pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ xứ Dừa: Hào khí Đồng Khởi trong thời đại mới

Các thế hệ phụ nữ gặp nhau trong ngày đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang “Đội quân tóc dài” Bến Tre - Ảnh tư liệu
Lịch sử Việt Nam ghi dấu nhiều trang sử vẻ vang với những cuộc đấu tranh kiên cường chống giặc ngoại xâm, trong đó phong trào Đồng Khởi 1960 là một dấu son rạng ngời của nhân dân miền Nam nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng. Giữa cao trào Cách mạng, hình ảnh những người phụ nữ xứ Dừa kiên trung, bất khuất, đánh giặc trên nhiều mặt trận đã trở thành biểu tượng hào hùng của lực lượng "Đội quân tóc dài".

Nữ tướng Nguyễn Thị Định nói chuyện với các nữ đại biểu dự Đại hội Anh hùng - Chiến sĩ thi đua miền Nam lần thứ 2 (tháng 9/1967) - Ảnh tư liệu
Hơn 6 thập kỷ đã trôi qua, tinh thần Đồng Khởi không chỉ là ký ức về quá khứ, mà còn trở thành ngọn đuốc soi sáng con đường phát triển cho phụ nữ Bến Tre trong thời đại mới. Phụ nữ xứ Dừa hôm nay không chỉ giữ vững tinh thần kiên cường, mà còn tiên phong trên mặt trận kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội; góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

“Đội quân tóc dài” là lực lượng đấu tranh độc đáo, sáng tạo của cách mạng miền Nam - Ảnh tư liệu
Từ chiến trường xưa đến những đóng góp trong thời đại mới
Phụ nữ xứ Dừa trong kháng chiến chống Mỹ không chỉ là hậu phương, mà còn là những chiến sĩ trực tiếp góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh. "Đội quân tóc dài" - những người mẹ, người chị, người em không súng đạn nhưng đã làm lung lay chế độ thực dân bằng những cuộc đấu tranh chính trị, binh vận, hậu cần. Những tấm gương kiên trung như Nữ tướng Nguyễn Thị Định đã trở thành biểu tượng, đóng góp quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng. Bà Nguyễn Thị Định (15/3/1920-26/8/1992) là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên giữ hàm Thiếu tướng trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, chỉ huy phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre, lãnh đạo "Đội quân tóc dài" đấu tranh trực diện với chính quyền Sài Gòn. Phong trào này lan rộng khắp miền Nam, thu hút hàng chục nghìn phụ nữ tham gia đấu tranh.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa (thứ 6 từ phải sang), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận TƯ và Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến (thứ 4 từ phải sang) cùng các đại biểu và các cô, các dì thuộc lực lượng “Đội quân tóc dài” năm xưa
Từ nền tảng đó, phụ nữ Bến Tre ngày nay tiếp tục phát huy tinh thần Đồng Khởi trong mọi lĩnh vực. Trong chính trị, phụ nữ Bến Tre đã khẳng định vị thế với những dấu ấn quan trọng. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân - người con ưu tú của Bến Tre - đã đi vào lịch sử khi trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong suốt nhiệm kỳ, bà đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc hoạch định chính sách, đặc biệt là các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển kinh tế.

“Là một nữ doanh nhân, bản thân tôi luôn nỗ lực đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà nói riêng và đất nước nói chung. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chúng tôi cũng có ý thức, trách nhiệm trong việc chăm lo cho các cô, các dì “Đội quân tóc dài” năm xưa. Tiếp nối tinh thần Đồng Khởi, tôi mong muốn các thế hệ phụ nữ hôm nay, đặc biệt là nữ doanh nhân, phụ nữ khởi nghiệp, tích cực phát triển kinh tế, tiếp tục nâng tầm uy tín, thương hiệu của các sản phẩm địa phương trên thị trường quốc tế, từ đó góp sức xây dựng quê hương và đất nước ngày càng phát triển, giàu mạnh”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Phó Chủ tịch Hội nữ doanh nhân tỉnh Bến Tre, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu
Trên địa bàn tỉnh, bà Hồ Thị Hoàng Yến, Quyền Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre, đã và đang góp phần định hướng chính sách phát triển của địa phương, khẳng định vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong hệ thống chính trị. Tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy Đảng ở cấp tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đạt 20,4%, cấp huyện đạt 18,71%, cấp xã đạt 30,05%; nữ đại biểu Quốc hội đạt 42,85% (3/7 đại biểu), nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đạt 25,92%, cấp huyện đạt 28,33%, cấp xã đạt 27,21%; cho thấy sự hiện diện ngày càng rõ nét của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo.
Không chỉ khẳng định vai trò trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ Bến Tre còn là lực lượng quan trọng trên mặt trận kinh tế. Hiện nay, tỉnh có hơn 1.300 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chiếm khoảng 28% tổng số doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này tập trung vào sản xuất, chế biến dừa, hàng thủ công mỹ nghệ và thương mại điện tử. Chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Hội LHPN tỉnh đã giúp trên 18.000 chị em tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi với tổng số tiền hơn 143 tỷ đồng. Đặc biệt, nhiều sản phẩm từ dừa của phụ nữ Bến Tre đã được xuất khẩu sang hơn 50 quốc gia trên thế giới, mang lại giá trị kinh tế cao.
Ngoài ra, phụ nữ Bến Tre cũng là nhân tố quan trọng trong các chương trình xây dựng nông thôn mới. Họ đóng góp tích cực vào các phong trào "5 không, 3 sạch", "Phụ nữ khởi nghiệp xanh", góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân. Phụ nữ địa phương đã tham gia hơn 70% số mô hình hợp tác xã nông nghiệp, từ sản xuất rau sạch, chế biến dừa hữu cơ đến phát triển du lịch sinh thái, giúp nâng cao thu nhập bền vững.
Phụ nữ và chuyển đổi số - Tạo bước đột phá mới

“Hưởng ứng phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” do Hội LHPN tỉnh và Huyện ủy phát động, Hội LHPN huyện Ba Tri đã chọn kinh tế làm đòn bẩy cho phong trào phụ nữ, công tác Hội. Chúng tôi đã triển khai để các cơ sở Hội thực hiện bằng nhiều công trình, phần việc thiết thực. Hội LHPN huyện cũng tích cực xây dựng và nhân rộng các gương điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi để cán bộ, hội viên học tập và noi theo. Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện Ba Tri sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” bằng các mô hình thi đua thiết thực như: mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, mô hình sinh kế gắn với bảo vệ môi trường, góp phần cùng địa phương thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ”.
Chị Trịnh Thị Hồng Thắm, Chủ tịch Hội LHPN huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre
Bên cạnh những đóng góp truyền thống, phụ nữ Bến Tre đang vươn lên mạnh mẽ trong thời đại chuyển đổi số. Hiện nay, hơn 70% doanh nghiệp nữ trong tỉnh đã triển khai kinh doanh trực tuyến, giúp mở rộng thị trường. Năm 2024, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức hơn 50 lớp tập huấn về thương mại điện tử, giúp hơn 2.000 chị em sử dụng nền tảng số để bán hàng, tiếp cận khách hàng trên toàn quốc và quốc tế. Những mô hình khởi nghiệp từ nông sản, đặc sản địa phương không chỉ giúp cải thiện đời sống mà còn nâng tầm thương hiệu sản phẩm Bến Tre trên bản đồ kinh tế số.
Ngoài kinh tế, chuyển đổi số cũng đang giúp phụ nữ Bến Tre tiếp cận các dịch vụ giáo dục và y tế tốt hơn. Các lớp học trực tuyến giúp nâng cao trình độ chuyên môn của phụ nữ trong nhiều lĩnh vực, từ quản lý doanh nghiệp, tài chính đến kỹ năng mềm. Y tế số cũng mang lại nhiều lợi ích khi phụ nữ dễ dàng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa, tư vấn y khoa mà không cần di chuyển xa.
Phát huy hào khí Đồng Khởi để bứt phá tương lai

“Truyền thống quê hương Đồng Khởi anh hùng đã và đang được các thế hệ phụ nữ tỉnh Bến Tre gìn giữ, phát huy. Đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, việc đẩy mạnh cao điểm thi đua “Đồng Khởi mới” giai đoạn 2024 - 2025 được Tỉnh ủy Bến Tre phát động sâu rộng trong toàn tỉnh. Là người cán bộ Hội, với tinh thần đổi mới, sáng tạo, bản thân tôi sẽ cùng với tập thể tiếp tục nghiên cứu, đề xuất nhiều giải pháp đưa công tác Hội và phong trào phụ nữ huyện nhà phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Nối tiếp truyền thống của “Đội quân tóc dài” và gương sáng của cô Ba Định, cán bộ, hội viên phụ nữ trong huyện quyết tâm thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Đồng Khởi mới”, hướng tới mục tiêu xây dựng người phụ nữ Bến Tre “Tự tin, nhân ái, nghĩa tình và phát triển toàn diện”; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng xứ Dừa ngày càng giàu đẹp, văn minh”.
Chị Phạm Thị Thu Vân, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre
Hào khí Đồng Khởi không chỉ là một di sản tinh thần, mà còn là nguồn động lực mạnh mẽ giúp phụ nữ Bến Tre tự tin vươn lên, không ngừng đổi mới, sáng tạo để phát triển bền vững. Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phụ nữ xứ Dừa cần được tạo điều kiện thuận lợi hơn để nâng cao năng lực, tiếp cận công nghệ mới, phát triển kinh tế số và khẳng định vai trò trong quản lý, điều hành.
Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội trong việc xây dựng chính sách hỗ trợ phụ nữ là yếu tố quan trọng giúp họ tiếp tục phát huy vai trò. Các chương trình đào tạo, nâng cao kỹ năng quản lý, lãnh đạo cho phụ nữ cần được triển khai rộng rãi, giúp họ có thêm cơ hội để đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương và đất nước. Bên cạnh đó, sự liên kết giữa phụ nữ với các tổ chức trong nước và quốc tế cũng cần được đẩy mạnh, tạo điều kiện để họ học hỏi kinh nghiệm, phát triển thị trường và mở rộng hợp tác kinh tế.
Phát huy tinh thần Đồng Khởi trong thời đại mới không chỉ là tiếp tục gìn giữ giá trị truyền thống, mà còn là dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới để tạo ra những bước phát triển đột phá. Phụ nữ Bến Tre hôm nay không chỉ tiếp nối truyền thống mà còn tiên phong xây dựng một tương lai bền vững, hội nhập, góp phần đưa quê hương phát triển mạnh mẽ hơn trong thời đại mới.