pnvnonline@phunuvietnam.vn
Rưng rưng đón Tết xa quê
Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương thăm, tặng quà cho gia đình nữ công nhân không về quê ăn Tết. Ảnh minh họa: CSAT
Trong căn nhà nhỏ ở ngoại thành TPHCM, chị Lê Thị Nguyệt (quê Nghệ An) lật giở cuốn lịch nhỏ để trên bàn rồi ngồi thẫn thờ hồi lâu, chỉ không lâu nữa thôi là Tết Nguyên đán Tân Sửu sẽ đến. Năm nay, chị lại không thể về đón Tết cổ truyền với những người thân trong gia đình. "Năm ngoái, tôi đã không thể về quê đón Tết. Dự định năm nay sẽ cố gắng làm ăn, tích góp để về đón một cái Tết cùng cha mẹ, anh em. Nhưng rồi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã khiến mọi dự định tan vỡ", chị Nguyệt chia sẻ.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty chuyên về lĩnh vực in ấn mà chị Nguyệt gắn bó nhiều năm qua bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đơn hàng giảm mạnh khiến cho công ty phải hoạt động cầm chừng. Cùng với nhiều công nhân khác, chị bị cắt giảm công việc trong khoảng gần 2 tháng liền, mức lương vì thế cũng sụt giảm đáng kể. Trong khi đó, những chi phí sinh hoạt thường ngày vẫn phải chi trả đều đặn. Khó khăn kinh tế đè nặng xuống đôi vai những người công nhân như chị Nguyệt. "Thật sự thì Tết ai cũng muốn được về quê quây quần bên gia đình. Bình thường, ngoài các chi phí ăn uống, tiền nhà, hầu như ai cũng cố gắng tích góp một chút để dành cuối năm có tiền xe, quà cáp để về quê ăn Tết. Nhưng năm nay thì quá khó khăn, dù rất buồn nhưng tôi không thể nào làm khác được", chị Nguyệt rưng rưng nước mắt nói.
Hoàn cảnh của chị Nguyệt cũng là tình cảnh chung của nhiều công nhân miền Bắc, miền Trung đang tha hương lập nghiệp ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… Chị Nguyễn Lê Na, 30 tuổi, quê Hà Tĩnh (công nhân công ty may mặc ở quận Thủ Đức, TPHCM) cho biết, cuộc sống của người lao động xa quê vốn dĩ đã không khấm khá gì thì nay lại khó khăn, chênh vênh hơn do dịch Covid-19 kéo dài trong suốt thời gian qua. "Dịch bệnh khiến cho công nhân bị giảm giờ làm, giảm thu nhập. Ước mơ về quê ăn Tết của nhiều người công nhân cũng vì thế mà trở nên xa vời", chị Lê Na tâm sự.
Mong Tết xa quê được trọn vẹn
Đón Tết xa quê là điều mà chẳng có người lao động nào mong muốn. Thế nhưng, khi đã quyết định ở lại thì họ cũng hy vọng được đón một cái Tết thật tươm tất, trọn vẹn với những nguyện cầu tốt đẹp cho năm mới. Chị Lê Na cho hay, năm nay, khu nhà trọ nơi chị sinh sống có khá đông người dự kiến ở lại để đón Tết. Mọi người đã bàn sẽ cùng gói bánh tét, đón Giao thừa và đi hội hoa Xuân với nhau. "Thường đến tận 29 Tết thì tôi mới được nghỉ. Tôi sẽ cùng những người trong xóm trọ mua nếp, lá dong, đậu, thịt heo… để gói nồi bánh tét, bánh chưng đón Tết. Đêm Giao thừa, chúng tôi sẽ cùng nhau đi xem pháo bông để Tết được thật sự trọn vẹn, ý nghĩa dù ở nơi đất khách quê người", chị Lê Na chia sẻ.
Thấu cảm được hoàn cảnh của những người lao động xa quê, từ nhiều năm qua, không ít chủ nhà trọ và các cơ quan ban ngành của nhiều địa phương tập trung đông người lao động đã tổ chức những chương trình, hoạt động ý nghĩa cho công nhân xa quê đón Tết. Theo Liên đoàn Lao động TPHCM, dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các cấp công đoàn thành phố sẽ tập trung chăm lo cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động; có vợ hoặc chồng hoặc con mắc bệnh hiểm nghèo; bị mất việc làm hoặc không có việc làm ổn định do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Dự kiến số người lao động ở lại đón Tết sẽ nhiều hơn mọi năm nên tổ chức công đoàn sẽ phối hợp các đơn vị, cơ quan, đoàn thể tổ chức nhiều chương trình phúc lợi đoàn viên, các hoạt động văn hóa tinh thần để người lao động vui xuân khi xa quê.
Tết đến Xuân về, ai ai xa quê hương đều muốn trở về để cảm nhận trọn vẹn nhất hơi ấm của gia đình, của tình thân. Song, vẫn còn đó những người vì hoàn cảnh khác nhau mà phải đón Tết xa quê, nơi đất khách quê người. Tết Nguyên đán Tân Sửu, mong sao mọi người được đón một cái Tết thật trọn vẹn, vui vẻ dù ở bất cứ nơi đâu. Một năm mới thật nhiều sức khỏe, thuận lợi để những cái Tết sau sẽ là Tết đoàn viên.