pnvnonline@phunuvietnam.vn
Quảng Trị: Hội LHPN tỉnh tích cực tuyên truyền giảm tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Bức tranh được các em học sinh trong CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) vẽ tại buổi sinh hoạt có nội dung chống tảo hôn do Hội LHPN tỉnh Quảng Trị tổ chức
Ở thôn La Hót, xã A Bung, huyện Đakrông, cặp vợ chồng Hồ Thị Trình và Hồ Xuân Thân lấy nhau khi mới học lớp 9. Vừa tròn 15 tuổi, Trình đã mang thai và về làm dâu nhà Thân. Cuộc sống của cặp vợ chồng trẻ quanh quẩn ở nương rẫy, làm thuê làm mướn và cũng không có sự chuẩn bị gì cho tương lai của đứa trẻ sắp chào đời.
"Em với vợ tự nguyện yêu nhau, Trình có bầu nên phải cưới thôi không có làng phạt vạ. Em vừa nghỉ học để đi làm thuê, phải kiếm tiền nuôi vợ con chứ" - Thân cười ngượng chia sẻ.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều cặp vợ chồng người Pa Cô tại Quảng Trị lấy nhau ở cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới". Hai bàn tay trắng, kiến thức không vững vàng, cuộc sống hôn nhân phía trước của các em đầy rẫy những thách thức, mang theo cả nỗi lo cho những gia đình vốn nghèo nay lại thêm gánh nặng.
Nhiều năm qua, tỉnh Quảng Trị đã quyết liệt triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS" trên địa bàn, tuy nhiên kết quả thu được không như mong đợi.
Theo số liệu thống kê của huyện Đakrông, giai đoạn 2016 - 2021, toàn huyện có 484 cặp tảo hôn, trong đó có 81,5% là nữ giới; 9 cặp hôn nhân cận huyết thống. Huyện Hướng Hóa năm 2021 có 122 cặp tảo hôn, trong đó có 5 cặp tảo hôn cả vợ và chồng. Một số địa phương vẫn đang còn e ngại khi báo cáo thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nên số liệu báo cáo còn thấp hơn nhiều so với thực tế.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn còn phổ biến là do: nhiều gia đình muốn con lấy vợ, lấy chồng sớm để có thêm lao động; tình trạng nghèo đói, thất học, thiếu hiểu biết pháp luật và đặc biệt hiện nay, tình trạng quen biết trên mạng dẫn đến nhiều trẻ vị thành niên có quan hệ tình dục sớm và có thai ngoài ý muốn, dẫn đến việc làm cha mẹ ở tuổi học trò.
Để giải quyết tình trạng này, trong thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành trong tỉnh biên soạn cung cấp tài liệu, sản phẩm truyền thông, đồng thời tổ chức tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình trong vùng DTTS.
Theo đó, Hội LHPN các cấp trong tỉnh, đặc biệt là các huyện miền núi cũng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động để thay đổi hành vi của đồng bào DTTS về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống như: Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, giao lưu văn hóa, lễ hội, sân khấu hóa.
Tại một số địa phương như huyện Đakrông, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể xây dựng các nhóm giải pháp để nâng cao nhận thức cho người dân về Luật Hôn nhân và Gia đình, thực hiện các mô hình can thiệp để ngăn ngừa nguy cơ kết hôn sớm, xây dựng và phát động ký hương ước, quy ước thôn không tảo hôn; qua đó, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
Hay tại huyện Hướng Hóa, UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành tích cực vào cuộc thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống với mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, toàn huyện giảm bình quân 10-15%/năm số cặp tảo hôn đối với địa bàn có tỷ lệ tảo hôn cao và đến năm 2025 phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn trong vùng DTTS.
Hiện nay, câu lạc bộ "Trẻ em gái" với hơn 500 thành viên trên địa bàn huyện tham gia được tổ chức sinh hoạt định kỳ 1 tháng một lần, tập huấn về quy trình các bước tổ chức sinh hoạt và các kỹ năng cần thiết để các em mạnh dạn, tự tin và có thể tự điều hành các buổi sinh hoạt theo các chủ đề về giáo dục kiến thức, sức khỏe chăm sóc vệ sinh cá nhân, kiến thức sức khỏe sinh sản, kỹ năng sống. Với những hoạt động thiết thực, bổ ích đó, CLB thực sự trở thành sân chơi bổ ích, giúp cho các em gái vùng khó khăn có được những kiến thức cơ bản, phát triển toàn diện, hài hòa về thể chất, tinh thần và trí tuệ.
Bên cạnh đó, các huyện tăng cường tư vấn, can thiệp, nghiên cứu ứng dụng, nhân rộng các mô hình, bài học kinh nghiệm phù hợp từ các tỉnh để người dân thay đổi hành vi, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và sự tham gia của cộng đồng trong việc ngăn ngừa nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Cùng với các mô hình sinh hoạt, Hội LHPN tỉnh luôn yêu cầu các địa phương chú trọng phát huy vai trò của các hội đoàn thể, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để tạo được sự đồng thuận của bà con trong quá trình dân vận. Khi thay đổi được nhận thức và hành động, chất lượng dân số và nguồn nhân lực DTTS sẽ được cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.