'Thương mại Việt - Mỹ sau 25 năm đã đạt được kết quả ấn tượng’

24/02/2019 - 13:28
Đó là nhận định của ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham), khi đánh giá về 25 năm bình thường hóa quan hệ và hợp tác thương mại Việt - Mỹ. Ông đã trả lời phỏng vấn của PV Báo PNVN nhân sự kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đến Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 vào tuần tới.

Kết quả ấn tượng 

- Ông đánh giá thế nào về quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ sau 25 năm kể từ khi bình thường hóa?

 

Có thể nói sau 25 năm, quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả rất ấn tượng. Tính đến nay, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng gần 120 lần, từ 450 triệu USD vào năm 1994 lên hơn 60 tỷ USD vào năm 2018. Trong nhiều năm liên tục, Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu có mức tăng trưởng cao nhất của chúng tôi. Rõ ràng, việc bình thường hóa quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã mở ra cơ hội mới cho các nhà đầu tư hai bên với giá trị nhiều tỷ USD.

 

adam-sitkoff.jpg
Ông Adam Sitkoff: "Có thể nói sau 25 năm, quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả rất ấn tượng".

 

Đầu tư của các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển của Việt Nam, trong đó nổi bật là hoạt động đầu tư của GE, CocaCola, Microsoft, IBM, Nike, ExxonMobil và nhiều tập đoàn, doanh nghiệp khác. Chính điều này đã góp phần tạo dựng cho Việt Nam có một chỗ đứng ngày càng vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ở chiều ngược lại, Hoa Kỳ cũng đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và phía Việt Nam đang cung ứng cho Hoa Kỳ những mặt hàng cần thiết như nông sản, hàng may mặc,… Tôi hy vọng trong thời gian tới, thương mại hai nước sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi.

 

- Sự kiện kinh tế đặc biệt được cả thế giới cùng quan tâm trong năm vừa qua chính là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Việt Nam cũng rất quan tâm đến vấn đề này vì cả Hoa Kỳ và Trung Quốc vừa là nhà đầu tư, đồng thời cũng là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Điều đó sẽ tác động thế nào đến vấn đề đầu tư của các doanh nghiệp Hoa Kỳ vào Việt Nam, thưa ông?

 

Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác cũng đang rất quan tâm đến cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, tất nhiên cuộc chiến này sẽ có ảnh hưởng đến tình hình kinh tế toàn cầu nói chung vì đây là hai nền kinh tế lớn. Có thể, cuộc chiến thương mại lần này sẽ là cơ sở để thiết lập một luật chơi mới trong thương mại quốc tế. Nhưng rõ ràng, kết quả trong những tháng qua đã cho thấy trong khi một số người được hưởng lợi thì rất nhiều người khác bị thiệt hại. Chiến tranh thương mại làm tổn thương nền kinh tế, tổn thương nhu cầu tiêu dùng và gây ra hàng loạt vấn đề khác. Do đó, bất cứ quốc gia nào cũng mong muốn những căng thẳng sẽ biến mất, vì không gì tốt hơn là một môi trường thương mại an toàn.

Tuy nhiên, ở phương diện khác, cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng đem đến cho Việt Nam những cơ hội, bởi như chúng ta thấy đang có sự dịch chuyển về nhà máy sản xuất cũng như chuỗi cung ứng. Những doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng đang xem xét để dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ thị trường Trung Quốc sang các thị trường khác, dĩ nhiên trong đó có thị trường Việt Nam. Cần nói thêm là các doanh nghiệp Hoa Kỳ vẫn rất coi trọng thị trường Việt Nam, bởi chúng tôi vẫn coi đây là một thị trường hấp dẫn để đầu tư.

 

Việt Nam nên tập trung vào kinh tế số

- Theo ông, trong quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ hiện nay, có những vướng mắc gì cần phải khắc phục để phát triển?

 

Chúng tôi được biết hiện nay Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng và phát triển kinh tế số, đây là một hướng đi đúng đắn bởi đó là xu thế tất yếu. Nhưng để phát triển kinh tế số, đòi hỏi Việt Nam phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa, phải hoàn thiện hơn về hệ thống chính sách của mình. Thực tế, có những chính sách hiện nay chưa thực sự phụ hợp,những điều khoản rắc rối không chỉ ngăn cản thương mại và đầu tư, mà còn có tác động bất lợi đến an ninh mạng. Trong nền kinh tế số ngày nay, các dịch vụ toàn cầu được củng cố bởi luồng dữ liệu toàn cầu, tất cả mọi hoạt động từ thanh toán đến email đều dựa trên dữ liệu được phép tự do xuyên biên giới. 

 

20180414-phat-trien-kinh-te-so-thach-thuc-lon-nhat-la-bao-ve-quyen-rieng-tu-1.jpg
Ảnh minh họa

 

Việc đảm bảo luồng chảy tự do của dữ liệu là rất quan trọng và chúng tôi hy vọng được làm việc với các lãnh đạo Việt Nam về các tiếp cận chính sách nhằm thúc đẩy các mục tiêu cơ bản của Luật An ninh mạng, đồng thời giảm thiểu sự gián đoạn cho các doanh nghiệp, nền kinh tế và sự phát triển của Việt Nam. Việc thực thi tự do hóa các khuôn khổ về truyền tải dữ liệu xuyên biên giới sẽ có tác động tích cực lên nền kinh tế Việt Nam, như tăng GDP thêm 3,4 tỷ USD, tăng đầu tư thêm 920 triệu USD, thu nhập công tăng thêm 130 triệu USD, tạo thêm hơn 70.000 việc làm mới.

 

- Để thu hút được những dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực sự có chất lượng tạo động lực cho phát triển bền vững, ông có khuyến nghị gì đối với Việt Nam?

 

Việt Nam đổi mới từ năm 1986 và cho đến hiện nay, Việt Nam đã đi được con đường rất dài. Nền kinh tế Việt Nam đã chuyển mình tuyệt vời và hiện đang trên đà tăng trưởng, nhanh hơn hầu hết các nền kinh tế khác trên thế giới.

 

Một điều rõ ràng là các nhà đầu tư nước ngoài cần một sân chơi bình đẳng, không chỉ để thu hút vốn đầu tư nhiều hơn trong tương lai mà còn để duy trì vốn đầu tư đã có tại đây. Ở chiều ngược lại, phía Việt Nam cũng cần những dòng vốn FDI “sạch” để làm đòn bẩy cho tăng trưởng bền vững. “Sạch” ở đây được hiểu là phát triển kinh tế phải đi liền với bảo vệ môi trường, trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi và sự rủi ro hoặc điều kiện ràng buộc thấp. Tôi hy vọng trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp được đầu tư bởi nước ngoài cần một môi trường hỗ trợ và công bằng như nhau để phát triển. Điều đó có nghĩa là mối quan hệ của họ với các cơ quan hành chính cần phải tương hỗ và minh bạch.

- Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm