Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký tờ trình đề nghị Quốc hội giao Chính phủ thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu với lao động nữ nghỉ hưu từ 1/1/2018.
Bộ LĐ-TB&XH đã gấp rút soạn thảo, hoàn thiện tờ trình về xử lý chênh lệch lương hưu của lao động nữ nghỉ hưu từ 1/1/2018. Qua đó, nhằm bù đắp phần lương hưu bị giảm do thay đổi công thức tính lương hưu với lao động nữ.
Trước đó, theo tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu với lao động nữ nghỉ hưu từ 1/1/2018 trình tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Bộ LĐ-TB&XH cho biết: quy định của Luật BHXH 2014 đã làm phát sinh sự so sánh giữa lao động nữ và nam, giữa lao động nữ nghỉ sau với lao động nữ nghỉ trước thời điểm ngày 1/1/2018.
Cụ thể: Do quy định công thức tính lương hưu của nam thay đổi dần trong vòng 5 năm, còn của nữ thay đổi ngay trong năm 2018, nên dẫn đến số lao động nữ nghỉ hưu năm 2018 có tỷ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017.
Về đề xuất điều chỉnh lương hưu, do thời gian đã đóng BHXH của lao động nữ là khác nhau nên tỷ lệ hưởng lương hưu bị giảm trừ cũng khác nhau, dẫn đến các mức điều chỉnh cũng phải tính toán khác nhau tùy thuộc vào số thời gian đã đóng BHXH và năm nghỉ hưu. Chính phủ áp dụng nguyên tắc tính toán một trường hợp mẫu, sau đó áp dụng cho các trường hợp tương tự.
Giả sử lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ 2018, có đúng 25 năm đóng BHXH, thì tỷ lệ hưởng lương hưu là 65% (thấp hơn 10% so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu từ 2017).
Nếu kéo giãn lộ trình giảm tỷ lệ hưởng lương hưu trong 5 năm từ năm 2018 đến năm 2022, thì mỗi năm lao động nữ sẽ chỉ bị giảm 2% (bằng 1/5 của 10% lương hưu bị giảm đột ngột) so với năm trước. Như vậy, lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong năm 2018 giảm 2%; năm 2019 giảm 4%; năm 2020 giảm 6%; năm 2021 giảm 8% và 2022 giảm 10%.
Theo dự báo của BHXH Việt Nam, số lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ 2018 đến 2021 mà có từ 20 năm đến 29 năm 6 tháng đóng BHXH là khoảng 91,6 ngàn người. Nguồn kinh phí điều chỉnh này do Quỹ BHXH đảm bảo.
Theo số liệu của BHXH Việt Nam, năm 2018 có khoảng 50 ngàn lao động nữ nghỉ hưu, trong đó có trên 21 ngàn người có thời gian đóng BHXH từ 15 đến dưới 30 năm (chiếm 43% số lao động nữ nghỉ hưu). Số bị ảnh hưởng nhiều nhất khoảng 4.000 người có tỷ lệ hưởng thấp hơn từ 5% đến 10%. |