Vợ chồng bà Lụa, ông Mạnh |
Ở thôn 11, xã Hà Vinh, hiếm có gia đình nào nghèo khổ, bất hạnh như gia đình ông Nguyễn Văn Mạnh (SN 1966). Theo cách nói vui của người dân nơi đây, nhà ông Mạnh được xếp vào loại “nghèo bền vững”.
Nhà ông Mạnh tuềnh toàng, xộc xệch nằm giữa thôn 11 xã Hà Vinh. Hôm chúng tôi đến, dù gần trưa nhưng bà Nguyễn Thị Lụa (SN 1962), vợ ông Mạnh cùng cô con gái vẫn đang đi cắt cỏ thuê cho một gia đình trong làng.
Nhà vốn đã nghèo khó, 3 năm trước, tại họa lại ập xuống khi ông Mạnh bị tai biến. Khi ấy, tưởng ông Mạnh không qua được nên gia đình đã chuẩn bị mọi thứ để tiễn ông về bên kia thế giới. Tuy nhiên, như có phép nhiệm màu, ông Mạnh như từ cõi chết trở về.
Ông Mạnh dù đang thuôc diện hưởng trợ cấp dành cho người khuyết tật. Gia đình ông thuộc diện hộ nghèo nhưng riêng vụ chiêm năm 2016, nhà ông Mạnh phải đóng quĩ, phí của xã và thôn hơn 2,3 triệu đồng. |
Không chết nhưng cơn tai biến đã khiến chân ông Mạnh hóa tật, đi lại bước thấp bước cao, loi choi khổ sở. Đầu óc ông cũng chẳng được minh mẫn như xưa. Khi bình thường thì lành như cục đất nhưng khi lên cơn thì chẳng khác nào thú dữ. Ông có thể lang thang khắp đường làng ngõ xóm. Khi trong người “khó ở”, ông có thể gây gổ, đập phá, đuổi đánh bất cứ ai trong nhà.
Bà Lụa bảo, chồng bà giờ chẳng được bình thường nhưng “may” là mỗi lần lên cơn điên, ông Mạnh thường mang dao ra “trút” lên bộ bàn ghế gỗ. Theo năm tháng, bộ bàn ghế ngày một sứt sẹo theo từng cơn điên của người đàn ông bệnh tật, khốn khổ.
Nhà nghèo, ông Mạnh lại bệnh tật (đang hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước đối với người tàn tật) nhưng xã Hà Vinh không hề miễn giảm cho gia đình bà Lụa khoản nào. Theo “giấy thanh toán” vụ chiêm năm 2016, tuy là hộ nghèo nhưng gia đình 5 khẩu nhà ông Mạnh phải đóng tổng số tiền là hơn 2,3 triệu đồng. Trong đó, nhiều khoản được miễn như quĩ phòng chống thiên tai, quĩ an ninh quốc phòng, xã Hà Vinh vẫn “đè” nhà bà Lụa ra thu.
Bà Lụa bảo, bà cũng đã thắc mắc với thôn nhưng họ bảo vẫn phải đóng. “Năm nay còn “thu nhẹ”, chứ mấy vụ trước gia đình tôi phải đóng 5-6 triệu đồng. Riêng khoản tiền đóng làm đường là khủng khiếp nhất. Chồng tôi dù tàn tật nhưng cũng phải đóng như người bình thường”, bà Lụa cho biết.
Xã Hà Vinh đã thu sai nhiều khoản của gia đình ông Mạnh |
Một hộ gia đình hộ nghèo khác là nhà anh Trần Văn Vinh ở thôn 10 lại được xã miễn quỹ phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, quỹ an ninh quốc phòng gia đình anh vẫn bị xã bắt đóng. Anh Vinh thật thà nói rằng, vì anh không biết chữ nên xã, thôn thu những khoản gì anh cũng chẳng rõ. “Tôi chỉ quan tâm mỗi vụ gia đình mình phải đóng bao nhiêu rồi gắng sức lo cho đủ thôi”, anh Vinh chia sẻ.
Vụ chiêm năm 2016, cả tiền nợ từ vụ trước, nhà anh Vinh phải nộp hơn 7 triệu đồng cho 5 nhân khẩu. Phải đóng số tiền “khiêm tốn” đó là nhờ vợ chồng anh Vinh đã có sáng kiến không khai sinh cho đứa con gái út năm nay đã 3 tuổi.
Anh Vinh nói rằng, một vụ đóng đến 7 triệu đồng thì dù vợ chồng anh có làm lụng vất vả ngày đêm cũng không “kham” nổi. Không thể đóng góp được một lần, anh Vinh thường chia nhỏ ra nhiều đợt. Đóng hết vụ chiêm, vụ mùa lại đến.
Như chúng tôi đã đề cập ở những số báo trước, nhà anh Vinh chính là hộ từng bị xã đến “bắt” trâu. Bài học xương máu đó vợ chồng anh Vinh luôn ghi nhớ. Do đó, mỗi vụ đóng góp đến, dù rất nặng nề nhưng vợ chồng anh Vinh cũng chỉ biết làm thuê làm mướn để có tiền đóng góp.
Lãnh đạo huyện ngạc nhiên
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Hà Trung - ông Tuấn tỏ ra hoài nghi về những gì Pv báo PNVN phản ánh. Việc “cưỡng chế” tài sản, dắt trâu, bắt lợn theo ông Tuấn là có nhưng là chuyện của những năm… lâu lắm rồi.
“Chuyện đó xẩy ra trước năm 2000 chứ? Trước đây có chuyện đó, từ thời làng Nhô, các anh phải xác minh cho kỹ. Đúng như phản ánh của các anh là mới xẩy ra mấy năm gần đây chúng tôi sẽ kiểm tra ngay”, ông Tuấn nói.
Chủ tịch UBND huyện Hà Trung ngạc nhiên khi biết hộ gia đình anh Cảnh, thôn 10 mới bị xã "bắt bò" cách đây vài năm |
Có hay không việc người dân phải đóng rất nhiều khoản, đóng góp rất nặng là do sức ép của việc xây dựng NTM? Ông Tuấn cho biết: “Quan điểm của huyện Hà Trung là không lấy việc xây dựng NTM làm thành tích, gây áp lực lên địa phương. Tùy theo khả năng của địa phương để thực hiện. Đó cũng là lý do hiện Hà Trung mới 4 xã đạt NTM/24 xã, thị trấn”.
Về việc xã Hà Vinh và một số thôn thu quĩ, phí cả trẻ em và người cao tuổi, ông Tuấn nói rằng, sau khi có thông tin, ông đã chất vấn lãnh đạo xã về việc này. Thế nhưng, lãnh đạo xã Hà Vinh nói rằng, thu theo “vận động” chứ không ép buộc. Tuy nhiên, thực tế những gì Pv thu thập được, việc thu trên là ép buộc chứ không phải vận động. Bằng chứng là những tờ giấy thanh toán các vụ chiêm, vụ mùa rành rành nói lên điều này.
Trong những ngày về xã Hà Vinh tìm hiểu, chúng tôi còn biết thêm, năm 2014 trưởng thôn 5 từng chiếm đoạt 70 triệu tiền làm 1 km đường bê tông liên thôn. Đây là kết quả do lãnh đạo xã “điều tra” sau khi người dân tố giác. Theo người dân, con số thực tế ông trưởng thôn đã “ăn” của dân phải 150 triệu đồng.
Khi biết được câu chuyện trên, một lần nữa ông Tuấn tỏ ra ngạc nhiên: “Công trình giao thông nông thôn và thủy lợi nội đồng có ban giám sát, nhiều thôn tự làm lấy, không hiểu sao lại xẩy ra trường hợp này”…
Theo thông tin chúng tôi có được, sau khi báo PNVN và một số cơ quan báo chí phản ánh về những bất cập đang tồn tại ở xã Hà Vinh, dự kiến ngày 14/9 lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa sẽ về kiểm tra tại địa phương này.
Báo PNVN tiếp tục cập nhật thông tin tới bạn đọc.