pnvnonline@phunuvietnam.vn
Quảng trường Vua Hùng rộn ràng Ngày Giỗ Tổ
Khi dịch bệnh được kiểm soát thì không khí lễ hội năm nay đã rộn ràng từ rất sớm.
Từ khi có Quảng trường Vua Hùng tại Công viên văn hóa Đầm Sen vào năm 2019, tín ngưỡng thờ Vua Hùng tại TPHCM càng được lan tỏa. Trước đây, du khách đến quảng trường chủ yếu để tham quan, chụp ảnh hoặc ngồi nghỉ ngơi nhưng khi Công viên văn hóa Đầm Sen đặt tượng và khánh thành quảng trường Vua Hùng thì du khách đến đây, mỗi người đều dâng một nén hương, sau đó mới tiếp tục tham quan.
Không chỉ người lớn tuổi mà còn những bạn trẻ, học sinh, sinh viên cũng ghé qua để kính cẩn nghiêng mình. Nhiều người gác lại công việc riêng, tề tựu về đây để dâng hương tri ân công đức các bậc tiền nhân. Đây cũng là một nét đẹp tại Công viên văn hóa Đầm Sen.
Chị Phan Vũ Phượng (TP Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ: "Cứ vào dịp Giỗ Tổ, vợ chồng tôi thường dẫn con cái vào Đầm Sen hoặc Thảo Cầm Viên để tham quan. Bởi lẽ, trong một ngày nghỉ, gia đình chỉ có thể đến địa điểm nội thành vui chơi. Đặc biệt, ở đây còn có lễ dâng hương được tổ chức trang trọng. Tôi muốn các con cùng tham gia với mọi người để hiểu thêm về văn hóa Việt, giáo dục đạo lý "uống nước nhờ nguồn" cho các con".
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Công viên văn hóa Đầm Sen phải tạm đóng cửa, người dân không thể đến dâng hương. Vậy nên, khi dịch bệnh được kiểm soát thì không khí lễ hội năm nay đã rộn ràng từ rất sớm.
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa, Phó giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Phú Thọ - đơn vị chủ quản của công viên văn hóa Đầm Sen, cho biết: Năm nay, Công viên văn hóa Đầm Sen tổ chức Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương với một số hoạt động như lễ dâng hương tại quảng trường vua Hùng từ 8h00 ngày 21/4/2021 (nhằm mùng 10/3 âm lịch). Chương trình gồm có nghi thức dâng hương, nghi thức dâng lễ vật (bánh chưng), nghi thức đọc chúc văn, tế võ, dâng hương của lãnh đạo, dâng hương của người dân.
"Với hoạt động này, chúng tôi mong muốn góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống và cội nguồn, về giữ gìn đạo đức, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Đồng thời, đây còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá với thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng ngàn năm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào ta", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ngoài ra, trong những ngày này, Đầm Sen còn tổ chức nhiều hoạt động vui nhộn trong công viên như show diễu hành với những nhân vật lịch sử, cà kheo dân gian, đờn ca tài tử. Hát và giao lưu với ban nhạc acoustic, cùng một số tiết mục ảo thuật đường phố do các nghệ sĩ chuyên nghiệp biểu diễn.
Đặc biệt, Công viên văn hóa Đầm Sen còn là địa điểm trưng bày các tác phẩm của Hội thi gói và nấu bánh chưng do Ủy ban MTTQVN quận 11 thực hiện. Trong ngày mùng 10/3 âm lịch, Đầm Sen trao tặng 1.000 bánh chưng cho những du khách đầu tiên đến đây.
Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, công tác phòng dịch luôn được ban tổ chức duy trì. Ông Nguyễn Xuân Nghĩa cho hay: "Công viên văn hóa Đầm Sen vẫn khuyến cáo du khách luôn tuân thủ quy tắc 5K của Bộ Y tế để phòng chống dịch Covid-19 qua hệ thống phát thanh nội bộ. Đặc biệt là các máy rửa tay xát khuẩn tự động đều đặt sẵn tại những khu vực tập trung để du khách sử dụng. Tại các quầy vé, chúng tôi cũng vẽ sẵn những vị trí đứng để du khách chủ động giữ khoảng cách khi xếp hàng".
Có lẽ, những ai trực tiếp tham dự lễ hội Giỗ Tổ tại đây đều trào dâng niềm tự hào dân tộc mãnh liệt. Họ càng thấm thía câu ca mà mỗi người con nước Việt vẫn luôn nhắc đến: "Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng Ba".
Người dân tại TPHCM còn có thể đến dâng hương trong Ngày Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương tại các địa điểm như: Đền thờ vua Hùng nằm tại Thảo Cầm Viên quận 1; Khu đền tưởng niệm các vua Hùng thuộc Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc, phường Long Bình, quận 9; Đền Hùng Vương tại đường Cô Giang, quận Phú Nhuận; Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương tại đường Đoàn Văn Bơ, quận 4.