pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phú Thọ: Đẩy mạnh phong trào văn hóa để giữ bản sắc truyền thống của phụ nữ dân tộc thiểu số
Chàm đuống trong lễ hội xuống đồng của người Mường ở xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ
Trước tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, một số nét văn hóa của dân tộc trên địa bàn huyện Tân Sơn đã bị mai một. Nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc, Hội LHPN huyện Tân Sơn đã tạo và lập ra những sân chơi, câu lạc bộ lành mạnh, bổ ích, ý nghĩa cho cán bộ, hội viên, phụ nữ. Thông qua đó, chị em có cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với bà Đặng Thị Minh Hồng - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ - về vai trò và những đóng góp của Hội LHPN cho cộng đồng DTTS và miền núi nơi đây.
Hội LHPN Tân Sơn đã có những hoạt động nào để duy trì, phát huy giá trị tốt đẹp của văn hoá truyền thống của phụ nữ DTTS địa phương?
Trong những năm qua, Hội LHPN huyện Tân Sơn luôn tích cực chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở tuyên truyền công tác bảo vệ gìn giữ phát huy giá trị văn hoá truyền thống của phụ nữ DTTS và miền núi, đặc biệt là phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian. Thông qua việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS về tiếng nói, trang phục, lễ hội, các loại hình nghệ thuật truyền thống…
Đối với dân tộc Mường, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện Tân Sơn đã tổ chức được 8 lớp Tiếng dân tộc Mường với tổng số 417 học viên tham gia nhằm đảm bảo cho cán bộ, công chức và nhân dân duy trì tiếng nói và chữ Viết của đồng bào Mường.
Chúng tôi đã phối hợp thành lập các CLB văn nghệ dân gian tại các xã: Kim Thượng, Xuân Đài, Lai Đồng, Kiệt Sơn, Văn Luông… Hàng năm, đều tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ văn hóa và hội viên, phụ nữ là người DTTS các lớp văn hóa văn nghệ dân gian như: Chàm đuống, hát ví, hát rang, nhảy sạp.
Đặc biệt, vừa qua, Hội LHPN đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa, thể thao, du lịch và truyền thông huyện tổ chức 1 lớp tập huấn với sự tham gia của 102 học viên là cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở và các nghệ nhân dân gian của 17 xã. Không chỉ truyền dạy cho các nghệ nhân, hội viên, phụ nữ mà nhiều trường học trên địa bàn huyện Tân Sơn đã chú trọng đưa những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc ở địa phương vào những giờ ngoại khóa hay những dịp kỷ niệm. Qua đó góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc tại địa phương.
Khi mở ra các hoạt động như vậy, Hội đã gặp thuận lợi và khó khăn thế nào?
Thuận lợi là phụ nữ trên địa bàn huyện Tân Sơn đều rất yêu nét văn hóa, bản sắc của chính đồng bào dân tộc mình nên khi được phát động, chị em hăng hái nhiệt tình hưởng ứng. Đồng thời kêu gọi thêm người thân cùng tham gia. Bản thân hội viên, phụ nữ có nhiều thời gian nông nhàn giữa các mùa vụ, nên khi có những hoạt động này thì đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ hội viên cũng đang dần thay đổi từng ngày. Hoạt động văn nghệ dân gian không chỉ được tổ chức tại các ngày hội, ngày lễ ở địa phương mà đã được tổ chức tại các đám cưới của các đôi bạn trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn nhiều khó khăn bởi kinh phí để tổ chức các cuộc giao lưu, hội thi thường xã hội hóa nên quy mô không lớn, chưa được quảng bá rộng rãi.
Với vai trò của mình, Hội đã làm gì để thay đổi và thuyết phục người dân tiếp thu cái mới và loại bỏ tư tưởng lạc hậu?
Hiện nay, một số ít người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỉ lại, chưa chịu khó làm ăn vươn lên làm giàu, chỉ mong vẫn mãi là "hộ nghèo". Tâm lý thuần nông, chưa có thói quen làm việc khoa học, giờ giấc… Vì vậy, khi tiếp cận với công việc tại các công ty, thường vi phạm nội quy, quy chế của các công ty (đặc biệt tại khu công nghiệp).
Vẫn còn tình trạng tảo hôn, về ở chung sống thành vợ chồng. Khi đủ tuổi mới đi đăng ký kết hôn. Hệ lụy là nhiều cặp đôi về sinh sống do mâu thuẫn nhỏ cũng ly hôn, dẫn đến tình trạng các cặp đôi ly hôn ở độ tuổi thanh niên khá cao. Tư tưởng trọng nam khinh nữ tuy không còn, song vẫn còn tình trạng đàn ông cho rằng việc nhà, lên nương rẫy là của vợ, chăm sóc con cái là do người vợ, con hư cũng do người phụ nữ…
Chính vì vậy, năm 2022, Hội LHPN huyện đã phối hợp với Phòng Tư pháp mở 4 lớp tuyên truyền giáo dự pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn.
Dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của TW Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh Phú Thọ, Hội LHPN huyện Tân Sơn đã và đang triển khai thực hiện Dự án 8 về "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình MTQG DTTS&MN giai đoạn 2021- 2025.
Hiện tại, Hội LHPN huyện Tân Sơn đã xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện Dự án 8 với nội dung Hướng dẫn thực hiện vận động lồng ghép giới; thành lập, vận hành, quản lý và giám sát việc triển khai thành lập "Tổ truyền thông cộng đồng", "Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng", Câu lạc bộ thủ lĩnh…
Trong đó, đẩy mạnh công tác truyền thông về bình đẳng giới trong các tầng lớp nhân dân, phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong thôn bản, tổ hòa giải ở cơ sở, xây dựng mô hình CLB gia đình hạnh phúc, tuyên truyền cho cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia CLB gia đình hiếu học…
Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!