Quấy rối tình dục chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính

Đinh Thu Hiền
24/02/2022 - 12:48
Quấy rối tình dục chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính

Hiện các hành vi quấy rối tình dục khá đa dạng và trên mọi đối tượng

Luật sư cho biết, hành vi quấy rối tình dục chưa được quy định trong Pháp luật hình sự Việt Nam, việc xử lý hành vi quấy rối tình dục mới chỉ dừng lại ở hình thức xử phạt vi phạm hành chính.

Sự việc mới đây dư luận rất quan tâm khi các nữ sinh tố cáo Ngô Hoàng Anh, du học sinh tại Pháp có các tin nhắn quấy rối tình dục. Vậy về mặt pháp luật, việc xử lý hành vi (nếu có) thì như thế nào? 

Quấy rối tình dục chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính - Ảnh 1.

Luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Đoàn Luật sư TPHCM. Ảnh: NVCC

Luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, quấy rối tình dục là sử dụng các hành vi, lời nói với người khác mà không được sự đồng thuận. Hiện nay, tình trạng quấy rối tình dục trong trường học đã tạo ra môi trường độc hại, ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của người liên quan. 

"Quấy rối tình dục được biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau: Dạng hành vi như sờ mó, tiếp xúc cơ thể, cấu véo, thậm chí tấn công, thủ dâm… Dạng lời nói: những lời nói khiếm nhã có ngụ ý về tình dục; đề nghị yêu cầu không mong muốn một cách liên tục… Dạng phi lời nói thể hiện dưới dạng ngôn ngữ cơ thể, không đúng đắn; phô bày tài liệu khiêu dâm… Khi các em nhận diện được các hành vi trên của bạn học hay của thầy giáo thì cần thực hiện việc tố giác: Gọi số đường dây nóng 111 về bảo vệ trẻ em để trình báo sự việc để được giúp đỡ hỗ trợ kịp thời, chia sẻ sự việc với bố mẹ và người thân, viết thư hoặc trình báo trực tiếp lên Ban giám hiệu nhà trường"", luật sư Đỗ Ngọc Thanh cho biết.

Cũng theo luật sư Thanh, Hiến pháp Việt Nam đã minh định: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm". Do đó, các hành vi phạm tội về xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người cần được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các người bị xâm phạm.

Tuy nhiên, hành vi quấy rối tình dục chưa được quy định trong Pháp luật hình sự Việt Nam, việc xử lý hành vi quấy rối tình dục mới chỉ dừng lại ở hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Căn cứ quy định tại Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì hành vi quấy rối tình dục bị xử lý như sau: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; và các hành vi Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình quy định tại Điều 54 Nghị định 144 2021. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục; Khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng; Buộc xin lỗi công khai trừ trường hợp nạn nhân có đơn không yêu cầu. Ngoài ra, hành vi quấy rối tình dục đã được quy định trong Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, cụ thể: Tại khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận.”

"Bộ luật Lao động có quy định như vậy, nhưng thực tế nạn nhân của các hành vi quấy rối tình dục xảy ra ở mọi đối tượng, mọi lúc, mọi nơi trong đời sống xã hội. Do đó, các nhà làm luật cũng cần hướng đến việc bổ sung tội danh “quấy rối tình dục” vào Bộ luật hình sự để bảo vệ quyền của con người"", luật sư Đỗ Ngọc Thanh cho biết. 

Luật sư Đỗ Ngọc Thanh cũng cho biết thêm: "Việc quấy rối tình dục không nhằm thoả mãn tình dục của người quấy rối, nên không xử lý hình sự được vì Luật chưa có quy định, kể cả nạn nhân là trẻ em. Đây là lỗ hổng pháp lý. Tuy nhiên, nếu hành vi quấy rối tình dục trẻ em mà đủ các dấu hiệu của tội dâm ô, thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi. Hành vi dâm ô thể hiện ở việc tiếp xúc cơ thể để tìm kiếm cảm giác khoái lạc. Đây cũng là một dạng của hành vi quấy rối, nhưng mục đích để thỏa mãn nhu cầu hay kích thích tình dục".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm