Quảng Nam phấn đấu giảm bình quân 3% - 5% số cặp tảo hôn mỗi năm

Thục Anh
21/11/2022 - 10:05
Quảng Nam phấn đấu giảm bình quân 3% - 5% số cặp tảo hôn mỗi năm

Trường phổ thông dân tộc Nội trú Nam Trà My tổ chức Hội thi “Tìm hiểu kiến thức về tảo hôn & hôn nhân cận huyết thống và sức khỏe sinh sản vị thành niên”

Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, hạn chế được tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số.

Vài năm gần đây, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các địa phương miền núi của tỉnh Quảng Nam đã giảm đáng kể so với trước song vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn.

Tỉnh Quảng Nam có 9 huyện miền núi, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có khoảng hơn 128.500 người.

Theo số liệu thống kê từ Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cho biết, giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh ghi nhận 830 trường hợp tảo hôn, so với giai đoạn trước (năm 2010-2015), đã giảm bình quân 9,2%/ năm. Về kết hôn cận huyết thống, có 31 trường hợp, giảm bình quân mỗi năm giảm 13,8%.

Riêng năm 2021, có 4 huyện gồm: Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang và Đông Giang hoàn thành báo cáo về số lượng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Cụ thể, trên địa bàn 4 huyện này có 71 trường hợp tảo hôn và 1 trường hợp hôn nhân cận huyết.

Cũng theo báo cáo từ Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn chủ yếu do nhiều nơi vẫn còn phong tục hứa hôn; sự hạn chế tiếp cận kiến thức pháp luật của đồng bào; việc thiếu trang bị kỹ năng sống, thông tin về sức khỏe sinh sản đối với học sinh miền núi; sự vào cuộc của chính quyền địa phương để ngăn chặn tình trạng này chưa mạnh mẽ, quyết liệt…

Trong 5 năm qua, tỉnh Quảng Nam đã đẩy mạnh truyền thông về Luật Hôn nhân và Gia đình, tổ chức các hội thi, sáng tác thơ, biểu diễn các tiểu phẩm về chủ đề phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; xây dựng các chuyên mục tuyên truyền về hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên các phương tiện truyền thông; trình chiếu phim tư liệu cho người dân và học sinh ở vùng địa bàn dân tộc thiểu số xem nhằm thay đổi nhận thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Tại một số địa phương miền núi đã đưa nội dung phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào các hương ước, quy ước. Đơn cử như ở huyện Tây Giang, nhiều địa phương đã đưa tiêu chí "Nói không với tảo hôn, nói không với hôn nhân cận huyết" vào hương ước các dòng họ, quy ước thôn, khu dân cư; đồng thời thành lập các câu lạc bộ "Không sinh con thứ 3", "Không tảo hôn", "Gia đình hạnh phúc"…

Hay như tại huyện Nam Trà My, trước kia xảy ra nhiều trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Việc duy trì sĩ số ở Trường phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My luôn là một thách thức lớn bởi học sinh bỏ học do tảo hôn. Nhà trường đã phối hợp với Đài Truyền thanh và Truyền hình huyện Nam Trà My xây dựng phóng sự truyền hình về chính những học sinh của trường nghỉ học do tảo hôn trong những năm qua để chiếu trong các giờ ngoại khóa; tổ chức các hội thi, hội diễn tìm hiểu về chủ đề tảo hôn & hôn nhân cận huyết thống…, từ những hình ảnh thực tế sinh động đó đã tác động đến nhận thức của các em học sinh người dân tộc thiểu số.

Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu phấn đấu, từ nay đến năm 2025, giảm bình quân 3 - 5%/năm số cặp tảo hôn và 5 - 7%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống; Trên 90% cán bộ làm công tác dân tộc, nhất là ở cơ sở xã, thôn… phải được tiếp tục tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực, kỹ năng vận động tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm