Phụ nữ vượt biên bán bào thai: Mất con, nợ vẫn còn

30/01/2019 - 10:49
Theo lời của Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), những phụ nữ vượt biên sang Trung Quốc bán bào thai của mình với mong muốn “thoát nghèo” nhưng thực tế chưa ai “thoát nghèo” cả.

Mong muốn thoát nghèo

Chúng tôi tìm đến gia đình chị Moong Thị K. (SN 1992) và anh Moong Văn P. (SN 1990) trú bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) đúng lúc hai vợ chồng chị vừa đi làm công nhân ở một tỉnh phía Bắc trở về.

Chị M. bên chiếc tivi vừa mua được từ khoản tiền bán con

 

Chị K. sinh ra và lớn lên ở đây, cũng như nhiều người Khơ Mú ở xã Hữu Kiệm, chị không được đi học nên chẳng biết chữ. Đến tuổi trưởng thành, chị nhanh chóng lập gia đình và có 2 người con, trong đó con đầu đã 8 tuổi và con út lên 6 tuổi. 

Năm 2017, chị mang thai đứa thứ 3. Đến cuối tháng thứ 8 của thai kỳ, chị bỗng nhận được một cuộc điện thoại của người lạ. Quá trình trò chuyện, người này biết gia đình chị K. đang nợ nần chồng chất, cuộc sống khó khăn. Vì vậy, người này chào mời rằng, có người muốn có 1 cháu bé để nuôi và đề nghị chị K. bán con khi còn trong bụng mẹ. 

Người này ra điều kiện là chị K. không được nói cho ai biết và đi sang Trung Quốc để sinh. Nếu đồng ý, chị sẽ được nhận 30 triệu đồng để gia đình trả nợ. “Trong lúc chồng đang đi rẫy chưa về, tôi nhanh chóng xếp quần áo và ra bắt xe đi Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Đến Quảng ninh, tôi được một người đón đưa sang Trung Quốc. Đường đi rất xa, phải mất một ngày mới tới nơi. Ở Trung Quốc, tôi được họ cho ăn, cho ngủ nhưng người ta bảo không được đi lung tung”, chị K. kể. 

Đến ngày vượt cạn, chị K. sinh được một bé gái. Chưa kịp nhìn mặt con thì đã có người đến đưa cháu đi. Sau khi ở lại khoảng 2 tuần để phục hồi sức khỏe, chị K. trở về nhà cũng bằng con đường lúc vượt biên sang Trung Quốc với một bọc tiền trong tay. 

Anh Moong Văn P. tâm sự: “Khi tôi về thì mới biết vợ sang Trung Quốc sinh con rồi cho người ta nuôi. Lúc đầu cũng giận nhưng chuyện đã rồi, hơn nữa biết đâu con mình lớn lên có cơm ăn áo mặc, đi học đầy đủ hơn quê nhà”. 

Khi được hỏi nếu sau này mang thai, có người hỏi sang Trung Quốc bán lấy tiền thì chị có đi nữa không? Cả hai vợ chồng chị K. anh P. đều lắc đầu và trả lời: “Không sinh nữa. Sinh nữa nuôi không nổi. Cán bộ dân số cũng vào hướng dẫn cách phòng ngừa thai rồi”. 

Vợ chồng chị Lữ Thị Th. có con đầu lòng sau 4 năm lập gia đình. Năm 2017, chị Th. mang bầu bé trai là con thứ tư được bốn tháng thì qua Trung Quốc thăm người em gái đang sinh sống bên đó. Nửa năm sau, Th. trở về cầm theo 20 triệu đồng và kể với chồng rằng mình đã trót bán đứa con khi mới sinh. Ban đầu, người chồng cũng giận và buồn nhưng việc đã xảy ra rồi, vợ chồng lại động viên nhau quên chuyện cũ.

“Vợ tôi làm như vậy cũng chỉ vì nghèo thôi. Hai vợ chồng đều buồn mỗi khi nhắc đến chuyện này và tôi lại động viên vợ hãy cố quên”, Anh Mạc Văn X. (chồng chị Lữ Thị Th.) tâm sự. 

Chị Mạc Thị H. cứ ngỡ vượt biên bán con sẽ có một khoản tiền để cải thiện cuộc sống, thế nhưng cái nghèo vẫn đeo bám gia đình chị.

 Nghèo vẫn hoàn nghèo 

Kể từ khi bán con trở về, ngôi nhà sàn của chị Lo Thị M. (SN 1984), trú bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An trở nên ồn ào bởi những âm thanh phát ra từ chiếc tivi màn hình phẳng và chiếc loa thùng có cổng cắm USB. Người mẹ trẻ cười, khoe: “Sau khi bán đứa trẻ sơ sinh được 80 triệu đồng trở về, ngoài trả một phần nợ, gia đình còn sắm được một chiếc xe máy 27 triệu đồng, 1 tivi 2,5 triệu đồng và loa thùng 5 trăm nghìn đồng... Số tiền còn lại thì để dành mua gạo và tiêu xài”.

Khi chúng tôi hỏi vậy đến nay trong nhà còn tiền không? Chị M. cho biết: “Đến nay tiền bán con đã tiêu hết rồi nhưng vẫn còn nợ khoảng 20 triệu đồng nữa”. 

Tiêu hết tiền nhưng vẫn còn nợ, nên chỉ vài ngày sau khi trở về từ Trung Quốc, chị M., đã phải tất bật lên rẫy làm việc.  

Không may mắn nhận được 80 triệu từ việc bán con như chị M., chị K. chỉ nhận được số tiền 30 triệu đồng từ việc bán con ở xứ người. Ngoài việc góp vào cùng vay thêm, vợ chồng chị K mua được một căn nhà nhỏ nhưng bây giờ nợ lại chồng lên nợ. Hết tiền tiêu, chồng đi làm thuê cuốc mướn, vợ lên rẫy làm việc, vợ chồng chị lại gửi con cái nhờ ông bà chăm sóc.  

Những người phụ nữ sau khi bán “hòn máu” của mình trở về lập tức dựng nhà mới, trả nợ ngân hàng và mua sắm, chi tiêu cho gia đình. Thế nhưng, cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám họ. Lý do chính là họ đều chưa có kiến thức, kỹ năng quản lý chi tiêu. Khi bỗng dưng có khoản tiền lớn trong tay, họ không có kế hoạch sử dụng và đồng tiền như miếng thịt chín đã nhanh chóng ra đi. Để có khoản tiền đó, những người phụ nữ này đã phải đánh đổi sức khỏe, thậm chí tính mạng của mình trong hành trình vượt biên bán bào thai... 

Qua rà soát ở địa bàn huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đến tháng 11/2018, có 25 trường hợp phụ nữ dân tộc thiểu số mang thai sang Trung Quốc đẻ. Trong số đó, lực lượng công an đã xác minh, làm rõ 6 trường hợp sau khi sinh con đã bán lại bên Trung Quốc. Thượng tá Tô Văn Hậu, Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn, cho biết, đơn vị cũng đã nắm được tình trạng này. Hiện đơn vị đã báo cáo với các ban ngành cấp trên để xin ý kiến, hướng dẫn xử lý, cùng phối hợp ngăn chặn tình trạng buôn bán bào thai. 

Bà Phan Thị Hà An, Trưởng Ban Chính sách-Pháp luật, Hội LHPN tỉnh Nghệ An, cho biết: “Về vấn đề buôn bán bào thai diễn ra tại huyện biên giới Kỳ Sơn, trong thời gian qua, phía Hội cũng đã cập nhật và đã có những đề xuất tăng cường công tác xóa đói giảm nghèo, đưa ra các cơ chế chính sách hỗ trợ công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cũng như cho vay vốn đối với phụ nữ thuộc các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa. 

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang tăng cường công tác phổ cập giáo dục để nâng cao dân trí trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số bởi ở đó tỷ lệ mù chữ hiện đang rất cao. Ngoài ra, chúng tôi cũng đẩy mạnh nâng cao hiệu quả phối hợp với các ban ngành trong công tác tuyên truyền liên quan đến hoạt động buôn bán người, buôn bán bào thai với nhiều hình thức”. 

(Còn nữa) 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm