pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ tuổi 50 gửi tâm tư vào trang nhật ký
Ảnh minh họa
Ở độ tuổi 50, chị Bùi Minh Hải thích cuộc sống trầm lặng, có chiều sâu, thay vì ồn ào, hướng ngoại. Chị kể, hồi tuổi đôi mươi, gặp ai chị cũng vui vẻ trò chuyện, kết bạn, ưa cuộc sống xê dịch và hướng ngoại. Bước vào độ tuổi 30, chị dành nhiều thời gian cho gia đình, sự nghiệp.
Ngoài 40 tuổi, chị hài lòng với những gì mình đạt được: công việc ổn định, kinh tế vững vàng, vị trí quản lý tầm trung ở cơ quan, chồng con hạnh phúc.
"Nhưng từ khi bước vào tuổi 50, tính tình tôi trở nên trầm lắng, không ưa chốn ồn ào. Mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, tôi thích hoà mình vào thiên nhiên, đọc sách. Trước đây, tôi có nhiều bạn nhưng giờ đây, tôi chỉ thích ngồi cùng dăm ba người bạn tâm đầu ý hợp.
Ngày rảnh, chúng tôi có thể pha một ấm trà hoa, trò chuyện thông tầm. Thi thoảng, chúng tôi đi dã ngoại nhưng là tìm đến những khu nghỉ dưỡng có nhiều cây xanh để vừa nghỉ ngơi, vừa tận hưởng bầu không khí bình yên và trong lành", chị Hải bày tỏ.
Chị Hải cho biết, khi "có tuổi", chị đặt ra cho mình nguyên tắc "không mang chuyện riêng chia sẻ lên trang cá nhân". Lý giải điều này, chị Hải nêu quan điểm: "Các cụ có câu "Sảy chân, gượng lại còn vừa/Sảy miệng, biết nói làm sao bây giờ".
Khi lời nói phát ra từ miệng ta, người khác nghe thấy cả rồi, rút lại làm sao kịp? Tuổi trẻ "vạ miệng" còn đổ cho bồng bột, thiếu kinh nghiệm sống chứ vào tuổi trung niên, lên ông lên bà đến nơi, không thể xử sự hồ đồ, thích nói gì thì nói, làm gì thì làm được".
Thực tế, cùng với thời gian và độ tuổi, con người có những thay đổi tâm sinh lý và quan điểm sống. Có người lúc trẻ rụt rè, ưa khép kín, sống nội tâm nhưng vào độ tuổi trung niên lại trở nên sôi nổi, hướng ngoại, đề cao yêu bản thân. Cũng lại có người khi còn trẻ thì "quậy tung trời" nhưng lúc "có tuổi" lại đi vào chiều sâu, điềm đạm, cẩn trọng…
Các nhà tâm lý chỉ ra rằng, sở dĩ có điều này bởi cùng với thời gian, con người chịu nhiều tác động của các yếu tố nội, ngoại cảnh. Sự tác động này kéo theo sự thay đổi nhân sinh quan, thế giới quan của mỗi con người.
Trở lại trường hợp chị Minh Hải, chị tâm sự, trước đây, chị rất dễ tin người, nhiệt tình giúp đỡ bạn bè, đồng nghiệp, người xung quanh. Với bạn bè thân thiết, chị không bao giờ nề hà hay đong đếm thiệt hơn. Nhưng rồi, một vài lần, có những người bạn chị rút ruột rút gan nhưng khi họ công thành danh toại hoặc có của ăn của để thì lại tỏ ra thờ ơ, lạnh nhạt với chị.
Những tổn thương tưởng chừng nhỏ nhặt này khiến chị cảm thấy rất buồn. Và rồi, tâm lý "sợ bị người khác quay lưng" như một phản xạ tự nhiên khiến chị dần trở nên thận trọng.
"Những va vấp trong cuộc sống khiến tôi thận trọng hơn trong cách nhìn và đặt niềm tin vào người xung quanh. Tôi không còn nghĩ rằng ai cũng tốt như mình nghĩ nữa. Chính vì thế, tôi ít có nhu cầu chia sẻ trực tiếp với ai khác ngoài chồng con, gia đình.
Thay vào đó, những khi trong lòng có tâm tư hay niềm trắc ẩn, tôi chọn cách ghi nhật ký. Một cuốn sổ nhỏ làm bạn khá thú vị và an toàn. Lúc đầu, tôi ghi nhật ký để giải toả stress và tâm sự trong lòng. Dần dần, viết nhật ký hàng ngày trở thành thói quen và thú vui của tôi. Và khi lòng mình lắng xuống, lúc rảnh rang, ngồi đọc lại những vui buồn của mình rất tuyệt vời", chị Minh Hải cho hay.
Cũng từ thói quen ghi nhật ký mà chị Minh Hải tìm thấy niềm vui ở viết lách. Nếu trước đây, chẳng bao giờ chị làm thơ hay viết tản mạn thì giờ đây, trong cuốn nhật ký nhỏ của mình, có cả những vần thơ và những trang tản mạn, suy tư về cuộc đời.
Chị Minh Hải cho rằng, gửi gắm tâm sự vào trang nhật ký là một cách sống lành mạnh, làm phong phú nội tâm và tạo ra nguồn cảm xúc tích cực cho phụ nữ tuổi trung niên.