pnvnonline@phunuvietnam.vn
Quảng Trị: Xây dựng xã hội công bằng, an toàn hơn cho phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số

Những hoạt động truyền thông đã góp phần thay đổi định kiến giới, phòng chống bạo lực gia đình tại vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Trị
Khởi đầu trách nhiệm, triển khai bài bản
Ngay từ năm 2022, UBND tỉnh Quảng Trị đã giao Hội LHPN tỉnh chủ trì thực hiện Dự án 8. Sự tin tưởng này thể hiện vai trò trung tâm của tổ chức Hội trong việc thúc đẩy bình đẳng giới tại địa phương. Bộ máy điều hành Dự án được tổ chức chặt chẽ từ tỉnh đến huyện, trong đó UBND 4/5 huyện giao Hội LHPN huyện chủ trì thực hiện, huyện Hướng Hóa thực hiện đồng chủ trì với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội. Sự phối hợp liên ngành, đa cấp giữa các đơn vị chính quyền, tổ chức xã hội đã tạo nền tảng vững chắc cho Dự án triển khai hiệu quả.
Đáng chú ý, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã ban hành 14 văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, thể hiện sự chủ động trong điều hành. Các huyện lồng ghép nội dung Dự án vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cho thấy Dự án 8 không hoạt động tách biệt mà được đặt trong dòng chảy phát triển chung của tỉnh.

171 "Tổ truyền thông cộng đồng" được thành lập đã trở thành cầu nối hiệu quả giữa chính sách và người dân
Một trong những thành quả nổi bật của Dự án 8 là công tác truyền thông cộng đồng được đẩy mạnh với nhiều cách làm mới. 171 "Tổ truyền thông cộng đồng" đã được thành lập, thu hút hơn 1.500 thành viên là những người cốt cán, có uy tín tại thôn bản. Thông qua các hình thức linh hoạt như sân khấu hóa, họp thôn, thăm hộ gia đình,… các tổ truyền thông trở thành cầu nối hiệu quả giữa chính sách và người dân, góp phần thay đổi những định kiến giới, phòng chống bạo lực gia đình, bài trừ hủ tục như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Chiến dịch truyền thống về bình đẳng giới tại huyện Hướng Hoá
Các chiến dịch truyền thông quy mô cấp huyện và xã đã tạo không khí sôi nổi, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ, trẻ em và người dân vùng đồng bào DTTS tham gia. Nhiều cuộc thi sáng tạo, liên hoan, diễn đàn đã được tổ chức, trong đó nổi bật là cuộc thi "Lắng nghe con nói" năm 2023. Tác phẩm "Niềm vui của em" - tranh vẽ của nhóm học sinh Trường THCS nội trú Đakrông, đạt giải đặc biệt cuộc thi toàn quốc, cho thấy tiếng nói của trẻ em gái dân tộc thiểu số đã được lắng nghe và trân trọng.
Nâng cao quyền năng kinh tế
Song song với công tác tuyên truyền, Dự án 8 đặc biệt chú trọng đến nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Hội LHPN tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng kinh doanh, tiếp cận thị trường, bán hàng trực tuyến, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Các mô hình sinh kế tiêu biểu như HTX nông nghiệp sinh thái Tây Thạch Hãn, Tổ hợp tác (THT) chuối lùn Tà Rụt, THT chế biến măng, THT Đan lát… đã được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và kết nối thị trường.

Hội LHPN xã Tà Long giới thiệu nông sản được sản xuất trên địa bàn - Ảnh: V.T.H
Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp tại huyện Gio Linh là một trong những điểm nhấn đáng nhớ, quy tụ gần 100 sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Đây vừa là sân chơi để phụ nữ giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm vừa là cơ hội để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm vùng cao, từng bước nâng cao thu nhập cho gia đình.
Nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em trước các hành vi bạo lực, Dự án đã thành lập 54 "Địa chỉ tin cậy" tại các xã vùng dự án. Những địa điểm này được trang bị cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ được tập huấn kỹ năng hỗ trợ nạn nhân, phòng ngừa và giải quyết mâu thuẫn gia đình. Các địa chỉ tin cậy là nơi truyền thông, tiếp nhận, giúp người dân biết cách tự bảo vệ và tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần thiết.
Một điểm nổi bật khác là mô hình Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" được triển khai tại 29 điểm trường và cộng đồng với gần 900 thành viên tham gia. Các em được tập huấn kỹ năng lãnh đạo, giải quyết tình huống, phòng chống xâm hại, bạo lực học đường. Hoạt động giúp các em tự tin hơn, nhiều em còn chủ động góp ý với thầy cô, trở thành nhân tố tích cực lan tỏa thông điệp bình đẳng giới trong trường học và xã hội. Việc kết hợp các nguồn lực từ các tổ chức tại địa phương cùng thực hiện mô hình này giúp các CLB thực hiện thường xuyên, liên tục, phát huy hiệu quả tốt hơn.
Dự án 8 cũng chú trọng đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho cán bộ nữ DTTS. Các lớp học kỹ năng lãnh đạo, phân tích và lồng ghép giới giúp chị em tự tin, nhất là cán bộ nữ DTTS tự tin hơn khi tham gia vào các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị. Nhiều chuyến học tập kinh nghiệm tại các tỉnh bạn đã mở ra góc nhìn mới cho đội ngũ cán bộ trẻ.
Đặc biệt, công tác huy động nguồn lực hỗ trợ phụ nữ và trẻ em vùng DTTS đạt kết quả ấn tượng. Thông qua chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế với tổng giá trị vận động đã đạt hơn 5,8 tỷ đồng. Số tiền này được dùng để hỗ trợ sinh kế, học tập và cải thiện điều kiện sống cho phụ nữ, trẻ em nghèo vùng cao.
Bên cạnh những kết quả đáng tự hào, Dự án 8 tại Quảng Trị cũng đối mặt với không ít khó khăn. Một số xã đạt chuẩn nông thôn mới không còn là địa bàn dự án, dẫn đến thu hẹp phạm vi tác động. Việc giải ngân và thanh quyết toán còn chậm, định mức chi tiêu chưa phù hợp với thực tế. Nhiều mô hình triển khai hiệu quả nhưng khó duy trì lâu dài vì thiếu ngân sách địa phương. Đặc biệt, công tác truyền thông cần lặp lại để chuyển biến nhận thức, nhưng kinh phí chỉ cho phép thực hiện một lần. Cán bộ cơ sở đôi khi còn lúng túng trong quản lý dự án, nhất là khi văn bản hướng dẫn liên tục thay đổi. Người dân dù đã có tiến bộ rõ rệt, song vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi định kiến và tập quán lạc hậu.
Nhìn lại chặng đường từ năm 2022 đến nay, Dự án 8 tại Quảng Trị đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng xã hội công bằng, an toàn hơn cho phụ nữ và trẻ em DTTS. Những thay đổi từ nhận thức đến hành động đang lan tỏa rộng khắp, truyền cảm hứng và niềm tin về một tương lai tươi sáng, nơi tiếng nói của phụ nữ và trẻ em được tôn trọng và bảo vệ.
Với sự đồng lòng của các cấp Hội, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội và sự tham gia tích cực của người dân, Dự án 8 tại Quảng Trị hứa hẹn sẽ tiếp tục chắp cánh cho những ước mơ bình đẳng, đưa phụ nữ và trẻ em DTTS tiến xa hơn trên hành trình phát triển bền vững.
3 mục tiêu trọng tâm trong giai đoạn tới
Bước vào giai đoạn tiếp theo, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị xác định tiếp tục tập trung vào một số mục tiêu trọng tâm:
- Trước hết là nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số - nơi mà định kiến giới, hủ tục vẫn còn hiện hữu. Chúng tôi sẽ tăng cường đổi mới phương pháp truyền thông, tận dụng công nghệ và mạng xã hội để lan tỏa thông điệp bình đẳng giới đến nhiều đối tượng hơn.
- Thứ hai, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị tiếp tục phát triển và nhân rộng các mô hình hiệu quả, đồng thời tăng cường kết nối nguồn lực, phối hợp với các ngành, các tổ chức để cung cấp dịch vụ hỗ trợ toàn diện cho phụ nữ và trẻ em, nhất là nạn nhân của bạo lực gia đình, xâm hại.
- Thứ ba, chúng tôi sẽ tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Hội cơ sở vững mạnh, am hiểu địa phương, có kỹ năng làm việc với cộng đồng, để chủ động hơn trong triển khai các hoạt động của Dự án 8 cũng như các chương trình khác.
Bà Trần Thị Thanh Hà - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Trị

Hội nghị đối thoại chính sách chủ đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tổ chức tại xã Hướng Hiệp
Tiếng nói phụ nữ được lắng nghe
Để đảm bảo phụ nữ và trẻ em thực sự được tham gia vào quá trình phát triển, Dự án 8 tổ chức hơn 60 Hội nghị đối thoại chính sách từ cấp tỉnh đến thôn bản với hơn 6.000 người tham gia. Phụ nữ DTTS lần đầu tiên được mạnh dạn bày tỏ ý kiến, kiến nghị về các vấn đề như tảo hôn, bình đẳng giới, khởi nghiệp, học nghề, tín dụng, sản phẩm OCOP,... Những tiếng nói ấy không rơi vào khoảng trống mà được các cơ quan chức năng lắng nghe, giải đáp và đưa vào cân nhắc chính sách.