Quảng Trị: Đẩy mạnh phòng, chống bạo lực gia đình gắn với hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Phương Thiện
02/12/2022 - 15:01
Quảng Trị: Đẩy mạnh phòng, chống bạo lực gia đình gắn với hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Mô hình nhóm “Tiết kiệm vốn vay thôn bản” vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Quảng Trị

Trong những năm qua, các cấp Hội LHPN Quảng Trị xác định xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em là một nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động Hội. Hội đã đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình gắn với hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Trong 5 năm qua, các cấp Hội LHPN Quảng Trị đã tuyên truyền nâng cao nhận thức, để từng bước đưa các nội dung các Luật, văn bản dưới luật về xây dựng gia đình đi vào cuộc sống của hội viên phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Hội đổi mới hình thức tuyên truyền sân khấu hóa đến đồng bào Vân Kiều, Pa Kô để dễ hiểu, dễ nhớ; tổ chức Hội thi "Tìm hiểu luật phòng, chống bạo lực gia đình, 25 hội thi/diễn đàn "Chung tay phòng chống tảo hôn", diễn đàn giao lưu "Vì một cộng đồng không bạo lực" và trưng bày bộ sản phẩm "Nước mắt cười"... tại huyện miền núi Hướng Hóa.

Quảng Trị: Đẩy mạnh phòng, chống bạo lực gia đình gắn với hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Hội LHPN Quảng Trị xác định xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em là một nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động Hội

Mô hình câu lạc bộ được các cấp Hội xác định là mô hình chủ đạo trong việc tuyên truyền, vận động thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình cho đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Hội đã xây dựng 16 CLB gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 với 500 thành viên tham gia; xây dựng 3 nhà tạm lánh tại thư viện phụ nữ xã Tân Thành và Hướng Tân (huyện Hướng Hóa), xã Mò Ó (huyện Đakrông) với tổng kinh phí trên 1,6 tỷ đồng.

Quảng Trị: Đẩy mạnh phòng, chống bạo lực gia đình gắn với hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Truyền thông về chăm sóc sức khỏe, phòng chống bạo lực gia đình tại xã A Ngo, huyện ĐaKrông

Qua khảo sát, 60% các vụ bạo lực gia đình có nguyên nhân từ kinh tế. Các cấp Hội đã vận động nguồn lực, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống và nâng cao địa vị kinh tế của người phụ nữ trong gia đình. Trong đó, đã nhân rộng 418 nhóm tiết kiệm vốn vay thôn bản với 7.517 hội viên tham gia tại 27 xã, phường thị trấn; tranh thủ kết nối các nguồn lực từ Ngân hàng chính sách xã hội và vốn các dự án phi chính phủ để cho chị em vay, dư nợ đến nay 1.885,589 tỷ đồng để hỗ trợ cho 68.106 lượt hội viên, phụ nữ vay.

Trong 5 năm qua, Hội LHPN các huyện có đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp đỡ 15.323 lượt hộ phụ nữ nghèo, đã có 723 lượt hộ phụ nữ nghèo chủ hộ thoát nghèo.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn được triển khai theo hướng gắn với các sản phẩm có khả năng phát triển thành sản phẩm chủ lực của tỉnh như: Phối hợp với Trung tâm dạy nghề, ngành nông nghiệp mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, đào tạo nghề cho 9.982 hội viên, phụ nữ, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo chiếm 80%. Phối hợp với ngành Lao động - Thương binh & Xã hội và các đơn vị tư vấn xuất khẩu lao tổ chức tập huấn chính sách vay vốn giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động cho 100 cán bộ, hội viên phụ nữ và con em trên địa bàn xã Lìa, huyện Hướng Hóa và xã Tà Long, huyện Đakrông; vận động 178 con em của hội viên, phụ nữ tham gia đi xuất khẩu lao động.

Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Quảng Trị vừa tổ chức lớp tập huấn triển khai các nội dung Dự án 8

Chị Nguyễn Thị Quế Phượng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Quảng Trị tin tưởng rằng, với sự nỗ lực, tích cực của cán bộ, hội viên phụ nữ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền, Dự án 8 "Bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em gái" vùng dân tộc thiểu số và miền núi sẽ được Hội LHPN tỉnh triển khai một cách nghiêm túc, khoa học, hiệu quả, tác động toàn diện làm thay đổi căn bản thực trạng bạo lực gia đình, rút ngắn khoảng cách giới, tiến tới bình đẳng giới, tăng quyền năng kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phát triển kinh tế - xã hội của phụ nữ tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới ngày càng khởi sắc, giữ gìn an ninh biên giới, chủ quyền biên giới quốc gia.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm