pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phú Thọ: Hỗ trợ phụ nữ hội nhập và chuyển đổi số để phát triển kinh tế
Cán bộ, hội viên phụ nữ triển khai nhiệm vụ công tác Hội thông qua
Trong những năm qua, với sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở và sự nỗ lực của bản thân chị em, chuyển đổi số đang dần đi vào cuộc sống. Đồng thời mở ra nhiều cơ hội giúp hội viên, phụ nữ hội nhập và khởi nghiệp, tiếp cận gần hơn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của đất nước.
Tận dụng những lợi ích mà mạng xã hội mang lại, thời gian qua, các thành viên thuộc Tổ liên kết "Giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc sản xứ Mường" của Hội LHPN xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn đã thành lập Fanpage "Đặc sản xứ Mường - Hội LHPN xã Văn Miếu" nhằm quảng bá, giới thiệu và bán các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của địa phương đến người tiêu dùng.
Chị Hà Thị Hồng Hái - Chủ tịch Hội LHPN xã Văn Miếu chia sẻ: Hiện nay, tổ liên kết hoạt động theo hướng tập trung thu mua lại các sản phẩm như rau sắn, măng tươi, măng khô... của hội viên, phụ nữ và người dân địa phương. Sản phẩm sau khi thu mua sẽ được mang đi sơ chế, chế biến và đóng gói cẩn thận theo đúng quy trình, đảm bảo chất lượng; sau đó được giới thiệu, cập nhật thông tin lên Fanpage của tổ. Việc lựa chọn bán hàng online trên Fanpage rất thuận tiện, giúp chúng tôi tiếp cận dễ dàng hơn với người tiêu dùng cả trong và ngoài địa phương; đồng thời góp phần tạo việc làm cho các hội viên, tăng thêm thu nhập cho chị em những lúc nhàn rỗi, bình quân mỗi tháng từ 2 - 3 triệu đồng/người.
Không chỉ có tổ liên kết "Giới thiệu, quảng bá đặc sản xứ Mường" của Hội LHPN xã Văn Miếu mà hiện nay trên địa bàn tỉnh đã và đang dần hình thành nhiều mô hình khởi nghiệp của hội viên, phụ nữ có ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng số trong quá trình hoạt động. Từ thực tế có thể thấy, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số là xu thế tất yếu, là công cụ hữu dụng giúp thay đổi cách thức làm việc cũng như phương thức sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả công việc, năng suất và chất lượng sản phẩm. Do đó, việc trang bị kiến thức và kỹ năng số cơ bản cho phụ nữ được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp chị em khởi nghiệp, phát triển và hội nhập.
Xác định rõ điều này, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ, hội viên về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. Phối hợp với các ngành, đơn vị tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ Hội, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp để xây dựng môi trường làm việc số hiệu quả, đảm bảo mọi thông tin được chuyển tải chính xác, phù hợp, kịp thời đến cán bộ, hội viên, phụ nữ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đề ra.
Đến nay, 100% tổ chức Hội đã sử dụng dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và triển khai thực hiện nhiệm vụ. Các cấp Hội đã xây dựng được các tài khoản, fanpage trên mạng xã hội facebook, tạo các nhóm zalo để tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động tới hội viên, phụ nữ trên địa bàn.
Song song với đó, nhằm giúp phụ nữ khởi nghiệp và hội nhập vào nền kinh tế số, các cấp Hội đã thường xuyên bám sát địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên phụ nữ, nhất là hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang có ý tưởng khởi nghiệp. Hằng năm, Hội LHPN tỉnh đều tổ chức "Ngày hội phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp" và các buổi tuyên truyền, tập huấn giúp phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng xây dựng ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, ứng dụng các nền tảng số cũng như tìm kiếm cơ hội kết nối, quảng bá sản phẩm, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm các mô hình khởi nghiệp thành công.
Hiện toàn tỉnh có 69 mô hình phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh được hỗ trợ về giống, kiến thức, công cụ sản xuất, công nghệ… với tổng trị giá 2,5 tỷ đồng. Trong đó Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 17 mô hình khởi nghiệp, phát triển kinh tế với 223 thành viên.
Đặc biệt, các cấp Hội đã tập trung hỗ trợ kết nối, giới thiệu, đưa sản phẩm, hàng hóa của hội viên, phụ nữ lên các sàn giao dịch thương mại điện tử, kênh phân phối, hệ thống siêu thị, hỗ trợ tham gia các hội nghị kết nối cung - cầu tại các tỉnh, thành phố trong khu vực. Phối hợp xây dựng các điểm bán hàng "Tự hào hàng Việt Nam" cho hội viên, phụ nữ tại các huyện: Cẩm Khê, Đoan Hùng, Tân Sơn, Yên Lập, Thanh Ba, Lâm Thao, Tam Nông. Đồng thời xây dựng các cửa hàng kinh doanh, giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và nông sản Phú Thọ tại thành phố Việt Trì, huyện Đoan Hùng.
"Với những hoạt động hỗ trợ cụ thể, thiết thực của các cấp Hội LHPN trong thời gian qua, chị em phụ nữ trong tỉnh đã dần hòa mình vào quá trình chuyển đổi số, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát huy sự chủ động, sáng tạo trong lao động, công tác. Tuy nhiên, để đáp ứng hơn nữa với yêu cầu chuyển đổi số và hội nhập quốc tế hiện nay, mỗi hội viên, phụ nữ cần nỗ lực hơn nữa, tự trau dồi, trang bị kiến thức, kỹ năng công nghệ. Từ đó ngày càng thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và vị thế của phụ nữ trong đời sống xã hội" - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh khẳng định.