pnvnonline@phunuvietnam.vn
Quan hệ Việt-Mỹ: Niềm tin vun đắp qua từng thế hệ
Hàn gắn vết thương quá khứ
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink chia sẻ, ngày 11/7/1995, khi Tổng thống Bill Clinton tuyên bố Hoa Kỳ bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Việt Nam, hai nước gần như không có quan hệ về thương mại và quan hệ giữa nhân dân hai nước còn rất hạn chế. Thế nhưng, ngày nay, trong một loạt các lĩnh vực như thương mại, phát triển, giáo dục, y tế, năng lượng và an ninh, Hoa Kỳ và Việt Nam đang hợp tác cùng nhau với cam kết chung vì hòa bình và thịnh vượng. "Chúng ta đã thực sự là đối tác tin cậy và có tình hữu nghị được xây dựng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Khi nhìn vào những gì chúng ta đã cùng đạt được thì những bước tiến của quan hệ song phương Hoa Kỳ - Việt Nam trong 25 năm qua thật phi thường", ông Kritenbrink nói.
Hai bên đã gạt bỏ các khác biệt, nhìn nhận lịch sử và cam kết hướng về phía trước như những người bạn chứ không phải những người đối đầu. Các cựu chiến binh và gia đình họ ở cả hai phía là những người đầu tiên đối mặt với quá khứ và bắt đầu xây dựng cầu nối để chính phủ hai nước có thể gắn kết thành công.
Người Mỹ và người Việt đã bắt đầu hợp tác để giải quyết các vấn đề nhân đạo và những vấn đề chiến tranh để lại từ nhiều năm, trước khi bình thường hóa quan hệ. Kể từ năm 1988, các nhóm công tác của Mỹ và Việt Nam đã hợp tác để tìm kiếm và trao trả hài cốt các quân nhân đã ngã xuống và năm 1991, Văn phòng Tìm kiếm Tù binh và Người mất tích của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã mở tại Hà Nội.
Trong nhiệm kỳ Tổng thống George H.W. Bush, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã bắt đầu hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam thông qua Quỹ hỗ trợ Nạn nhân Chiến tranh Leahy.
Từ năm 1993, Hoa Kỳ và Việt Nam bắt đầu hợp tác để giúp Việt Nam loại bỏ hiểm họa từ vật liệu chưa nổ (UXO). Hai bên cũng từng bước xây dựng các hoạt động giao lưu nhân dân như mở Chương trình Fulbright năm 1992, sau đó thành lập Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) năm 1994. Những chương trình này đã đào tạo hàng nghìn nhà hoạch định chính sách, nhà giáo dục và lãnh đạo doanh nghiệp.
Hoa hữu nghị bừng nở
Cũng theo Đại sứ ông Kritenbrink, quan hệ hợp tác Việt - Mỹ tiếp tục phát triển trong nhiều lĩnh vực quan trọng, bao gồm gìn giữ hòa bình, rà phá bom mìn, hỗ trợ nhân đạo và ứng phó với thảm họa, thực thi pháp luật và cải cách hệ thống tư pháp hình sự.
Lãnh đạo doanh nghiệp của Mỹ và Việt Nam đang ngày ngày phát triển những mối quan hệ thương mại vững mạnh, giúp quan hệ thương mại ngày càng tăng trưởng hơn. Hai bên đã đi từ chỗ gần như không có giao thương cách đây 26 năm tới kim ngạch thương mại hai chiều ngày nay đạt hơn 77 tỷ đô la.
Những công ty lớn của Hoa Kỳ đã đầu tư nhiều tỷ đô la vào cả khu vực sản xuất và cơ sở hạ tầng của Việt Nam. Sự hợp tác nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa và đầu tư tự do và công bằng giữa hai nước sẽ tiếp tục đóng góp cho sự thịnh vượng chung của cả hai nước, không chỉ phát triển kinh tế mà còn phát triển bền vững.
Đầu tư vào quan hệ đối tác trong tương lai, nghĩa là tạo cơ hội để giới trẻ xây dựng tình hữu nghị dài lâu. Được thành lập năm 2000, Quỹ Giáo dục Việt Nam đã cung cấp gần 600 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam theo học chương trình thạc sĩ và tiến sĩ trong các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Hiện nay, các cựu sinh chương trình VEF đang giảng dạy tại các trường đại học trên khắp Việt Nam, góp phần đào tạo thế hệ các nhà khoa học và kỹ sư tương lai cho Việt Nam.
Ông Kritenbrink nhấn mạnh rằng, hai bên vẫn tiếp tục hợp tác tích cực trong việc giải quyết các vấn đề nhân đạo và những vấn đề chiến tranh để lại.
Từ năm 1988, hài cốt của 727 người Mỹ mất tích trong chiến tranh đã được xác định nhờ sự hợp tác của các nhóm công tác của Mỹ và Việt Nam, nhằm tìm kiếm và trao trả hài cốt các quân nhân đã hy sinh. Phía Mỹ cũng đang tích cực làm việc để hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm các quân nhân của Việt Nam mất tích trong chiến tranh. "Trong thời gian đảm nhận vị trí Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, tôi đã có vinh hạnh tới thăm Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang Biên Hòa để bày tỏ lòng tôn kính đối với tất cả các quân nhân Việt Nam đã hy sinh trong chiến tranh. Đây là những trải nghiệm thực sự xúc động đối với cá nhân tôi, được thực hiện với tinh thần hòa giải và tôn trọng lẫn nhau", ông Kritenbrink tâm sự.
Từ năm 1989, Hoa Kỳ đã cung cấp hơn 113 triệu đô la để hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam, giúp đỡ hàng triệu người Việt Nam khó khăn.
Từ năm 1993, Hoa Kỳ đã đóng góp hơn 130 triệu đô la để giúp Việt Nam rà phá các vật liệu chưa nổ (UXO). Quan hệ đối tác giữa Mỹ với chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực này đã rất thành công và trong hai năm qua đã không còn thương vong liên quan đến vật liệu chưa nổ tại tỉnh Quảng Trị, nơi có chương trình do chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ.
Năm 2018, USAID đã kết thúc thành công dự án xử lý dioxin trị giá 110 triệu đô la tại sân bay Đà Nẵng và năm ngoái, cùng với các đối tác Việt Nam, phía Mỹ đã bắt đầu xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa, điểm nóng về dioxin lớn cuối cùng ở Việt Nam.
Trong năm nay, Hoa Kỳ và Việt Nam đã vận dụng mối hợp tác lâu dài trong lĩnh vực y tế để tăng cường năng lực của Việt Nam trong ứng phó với đại dịch COVID-19. Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam đã rất may mắn khi có ba đơn vị khác nhau, mỗi đơn vị có chuyên môn và năng lực riêng biệt, tham gia hỗ trợ cho cuộc chiến này.