Nhức nhối nạn tảo hôn ở Điện Biên Đông

Ái Vân
06/07/2023 - 12:41
Nhức nhối nạn tảo hôn ở Điện Biên Đông

Cán bộ dân số kế hoạch hóa gia đình tư vấn về sức khỏe sinh sản cho vợ chồng em Thào Thị May

Không có kế sinh nhai, cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào sự chu cấp của bố mẹ, thiếu kiến thức sinh sản... đó là những vấn nạn mà các học sinh ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên đang gặp phải do tảo hôn.

Làm mẹ ở tuổi 14

Vừa học xong lớp 9 trường PTCS Bán trú xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông, em Sùng A Vàng, trú ở bản Phì Như B, xã Phì Nhừ đã bỏ học lấy vợ khi vừa tròn 15 tuổi. Vợ của Vàng là Sùng Thị Sinh đang học lớp 8 trường PTDT Bán trú THCS xã Phu Nhi. Hiện nay hai vợ chồng em chưa đăng ký kết hôn vì chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật.

Còn quá trẻ, không có đất sản xuất, hai vợ chồng Vàng phụ thuộc hoàn toàn vào sự chu cấp của bố mẹ. Hiện hai vợ chồng Sinh ngày ngày lên nương cùng bố mẹ trồng ngô, phát rẫy, chăn nuôi lợn gà... Vàng chia sẻ: "Lúc em đang học lớp 8 thì sang xã bên chơi, gặp vợ em bây giờ, vì thích vợ quá, sợ vợ bị người khác lấy mất nên em bỏ học "bắt vợ" về nhà luôn".

Nhức nhối nạn tảo hôn ở Điện Biên Đông - Ảnh 1.

Lãnh đạo xã đến thăm và phổ biến pháp luật cho gia đình vợ chồng Sùng Thị Sinh

Vừa bước sang tuổi 14, cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, em Thào Thị Sình, bản Phì Nhừ B đã chuẩn bị làm mẹ. Do còn quá trẻ, chưa có kiến thức về sức khỏe sinh sản, dù có bầu được 5 tháng, Sình vẫn không biết bổ sung dinh dưỡng gì cho mẹ và bé. Hàng ngày, em vẫn lên rừng trồng sắn, chặt củi, bẻ măng, lo 3 bữa cơm qua ngày. "Nếu bây giờ đẻ con em cũng chưa biết cách chăm sóc con", em Sùng Thị Sình chia sẻ.

Còn em Thào Thị May, ở bản Háng Phu Si, xã Phì Nhừ, mới 18 tuổi mà đã làm mẹ của đứa trẻ 16 tháng tuổi và đang mang thai đứa thứ hai. Chồng May hơn em 1 tuổi, là con trai cả trong một gia đình nghèo, đang học lớp 10 thì bỏ giữa chừng về nhà lấy vợ để có thêm lao động.

Thào A Mùa, chồng của May cho chúng tôi biết, do gia đình neo người, em không còn mẹ, không có người lên nương, lên rẫy nên em phải bỏ học về lấy vợ, để có người nuôi bà và các em. Nhìn mọi người đi học em cũng thích nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em không thể theo học được.

Trường PTDT bán trú THCS xã Phì Nhừ hiện có hơn 400 em học sinh, để hạn chế mức thấp nhất học sinh bỏ học giữa chừng về lấy vợ, lấy chồng, Ban Giám hiệu nhà trường đã đẩy mạnh tuyên truyền về kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, Luật Hôn nhân và gia đình, hệ lụy của tảo hôn cho học sinh nhà trường, tổ chức ký cam kết giữa phụ huynh và học sinh không nghỉ học để lấy vợ, lấy chồng nhất là sau khi nghỉ hè, hoặc nghỉ Tết Nguyên đán.

Năm học 2021 - 2022, trường THDT Bán trú THCS xã Phì Nhừ có 13 trường hợp nghỉ học để lấy vợ, lấy chồng ở ngoài địa bàn xã. Trong đó, khối lớp 8 có 4 em và khối lớp 9 có 9 em. Năm học 2022 - 2023 có 3 em nghỉ học để lấy chồng. Khi phát hiện các em có biểu hiện quan hệ yêu đương, nhà trường cũng đã giáo dục các em, gọi phụ huynh học sinh đến để ký cam kết không xảy ra tình trạng bỏ học lấy chồng và vận động các em hạn chế chuyện tình cảm, tập trung vào học, đừng để xảy ra tình trạng tảo hôn.

Nhức nhối nạn tảo hôn ở Điện Biên Đông - Ảnh 2.

Bản Phì Như B, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên

Hiệu quả tuyên truyền vẫn còn rất nhiều hạn chế

Theo số liệu thống kê của UBND xã Phì Nhừ, mỗi năm, trung bình có từ 30 đến 35 cặp vợ chồng tảo hôn. Riêng năm 2022, địa phương này có tới 40 trường hợp tảo hôn, nằm ở độ tuổi trung bình từ 14 đến 16 tuổi, thậm chí có em mới 12 tuổi. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, giảm chất lượng dân số mà trực tiếp làm cho đời sống của những ông bố, bà mẹ trẻ trở nên vất vả, khổ cực hơn. Nguyên nhân chính dẫn đến câu chuyện buồn này vẫn do điều kiện sống của người dân còn nghèo khó, phong tục tập quán lạc hậu, trình độ nhận thức còn hạn chế, quan niệm lấy vợ để có thêm lao động cho gia đình, mặt khác việc quản lý con em chưa chặt chẽ, khiến cho tình trạng tảo hôn vẫn là bài toán khó giải.

Ông Phan Đắc Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên  cho biết, xã đã tích cực tuyên truyền từ trong nhà trường, các buổi học ngoại khóa. Đối với những trường hợp vi phạm, cán bộ xã đến tận gia đình tuyên truyền và giải thích cho họ hiểu về Luật Hôn nhân, về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nếu không chấm dứt sẽ tiến hành xử phạt hành chính, xử lý theo pháp luật. Xã cũng triển khai đến các hộ gia đình ký cam kết việc không cho con em tảo hôn trong gia đình.

Tình trạng tảo hôn diễn ra ở hầu khắp các xã, bản vùng cao của huyện Điện Biên Đông. Theo số liệu thống kê, năm 2022 ở huyện Điện Biên Đông có 215 trường hợp tảo hôn. Trong đó có 23 trường hợp ở xã  Tìa Dình, 21 trường hợp ở xã Keo Lôm, 44 trường hợp ở Phìng Dàng hợp, Sa Dung 29 và xã Phì Như là 40 trường hợp. Nguyên nhân chính của nạn tảo hôn ở Điện Biên Đông, chính là chưa loại bỏ hết những hủ tục lạc hậu trong đời sống đồng bào. Song điều này cũng cho thấy, hiệu quả tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật vẫn còn rất nhiều hạn chế, chưa có tác dụng răn đe, hơn thế nữa việc ngăn chặn tình trạng tảo hôn mới dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động vì nhiều lý do mà chưa xử lý vi phạm đối với các đối tượng đúng với các  quyết định của pháp luật, chính điều này làm cho câu chuyện tảo hôn ở Điện Biên Đông diễn ra liên tục và vẫn chưa biết khi nào mới có hồi kết.

Ông Trần Đức Trọng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Điện Biên Đông, cho biết, năm 2023, phòng đã triển khai xây dựng được 15 pa-nô, áp phích đạt tại trung tâm các xã, thị trấn, đồng thời phối hợp với các phòng ban liên quan như Phòng Tư pháp phát tờ rơi tại các hội nghị, tuyên truyền tại các thôn, bản của các xã có tỷ lệ tảo hôn cao. Lồng ghép tuyên truyền để bà con nâng cao nhận thức về giới tính, về vai trò của người phụ nữ trong xã hội thì lúc này vấn đề tảo hôn sẽ được bà con nhận biết nhiều hơn.

Tảo hôn dẫn tới thiếu ăn, thiếu mặc, trẻ em sinh ra không được chăm sóc đầy đủ về y tế, văn hóa, tinh thần là chuyện tất yếu. Câu chuyện buồn sẽ còn tiếp diễn nếu không có sự vào cuộc thực sự của hệ thống chính trị và người dân Điện Biên để thay đổi tư duy và nhận thức của người dân vùng cao, xóa bỏ hết các hủ tục lạc hậu đã ăn sâu vào tiềm thức của họ, hướng tới cuộc sống văn minh, tươi đẹp. Để ngoài việc hỗ trợ về phát triển kinh tế thay đổi cuộc sống cho người dân thì chính quyền và nhân dân của huyện Điện Biên Đông cũng phải nỗ lực từng bước để chuyện kết hôn không phải là sớm hay muộn mà sẽ là hạnh phúc, ấm no khi về chung một nhà.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm