pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bắc Kạn: Vận động, tuyên truyền để giảm thiểu nạn tảo hôn và sinh con tại nhà
Chị em dân tộc thiểu số nhiệt tình tham gia các hoạt động của Hội
Bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn - cho biết: Trong 4 tháng đầu năm nay, trên địa bàn huyện đã có 7 cặp vợ chồng sinh con thứ 3; 4 trường hợp sinh con tại nhà và 3 trường hợp tảo hôn. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng một số học sinh bỏ học.
Những vấn đề này tập trung chủ yếu trong đồng bào dân tộc Mông ở Pác Nặm. Giai đoạn 2018 - 2021, trên địa bàn xã Cổ Linh (huyện Pác Nặm) có hàng chục trường hợp tảo hôn và nhiều trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, trong đó có hơn 10 ca tự sinh con tại nhà.
Trước thực trạng đó, Hội LHPN xã Cổ Linh đã chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành chức năng ở địa phương tích cực đến các hộ gia đình, Chi hội phụ nữ để tuyên truyền, vận động.
Tuy nhiên, vẫn còn một số lý do dẫn tới còn nhiều trường hợp phụ nữ dân tộc thiểu số ở đây đã không đến cơ sở y tế để sinh đẻ an toàn như do đường xá xa xôi, sản phụ thường ngại đến trạm xá để sinh con; do hoàn cảnh khó khăn, không có kinh phí để đi sinh con hoặc thấy con được tiêm vaccine phòng bệnh thường bị sốt sẽ vất vả trong quá trình chăm sóc con…
"Năm 2017, tại Cổ Linh đã có 1 trường hợp sản phụ người dân tộc Mông tự sinh con tại nhà, do sinh khó, cán bộ y tế xã phát hiện muộn nên khi đưa đến trạm y tế xã đã tử vong. Do đó, bản thân chị em phụ nữ mang thai cần nâng cao ý thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, đến cơ sở y tế thăm khám định kỳ và sinh con để được hỗ trợ, giúp đỡ an toàn cho cả mẹ và con.
Bên cạnh đó, nạn tảo hôn vừa vi phạm quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, vừa chịu ảnh hưởng các hệ lụy như vợ chồng còn trẻ, thiếu kinh nghiệm về sức khỏe sinh sản, thiếu kinh nghiệm trong tổ chức, xây dựng gia đình hạnh phúc, thiếu kinh nghiệm chăm sóc con, con sinh ra hay bị mắc nhiều bệnh tật. Vì vậy, các bậc cha mẹ và các em tuổi vị thành niên cần nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân thực hiện đúng quy định của pháp luật và nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình", bà Tuyết Thanh nhấn mạnh.
Trong những năm qua, nhằm giảm bớt những vấn đề còn tồn tại ở địa phương có liên quan đến phụ nữ và trẻ em, Hội LHPN các cấp tỉnh Bắc Kạn cũng như huyện Pác Nặm luôn tích cực triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ xây dựng mô hình gia đình ấm no, hạnh phúc.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các cấp Hội vẫn gặp phải một số khó khăn như do trình độ dân trí thấp, đồng bào dân tộc Mông sống ở vùng cao vẫn còn duy trì một số quan niệm, tập tục như phải sinh được con trai, sinh nhiều con. Điều kiện kinh tế của đa số gia đình người Mông còn khó khăn, muốn con ở nhà phụ giúp công việc trong gia đình, không hợp tác với nhà trường để giáo dục con cháu nên đã khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động trẻ đi học.
Việc duy trì bền vững các mô hình còn gặp khó khăn, do không có kinh phí, một số hội viên đi làm xa không có mặt tại địa phương nên khó tiếp cận công tác tuyên truyền…
Để tiếp tục giúp trẻ em gái và phụ nữ giảm thiểu ảnh hưởng do các vấn đề trên mang lại, theo Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn, các cấp Hội tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, Trường THPT, Trường THCS bán trú tổ chức truyền thông nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, kỹ năng sống, định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh. Tổ chức các hoạt động tập huấn, truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ...
Đặc biệt, việc triển khai có hiệu quả Dự án 8 trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số số giai đoạn 2021 - 2030 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", các cấp Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn đã và sẽ tăng cường công tác tuyên truyền của các nhóm truyền thông cộng đồng nhằm giảm thiểu vấn đề sinh con thứ 3, sinh con tại nhà và nạn tảo hôn…