pnvnonline@phunuvietnam.vn
Rằm tháng Giêng: Chợ truyền thống hàng hóa dồi dào, nhiều mặt hàng chờ “giải cứu”
Nhiều món đồ lễ được đóng sẵn đẹp mắt để các gia đình lựa chọn cúng Rằm tháng Giêng
Rằm tháng Giêng năm nay rơi vào ngày thứ Bảy (24/2/2024). Rằm tháng Giêng được xem là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong một năm theo Âm lịch, diễn ra ngay sau Tết Nguyên đán. Cũng chính vì quan niệm "cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng" nên sức mua của người tiêu dùng ở thời điểm này tăng cao hơn ngày thường. Tuy nhiên, do nguồn cung hàng hóa dồi dào, nên nhiều mặt hàng vẫn trong tình trạng người bán ngóng đợi người mua, đặc biệt là các mặt hàng rau xanh, trái cây.
"Những năm trước, vào các ngày cận Rằm tháng Giêng hàng năm, rau xanh thường khá đắt đỏ. Tôi chỉ bán từ sáng sớm đến tầm trưa là hết hàng. Nhưng năm nay, tôi phải gọi điện đến từng khách quen để nhờ "giải cứu" rau xanh. Như hôm qua, ngày 13 âm lịch, sang đến đầu giờ chiều, sạp hàng của tôi vẫn còn ê hề các loại hoa lơ, su hào, bắp cải, xà lách, rau thơm các loại. Hôm nay, Hà Nội trời mưa nên lượng khách mua sắm cũng vắng hơn. Hy vọng vào ngày mai, ngày nghỉ cuối tuần lại đúng ngày cúng rằm, nhu cầu mua sắm sẽ cao hơn", chị Trần Thị Huyền, tiểu thương mang rau từ Hưng Yên vào bán hàng tại quận Ba Đình, Hà Nội cho biết.
Cùng với rau xanh, các loại hoa tươi, hoa lễ cũng được tiêu thụ mạnh trong dịp Rằm tháng Giêng. Tuy nhiên, giá nhiều loại hoa đã giảm mạnh so với Tết Nguyên đán. Cụ thể, giá hoa hồng, loại cành có lộc vào những ngày sát Tết dao động từ 15.000 - 30.000 đồng/bông; còn ở thời điểm hiện tại, đang được bán lẻ tại các chợ với mức giá từ 7.000 đồng đến 12.000 đồng/bông; hoa cúc có giá 6.000 đồng/bông; hoa ly có giá 100.000 - 130.000 đồng/chục…
Thực phẩm tươi sống giá ổn định
Ghi nhận thực tế tại một số chợ dân sinh trên địa bàn các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng…, dịp này, nguồn cung các mặt hàng thực phẩm tươi sống khá dồi dào, giá cả ổn định. Một số mặt hàng được bán với giá hạ nhiệt hơn thời điểm cận Tết Nguyên đán. Cụ thể, giá gà cúng rằm dao động ở mức 150.000 - 170.000 đồng/kg; các mặt hàng thịt lợn như móng giò, ba chỉ, vai, sườn dao động ở mức từ 100.000 - 160.000 đồng/kg, thịt bò như diềm thăn, thăn, bắp có giá từ 240.000 - 330.000 đồng/kg.
Các mặt hàng thủy, hải sản cũng được bán với giá hạ nhiệt hơn. Trong đó, tôm dao động từ 220.000 đồng đến 350.000 đồng/kg, tùy loại; cá trắm có giá dao động từ 90.000 - 120.000 đồng/kg; cá rô phi có giá từ 40.000 đồng đến 65.000 đồng/kg…
"Năm nay khách hàng có xu hướng thắt giảm chi tiêu, chỉ mua sắm với số lượng vừa đủ. Bên cạnh đó, chợ truyền thống còn phải cạnh tranh với nhiều hình thức bán hàng khác như siêu thị, cửa hàng thức phẩm sạch, các chợ bán hàng online, các dịch vụ cung cấp đồ lễ chế biến sẵn… nên sức mua tại chợ giảm so với những năm trước", chị Nguyễn Thị Hoa, tiểu thương chợ Nghĩa Tân cho biết.
Cùng với các mặt hàng thực phẩm, trong dịp Rằm tháng Giêng năm nay, thị trường đồ vàng mã, đồ cúng thả phóng sinh cũng được bày bán khá nhiều tại chợ truyền thống hay xung quanh các điểm đi lễ của người dân thủ đô, với đủ các loại như: Chim phóng sinh, lươn, chạch, cá, cua, ốc sống…
Đồ phóng sinh đa dạng chủng loại. Ốc sống có giá từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng/kg; cá chạch, lươn sống dao động từ khoảng 90.000 - 130.000 đồng/kg.