đất trồng ngô sang trồng quýt ngọt, đưa quy mô canh tác quýt của địa phương lên 240 ha, dự kiến năm 2020 là 350 ha. Ngoài ra, xã cũng khuyến khích bà con nâng cao chất lượng lúa Séng Cù, sa nhân tím và trồng thêm cây mận Tả Van, mận tam hoa. Về chăn nuôi, khuyến khích phát triển, tăng đàn gia súc lớn như trâu, bò, mở rộng nuôi đàn lợn đen, gà đen tại hộ gia đình. Hướng đi và cách làm phù hợp trong chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở xã vùng cao này đang mang lại hiệu quả tích cực.
Đặc biệt là việc đưa cây đậu tương vào trồng trên diện rộng đã giúp bà con có thêm khoản thu nhập cũng như cải thiện sinh kế trong mỗi gia đình. Đậu tương dễ trồng và dễ chăm sóc lại phát triển trong thời gian ngắn.
Theo chị Pờ Thái Thơm, Chủ tịch Hội LHPN xã Tung Chung Phố, bà con người Mông ở bản Cán Hồ, bản Thàng, bản Seo đều trồng đậu tương. Trước khi gieo trồng, cán bộ phòng nông nghiệp huyện xuống tận xã để tập huấn kĩ thuật cho bà con. Sau một hai vụ đầu bỡ ngỡ khi đưa cây đậu tương lên núi cao, bà con đã dần nắm chắc được kĩ thuật canh tác. "Ngoài cây đậu tương, Hội cũng vận động hội viên ở các bản trồng quýt và cây sa nhân. Nhờ việc chuyển đổi cây trồng này mà nhiều gia đình có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống", chị Thơm cho biết.
Hiện tại, xã Tung Chung Phố đang tập trung phát triển cây trồng có hiệu quả kinh tế cao. Để thực hiện tốt việc này, xã đã tăng cường tuyên truyền, vận động và tạo các nguồn vốn cho người dân phát triển sản xuất; đồng thời chuyển giao khoa học kỹ thuật về cây trồng hàng hóa sạch và kết hợp với các hợp tác xã để tìm đầu ra cho sản phẩm.