Phú Thọ: Tập huấn, đào tạo nghề giúp phụ nữ nghèo nâng cao thu nhập

Lê Hoa
11/11/2023 - 11:58
Phú Thọ: Tập huấn, đào tạo nghề giúp phụ nữ nghèo nâng cao thu nhập

Hội LHPN tỉnh Phú Thọ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế

Đây là một trong những biện pháp mà Hội LHPN tỉnh Phú Thọ đang triển khai để nâng cao kiến thức, kỹ năng cho hội viên, phụ nữ.

Bà Phan Hồng Nhung, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phú Thọ - chia sẻ kinh nghiệm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng cho hội viên, phụ nữ tại khu vực đặc thù vùng trung du, miền núi như tỉnh Phú Thọ.

- Bà có thể điểm qua đôi nét về thực trạng của các hộ nghèo trong tỉnh, đặc biệt các hộ nghèo do phụ nữ làm chủ?

Phú Thọ là tỉnh miền núi, dân số trên 1,5 triệu người, với 50 dân tộc sinh sống (dân tộc thiểu số chiếm khoảng 17%); có 13 huyện, thành, thị, trong đó có 5 huyện vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 58 xã, 236 thôn đặc biệt khó khăn. Tính đến năm 2022, tỉ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới chiếm 5,19%, hộ cận nghèo 4,24%.

Tập huấn đào tạo nghề giúp phụ nữ nghèo nâng cao thu nhập - Ảnh 1.

Bà Phan Hồng Nhung, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phú Thọ

Hiện nay, toàn tỉnh có 21.919 hộ nghèo, trong đó có 11.464 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ (chiếm 52,3%). Hầu hết hộ nghèo do phụ nữ làm chủ có hoàn cảnh đặt biệt khó khăn: bản thân mắc bệnh hiểm nghèo, phụ nữ khuyết tật, người già neo đơn, phụ nữ yếu thế, gia đình đông con, đơn thân nuôi con, nhà có người thân mắc bệnh hiểm nghèo; không có đất canh tác, thu nhập thấp, không có việc làm, công việc không ổn định... hầu hết sống tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Trước nhu cầu thiết thực của hội viên, phụ nữ là nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển kinh tế, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Phú Thọ đã triển khai những chương trình hỗ trợ nào để phù hợp với đặc thù của phụ nữ địa phương?

Xác định công tác giảm nghèo là 1 trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Phú Thọ đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều hoạt động giảm nghèo trong các cấp Hội và tích cực chăm lo, hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống và vị thế của phụ nữ bằng các việc làm cụ thể. 

Hằng năm, các cấp hội đều tiến hành rà soát, thống kê số lượng hộ phụ nữ nghèo/cận nghèo, đồng thời phân tích nguyên nhân nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều để có những biện pháp giúp đỡ cụ thể, phù hợp với hoàn cảnh của từng hộ gia đình và điều kiện của Hội phụ nữ.

Hội LHPN tỉnh phối hợp với các ngành tập huấn đào tạo nghề về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, làm thay đổi tập quán sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp phụ nữ nghèo nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. 

Các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn với nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp, tạo việc làm giúp hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo. Qua đó đã có 433 mô hình được các cấp Hội phụ nữ hỗ trợ thành lập với 1.815 hội viên, phụ nữ tham gia để giúp phụ nữ thoát nghèo, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu và tạo việc làm cho phụ nữ.

Tập huấn đào tạo nghề giúp phụ nữ nghèo nâng cao thu nhập - Ảnh 2.

Hội LHPN tỉnh Phú Thọ đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều hoạt động giảm nghèo trong các cấp Hội và tích cực chăm lo, hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế gia đình

- Trên thực tế, còn một số hộ gia đình nghèo do phụ nữ làm chủ hiện nay vẫn chưa hết thoát nghèo, theo bà, nguyên nhân do đâu?

Có thể kể đến một số nguyên nhân như: những hộ nghèo do phụ nữ làm chủ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phụ nữ yếu thế, không có đất canh tác, việc làm không ổn định... không có khả năng thoát nghèo. Bên cạnh đó, một số chị em còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức nỗ lực vươn lên để thoát nghèo hoặc "chưa muốn thoát nghèo" để hưởng chế độ hỗ trợ của Nhà nước.

Ngoài ra còn phải kể đến nguyên nhân là do năng lực của cán bộ làm công tác giảm nghèo, cán bộ Hội phụ nữ ở một số cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cho nên việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, hoạt động hỗ trợ mô hình kinh tế cho phụ nữ nghèo ở một số địa phương chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Công tác giám sát, đánh giá, nhân rộng mô hình giảm nghèo của Hội Phụ nữ các cấp chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Công tác biểu dương, khen thưởng chưa kịp thời, chưa có sức lan tỏa.

- Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh Phú Thọ có các hoạt động cụ thể gì để hỗ trợ hội viên, phụ nữ không bị bỏ lại phía sau?

Các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chỉ đạo của đảng và các chính sách của nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững đến cán bộ, hội viên, phụ nữ, nhất là với đối tượng nữ chủ hộ nghèo/cận nghèo.

Trong đó, Hội LHPN tỉnh tập trung chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội, các khâu đột phá, Phong trào thi đua gắn với Cuộc vận động, các Chương trình Mục tiêu quốc gia như: Xây dựng nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Đề án của Chính phủ theo Quyết định số 938, Quyết định số 939, Quyết định số 01. Đặc biệt là Dự án thành phần số 8 về "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" theo Quyết định 1719 của Chính phủ.

Tập huấn đào tạo nghề giúp phụ nữ nghèo nâng cao thu nhập - Ảnh 3.

Hội LHPN tỉnh tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho hội viên, phụ nữ

Hội LHPN tỉnh cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng để hỗ trợ phụ nữ nghèo tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn. Kết nối và huy động nguồn lực của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để hỗ trợ phụ nữ nghèo phát triển kinh tế.

Đặc biệt, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh tập trung quan tâm xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả; hướng dẫn áp dụng các mô hình sinh kế về cách thức sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả theo chuỗi giá trị, giúp hội viên, phụ nữ nghèo tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cuộc sống ấm no, có ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo. Duy trì các tổ "Phụ nữ giúp nhau giảm nghèo" ở cơ sở. 

Đồng thời thường xuyên nắm bắt tâm tư nguyện vọng, hoàn cảnh của từng hộ gia đình phụ nữ nghèo; hướng dẫn kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, rèn luyện thói quen tiết kiệm, chăm sóc sức khỏe bản thân, tham gia các hoạt động cộng đồng... và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo. Biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác giảm nghèo.

- Xin cảm ơn bà!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm