Rao bán thiết bị siêu tiết kiệm điện: Chiêu lừa cũ nhưng vẫn có nạn nhân mới

Hoàng Sa
24/07/2024 - 14:31
Rao bán thiết bị siêu tiết kiệm điện: Chiêu lừa cũ nhưng vẫn có nạn nhân mới

Nhiều người dân nhẹ dạ, thiếu thông tin đã sập bẫy của những đối tượng lừa bán thiết bị tiết kiệm điện trên mạng xã hội

Hiện nay trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin rao bán các thiết bị tiết kiệm điện với giá chỉ từ vài trăm nghìn đồng. Trên thực tế, những thiết bị này chẳng những không có tác dụng tiết kiệm điện, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây chập điện dẫn đến cháy nổ rất nguy hiểm.

Thiết bị chỉ vào trăm nghìn nhưng… tiết kiệm điện năng lên tới 50%

Nhan nhản các thông tin hình ảnh, clip quảng cáo bán thiết bị tiết kiệm điện trên các nền tảng mạng xã hội như youtube, Tiktok, facebook, với giá dao động từ vài trăm nghìn đồng cho đến trên một triệu đồng, với công dụng được cho là có thể giúp tiết kiệm điện năng sử dụng từ 30-50%/tháng. Khách hàng mua 3 cái trở lên sẽ được tặng thêm 1 cái, mua 5 cái được tặng thêm 2 cái.

Bà Lê Thu Hoài, ở phường Thịnh Đán (thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), cho biết: “Tin vào quảng cáo trên facebook, tôi cũng thử mua một cái có tên là Electricity Saving Box, trên trang mạng Phukienphongtam.shop với giá 400 nghìn đồng, nhưng đem về sử dụng chẳng thấy giảm được xu nào, thậm chí còn tăng thêm mấy trăm nghìn tiền điện so với tháng trước. Truy cập vào mạng để tìm hiểu, thì mới biết mình đã bị mắc lừa, tôi đành vứt bỏ”.

Họ chạy quảng cáo bán thiết bị tiết kiệm điện tràn lan trên các trang mạng xã hội trong thời điểm thời tiết nóng nực như hiện nay, thì có không ít người mong muốn tiết kiệm điện năng sinh hoạt trong gia đình, sẽ trở thành nạn nhân sập bẫy lừa của các đối tượng lừa đảo giống như tôi - bà Hoài cho hay.

Rao bán thiết bị siêu tiết kiệm điện: Chiêu lừa cũ nhưng vẫn có nạn nhân mới
- Ảnh 1.
Rao bán thiết bị siêu tiết kiệm điện: Chiêu lừa cũ nhưng vẫn có nạn nhân mới
- Ảnh 2.
Rao bán thiết bị siêu tiết kiệm điện: Chiêu lừa cũ nhưng vẫn có nạn nhân mới
- Ảnh 3.

Tràn lan các thông tin hình ảnh quảng cáo thiết bị tiết kiệm điện trên các nền tảng mạng xã hội

Anh Nguyễn Đức Huy, ở xã Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội), cho biết: “Tôi có mua một cái thiết bị tiết kiệm điện với giá 500 nghìn đồng, mang về cắm vào ổ điện được mấy hôm, thấy nó nóng quá, tôi sợ xảy ra cháy nổ nên phải rút ra. Tôi có liên hệ lại với bên bán hàng để hỏi, nhưng mới nói được mấy câu họ tắt máy và chặn liên lạc với tôi luôn”.

Trong vai người cần mua thiết bị tiết kiệm điện, chúng tôi đã để lại thông tin tại trang Phukienphongtam.shop, khoảng 10 phút sau, chúng tôi nhận được cuộc gọi từ số máy 0886021914, một người đàn ông tự nhận là nhân viên cung cấp thiết bị tiết kiệm điện. Người này ra giá 399 nghìn đồng/cái. Thời hạn bảo hành là 1 năm, đổi trả trong vòng 7 ngày không mất phí. Khi chúng tôi đề nghị đến tận nơi để mua, thì người này viện lý do là chỉ bán hàng online, không bán trực tiếp, sau đó cúp máy.

Theo tìm hiểu trên trang Phukienphongtam.shop có ghi thông tin là Công ty TNHH XNK Hưng Thịnh, có địa chỉ tại tầng 6A, số 9A, ngõ 9, Hoàng Cầu, Hà Nội. Thế nhưng khi đến đây xác minh, thì người dân ở địa chỉ này cho biết, không có công ty Hưng Thịnh nào đăng ký, hay hoạt động ở địa chỉ này cả.

Rao bán thiết bị siêu tiết kiệm điện: Chiêu lừa cũ nhưng vẫn có nạn nhân mới
- Ảnh 4.
Rao bán thiết bị siêu tiết kiệm điện: Chiêu lừa cũ nhưng vẫn có nạn nhân mới
- Ảnh 5.

Trang mạng này tổ chức chạy quảng cáo với tần suất cao để bán thiết bị tiết kiệm điện có tên Electricity Saving Box

Sự thật bất ngờ về thiết bị tiết kiệm điện

Để làm rõ về những thiết bị “thần thánh” có thể giúp người dùng tiết kiệm lượng điện năng lên tới 50%, chúng tôi đã liên hệ với ông Đặng Trần Chuyên, Giám đốc Trung tâm Điện tử Viễn thông, thuộc Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa, Bộ Công Thương.

Rao bán thiết bị siêu tiết kiệm điện: Chiêu lừa cũ nhưng vẫn có nạn nhân mới
- Ảnh 6.

Ông Đặng Trần Chuyên, Giám đốc Trung tâm Điện tử Viễn thông, thuộc Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa, Bộ Công Thương

Chia sẻ với phóng viên, ông Chuyên cho biết: “Chúng tôi đã từng mổ xẻ các thiết bị tiết kiệm điện này để kiểm tra. Sản phẩm được đựng trong một hộp nhựa bình thường, bên trong thiết bị chỉ gồm cầu chì, vài con điện trở và hai bóng đèn led để báo sáng. Thiết bị này hoàn toàn không có tác dụng giúp tiết kiệm điện năng như những lời quảng cáo trên mạng xã hội, bởi qua những thử nghiệm trên các phương tiện đo đạc chuyên môn của chúng tôi, cho thấy nó không những không giảm lượng điện năng, mà còn làm tăng thêm lượng điện năng tiêu thụ".

Tôi cho rằng, tất cả những thông tin quảng cáo rao bán thiết bị tiết kiệm điện trên mạng xã hội hiện nay đều là chiêu trò lừa đảo, có thể họ nắm bắt được tâm lý muốn tiết giảm chi phí điện sinh hoạt trong những ngày nắng nóng như thế này, để lừa những người dân nhẹ dạ và có phần thiếu thông tin mà thôi. Điều đáng nói là các thiết bị này không có ai kiểm chứng, kiểm nghiệm, nếu người dân mua về nhà sử dụng, có thể tiềm ẩn nguy cơ chập điện, dẫn đến cháy nổ rất nguy hiểm - ông Chuyên cho biết thêm.

Tập đoàn điện lực Việt Nam từng đưa ra cảnh báo

Trước những vấn nạn quảng cáo bán thiết bị tiết kiệm điện trên các trang mạng xã hội, thời gian qua, Tập đoàn điện lực Việt Nam cũng đã đưa ra cảnh báo đó chỉ là chiêu trò để móc túi người tiêu dùng. Người dân thay vì tin vào những thiết bị tiết kiệm điện trôi nổi trên mạng thì cần nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm điện. Thực tế, các thiết bị tiết kiệm điện hoàn toàn không được Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Công Thương hoặc đơn vị chuyên ngành về tiết kiệm năng lượng có uy tín trên thị trường chứng nhận về hiệu quả tiết kiệm điện như quảng cáo.

Ông Hoàng Xuân Hưởng, chủ cửa hàng thiết bị điện nước ở Hưng Yên, đưa ra nhận xét: “Cho đến nay chưa có thiết bị nào có thể giúp người dùng tiết kiệm điện như quảng cáo cả, cách tiết kiệm điện tốt nhất là người dân cần tắt những thiết bị không cần thiết, bảo dưỡng, bảo trì hoặc thay thế các thiết bị đã cũ để tiết kiệm điện năng. Các loại thiết bị tiết kiệm điện được quảng cáo bán trên mạng xã hội thực chất là hàng nhập từ Trung Quốc, chỉ có giá vài chục nghìn đồng/cái. Cách đây khoảng vài năm họ cũng đến mời chào tôi nhập về bán, nhưng tôi không đồng ý, vì mình biết cái đó bán thì lãi nhiều đấy, nhưng nó không có hiệu quả tác dụng gì, thì mất hết uy tín với người tiêu dùng”.

Trường hợp có thiết bị tiết kiệm điện thật như quảng cáo, thì người sử dụng thiết bị đó có thể vi phạm vào hành vi ăn cắp điện, nhẹ thì có thể bị xử phạt hành chính, nặng thì có thể bị truy tố theo quy định của pháp luật. Vì vậy, người dân không nên tin vào những quảng cáo trên mạng xã hội để rồi lâm vào cảnh bị lừa đảo tiền mất tật mang.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm