Phục hồi chức năng cho trẻ bại não

An Khê
30/03/2023 - 15:22
Phục hồi chức năng cho trẻ bại não

Bác sĩ Hoàng Thị Hương Giang, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội

Sau 8 tháng điều trị, với sự quan tâm, chăm sóc tận tình của các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của khoa nhi, hiện tại, bé có thể tự ngồi khoanh chân, bò 4 điểm tốt, đứng bám, đi men...

Năm 2019, một người mẹ trẻ (20 tuổi, ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) mang tam thai. Khi thai được 30 tuần tuổi, người mẹ chuyển dạ sinh non, các bé được sinh thường. Bé thứ nhất sau khi sinh bị ngạt, cân nặng sơ sinh được 1,2kg. Bé thứ hai sinh ra bị đột tử khi 18 ngày tuổi. 

Bé sinh cuối cùng phát triển bình thường. Bé thứ nhất tên là Nguyễn Lan Anh. 12 tháng, bé tự lẫy, lật, bò, trườn nhưng chưa tự ngồi, chưa hoàn toàn kiểm soát được đầu, cổ. Gia đình đưa bé Lan Anh đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám thì được các bác sĩ chẩn đoán bại não liệt co cứng tứ chi.

Bác sĩ Hoàng Thị Hương Giang (Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội) cho biết, bệnh viện tiếp nhận bé Lan Anh từ tháng 7/2022 trong tình trạng có thể ngồi dậy từ tư thế nằm sấp, bò trườn, đứng bám, đi men, đi kiễng gót, hai chân bắt chéo, nói một số từ đơn, chưa biết cầm cốc uống nước, chưa tự xúc ăn. 

Bé được trị liệu bằng các bài tập ức chế mẫu co cứng để kiểm soát tình trạng co cứng trong quá trình tập, kết hợp với các bài tập kéo dãn khớp gối, khớp cổ chân hai bên; các bài tập về chức năng sinh hoạt giúp trẻ cải thiện khả năng cầm nắm đồ vật. Bé cũng được tập ngôn ngữ trị liệu, với các bài tập vận động môi miệng, phát âm giúp trẻ nói tốt hơn, mở rộng vốn từ và tăng khả năng nhận thức cho trẻ… 

Phục hồi chức năng cho trẻ bại não - Ảnh 1.

Bé Nguyễn Lan Anh

Ngoài 3 phương pháp chính về vận động trị liệu, hoạt động trị liệu và ngôn ngữ trị liệu, bé còn được tiêm Botulinum toxin A điều trị co cứng nhóm cơ gấp gối và gấp lòng bàn chân; phối hợp các phương pháp vật lý trị liệu khác như tử ngoại toàn thân, điện trị liệu.

"Khi vào khoa nhi, chúng tôi đã điều trị phục hồi cho bé bằng nhiều phương pháp. Trước tiên, chiếu đèn tử ngoại toàn thân để giúp tăng cường tổng hợp vitamin D, qua đó tăng cường vận chuyển canxi vào xương, giúp xương của trẻ chắc, khỏe", bác sĩ Hương Giang cho biết. 

Song song với đó, bé Lan Anh được điều trị bằng điện trị liệu. Đây là phương pháp sử dụng các dòng điện xung kích thích thần kinh cơ để kích thích các nhóm cơ yếu. Sử dụng các dòng Galvanic giúp giảm trương lực cơ cho các nhóm cơ bị tăng trương lực. Sử dụng máy kích thích nuốt giúp trẻ nuốt tốt hơn và giảm chảy dãi.

Sau 8 tháng điều trị, với sự quan tâm, chăm sóc tận tình của các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của khoa nhi, hiện tại, bé có thể tự ngồi khoanh chân, bò 4 điểm tốt, đứng bám, đi men với hai bàn chân đặt bằng trên mặt đất; nói được nhiều từ đơn, một số từ ghép, nhận biết đồ vật, con vật tốt, tự xúc ăn, ít rơi vãi, biết uống nước bằng cốc.

Bác sĩ Hương Giang cho biết, có nhiều phương pháp điều trị bại não bằng phục hồi chức năng được đề xuất, nhưng hầu hết các bé đều cần có một chương trình đầy đủ, bao gồm: phục hồi các rối loạn vận động như làm bớt co cứng, múa vờn hay rối loạn trương lực cơ; tập luyện khả năng điều khiển tự chủ; tự phục vụ, khả năng giao tiếp, ăn uống...

Để trẻ có thể cải thiện khả năng vận động và sinh hoạt bình thường, cha mẹ nên sớm đưa con đi điều trị phục hồi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm