Quảng Ninh: Các mô hình bảo vệ môi trường mang lại hiệu quả thiết thực

Lan Hương
02/11/2022 - 21:24
Quảng Ninh: Các mô hình bảo vệ môi trường mang lại hiệu quả thiết thực

Cán bộ Chi hội phụ nữ khu 2 thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn người dân trong việc phân loại rác thải tại gia đình

Góp phần thực hiện tiêu chí Môi trường và thực hiện Đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa” giai đoạn 2020-2025, chi hội phụ nữ khu phố 2 thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh đã tham gia thực hiện mô hình “Phân loại rác thải tại hộ gia đình”, “Biến rác thành tiền”...

Phân loại rác thải tại hộ gia đình

Những năm qua, việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường được Chi hội phụ nữ khu 2, thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh quan tâm, vào cuộc tích cực. Vai trò của phụ nữ trong bảo vệ môi trường ngày càng thể hiện rõ nét hơn, vừa tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, bảo vệ sức khỏe gia đình và cộng đồng, vừa tiết kiệm nhiều chi phí từ rác thải.

Quảng Ninh: Hội phụ nữ cơ sở thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường đạt hiệu quả - Ảnh 1.

Ra mắt mô hình tự quản “Phân loại rác thải tại hộ gia đình” tại Cô Tô

Mới đây Chi hội phụ nữ khu 2 đã triển khai mô hình "Phân loại rác thải tại hộ gia đình" tại tuyến đường 23/3 - khu 2, thị trấn Cô Tô. Thực hiện mô hình gồm 30 hộ gia đình, mỗi gia đình được hỗ trợ mua 02 thùng rác, một thùng đựng rác hữu cơ, một thùng đựng rác vô cơ. Mỗi một cặp thùng đựng rác được Hội LHPN thị trấn hỗ trợ 50% chi phí.

Trong quá trình thực hiện mô hình, cán bộ hội từ huyện đến cơ sở luôn giám sát, đôn đốc từng hộ dân trong việc phân loại rác thải và áp dụng quy trình xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón. Thành lập mô hình gồm 03 thành viên có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc phân loại của các gia đình và việc thu gom của công ty môi trường.

Quảng Ninh: Hội phụ nữ cơ sở thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường đạt hiệu quả - Ảnh 2.

Cán bộ Chi hội phụ nữ khu 2 hướng dẫn người dân trong việc phân loại rác thải tại gia đình

Ban đầu một số hộ gia đình cũng chưa biết cách phân loại rác, nhưng sau khi được hướng dẫn các hộ đã phân loại đúng. Các hộ cũng rất đồng thuận với chủ trương của huyện.

Chị Lê Thị Hải, khu 2, thị trấn Cô Tô phấn khởi chia sẻ thêm: "Các hộ chúng tôi hào hứng bắt tay vào làm ngay bởi mô hình dễ làm, mang lại lợi ích cho chính mình. Hàng ngày, tôi chú trọng quét dọn nhà cửa, thu gom các loại rác hữu cơ như lá cây, các loại rác sau khi chế biến thức ăn cho vào một thùng. Các loại rác nhựa bán ve chai và rác thủy tinh gom lại ở một góc riêng để không gây hại cho các thành viên trong gia đình."

Mô hình được đưa vào thực hiện bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Mô hình dần đi vào nề nếp, hiện trong khu dân cư không còn rác thải bừa bãi. Cán bộ huyện, xã, khu cũng đã tuyên truyền để toàn dân thực hiện và có kế hoạch cụ thể chuẩn bị nhân rộng mô hình ra cả khu dân cư.

Quảng Ninh: Hội phụ nữ cơ sở thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường đạt hiệu quả - Ảnh 3.

Mô hình “Phân loại rác thải tại hộ gia đình”

Chị Lương Thị Huyền - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu 2 chia sẻ: "Mô hình phân loại rác thải tại hộ gia đình giúp giảm sự ô nhiễm môi trường, tiết kiệm được nhiều khoản chi phí như thu gom, vận chuyển và xử lý. Việc phân loại rác tại nhà còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, giúp cho cảnh quan ngày càng xanh, sạch, đẹp."

Biến rác thành tiền

Những năm qua chi hội phụ nữ khu phố 2 cũng đã tích cực triển khai mô hình "Biến rác thành tiền" góp phần giảm lượng rác thải ra môi trường, đồng thời có nguồn quỹ để hỗ trợ trẻ em, hội viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Chị Lương Thị Huyền cho biết: "Mô hình 'Biến rác thành tiền' đã mang lại hiệu quả thiết thực và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong từng cụm dân cư. Không chỉ góp phần nâng cao nhận thức và hành động của chị em trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, mà hoạt động này còn giúp chị em phụ nữ trong chi hội gắn kết hơn."

Mô hình "Biến rác thành tiền" thành lập từ tháng 5/2022 với 50 thành viên tham gia, đến nay đã thu hút được tất cả hội viên trong chi hội cùng hưởng ứng.

Sau một thời gian hoạt động, mô hình đã thực sự phát huy hiệu quả. Ý thức, trách nhiệm tham gia bảo vệ môi trường của người dân ngày càng được nâng lên; tình trạng xả rác thải bừa bãi ra các trục đường nội thôn, ven sông, ven biển như trước đây đã được hạn chế.

Mô hình hoạt động mỗi tháng một lần vào ngày cố định. Trung bình một tháng, nguồn quỹ thu được từ bán phế liệu đạt khoảng 1 triệu đồng.

Quảng Ninh: Hội phụ nữ cơ sở thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường đạt hiệu quả - Ảnh 4.
Quảng Ninh: Hội phụ nữ cơ sở thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường đạt hiệu quả - Ảnh 5.

Chị em thu gom, phân loại phế liệu, vỏ chai, vỏ lon

Đến nay cơ sở Hội đã xây dựng được nguồn Quỹ hơn 10 triệu đồng từ mô hình "Biến rác thành tiền". Số tiền thu được dùng để triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực, nhân văn trong đời sống cộng đồng, như: Thăm hỏi chị em phụ nữ ốm đau, bệnh tật; mua quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, hoặc giúp vốn cho chị em phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống… Hội đã giúp 2 chị em trong chi hội có vốn phát triển kinh tế, giúp em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn có tiền ăn học.

Để phát huy hiệu quả các mô hình bảo vệ môi trường, thời gian tới, chi hội Phụ nữ khu 2 tiếp tục duy trì mô hình tại các hộ hiện có, đồng thời khuyến khích người dân cùng tham gia thực hiện để góp phần thực hiện, hoàn thành tốt các chủ trương của huyện Huyện Cô Tô không có rác thải nhựa.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm