pnvnonline@phunuvietnam.vn
Quốc hội dự kiến sửa một số luật liên quan tinh gọn, sắp xếp bộ máy Nhà nước vào cuối tháng 2/2025
Ngày 10/12, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong 2 ngày, 10 và 11/12/2024. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm kỳ họp thứ 8 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Đặc biệt, dự kiến cuối tháng 2/2025, Quốc hội sẽ họp nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến công tác tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước như Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)...
Tại phiên họp thứ 40 này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Ninh Bình và 6 nội dung về tài chính, ngân sách, trong đó có bổ sung dự toán chi thường xuyên cho các bộ, cơ quan trung ương và bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024...
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trước mắt phải khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để triển khai ngay các Luật được Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV thông qua rút ngắt thời gian các khâu chuẩn bị văn bản hướng dẫn để các quy định mới đi vào thực tiễn nhanh nhất.
Đồng thời, cần khẩn trương hoàn thành các phương án, đề án, sửa đổi các luật để tiến hành đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo yêu cầu.
Cũng về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết: Nội dung quan trọng của đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là phải coi trọng các chính sách hợp lý, thuận lợi cho đội ngũ cán bộ, công chức nằm trong diện sắp xếp, tinh giản biên chế.
Hiện nay, quy mô nền kinh tế lớn hơn rất nhiều so với trước đây, nên có điều kiện hơn để chăm lo cho những cán bộ trong diện này. Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh cho rằng, trước đây có xu hướng cán bộ, công chức dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư. Nhưng điều đáng lo ngại là những người từ khu vực công chuyển sang khu vực tư phần lớn là những người có trình độ, năng lực. Nếu không có chính sách tốt sẽ không giữ lại được những cán bộ cần giữ và không đưa ra được những cán bộ cần chuyển sang lĩnh vực khác.
Theo đó, bà Nguyễn Thị Thanh đề nghị "bổ sung cơ chế, chính sách vượt trội để khuyến khích những cán bộ chỉ còn 2, 3 năm có thể sẵn sàng nghỉ, nhường chỗ cho cán bộ trẻ, người được đào tạo bài bản ở lại trong hệ thống".