Sa Pa, Lào Cai: Phụ nữ dân tộc thiểu số học chữ để nâng cao kỹ năng mưu sinh

Trường Sa
17/05/2025 - 19:10
Sa Pa, Lào Cai: Phụ nữ dân tộc thiểu số học chữ để nâng cao kỹ năng mưu sinh

Một lớp học xóa mù chữ dành cho chị em phụ nữ người Dao đỏ ở Lào Cai

Để thuận lợi trong việc kinh doanh bán hàng, những người phụ nữ dân tộc Dao ở thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, vẫn thường xuyên học chữ, để có thể đọc, viết và sử dụng điện thoại thông minh lướt mạng tìm kiếm thông tin thị trường, phục vụ mưu sinh.

Học để bán hàng

Hàng ngày, chị Phàn Tả Mẩy, ở xã Bản Khoang, thị xã Sa Pa, thường đến khu vực thác bạc bán hàng cho khách du lịch. Hàng hóa của chị chỉ yếu là các loại nông sản, dược liệu địa phương. Để bán được hàng, chị phải sử dụng tiếng phổ thông, tính toán tiền bạc cho khách mua hàng. Ngoài ra, chị cũng thường xuyên phải truy cập mạng bằng điện thoại để nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Do vậy, chị vẫn phải tham gia các lớp xóa mù chữ và tự học để đọc thông viết thạo.

Chị Mẩy cho biết: “Ngày xưa mình có đi học, nhưng lâu không dùng đến chữ lại quên. Bây giờ đi bán hàng phải biết chữ, biết đọc, biết sử dụng điện thoại mới bán được hàng, mới biết chào mời khách mua hàng. Đồng thời biết giới thiệu từng loại sản phẩm hàng hóa cho khách họ hiểu. Bởi có những loại dược liệu mình chỉ biết giải thích cho khách bằng tiếng của dân tộc mình, chứ không biết nói bằng tiếng phổ thông. Vì vậy, mình phải học chữ để tìm hiểu tên gọi hàng hoá bằng tiếng phổ thông khách mới hiểu được. Mỗi khi có lớp dạy xóa mù chữ, tôi lại tham gia. Nếu không có lớp, mình cũng phải tự học. Nếu khó thì nhờ con mình dạy chữ và hướng dẫn cách sử dụng điện thoại để xem trên mạng nữa".

Sa Pa, Lào Cai: Phụ nữ dân tộc thiểu số học chữ để nâng cao kỹ năng mưu sinh- Ảnh 1.

Chị Phàn Tả Mẩy thường xuyên học hỏi cập nhật thông tin để phục vụ bán hàng

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại khu vực thác bạc, có tới hàng chục phụ nữ các dân tộc Dao, Mông bán hàng nông sản. Hầu hết chị em đều khá thông thạo tiếng phổ thông và có một số chị em còn thông thạo sử dụng điện thoại thông minh: Từ việc dùng điện thoại để tính tiền,  cung cấp mã vạch tài khoản ngân hàng cho khách thanh toán tiền mua hàng thông qua giao dịch quét QR code, cho đến việc đăng tải thông tin hình ảnh quảng cáo sản phẩm lên các nền tảng không gian mạng xã hội.

Ông Nguyễn Văn Quế, tài xế chở khách du lịch ở khu vực thác bạc, cho biết: “Cách đây vài năm, những người phụ nữ này bán hàng còn chưa biết mời chào khách bằng tiếng phổ thông, thế nhưng bây giờ họ tự học hỏi và cập nhật thông tin rất nhanh. Người nào cũng có thể mời chào bằng tiếng phổ thông và sử dụng điện thoại thành thạo. Lý do là họ phải vươn lên thích ứng với thị trường, với xu hướng xã hội nên họ cũng phải học hỏi và hoàn thiện kỹ năng cho bản thân”.

Công tác xóa mù chữ tại vùng cao Sa Pa được xác định không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Giáo dục mà là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có sự phối hợp nhuần nhuyễn của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội tại các xã, phường. Cùng với đó là phát huy vai trò tuyên truyền của đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn và lực lượng người có uy tín đến từng nhà để vận động bà con người dân tộc thiểu số đi học các lớp xóa mù chữ, tham gia các lớp tập huấn làm kinh doanh dịch vụ. 

Không học thì không theo kịp xu thế

Chị Hạng Thị Xá, ở xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa, cho biết: Ngày nay, việc bán hàng của phụ nữ dân tộc thiểu số ở Sa Pa đều phải cạnh tranh, nhất là ở các điểm du lịch. Nếu mình không biết mời chào khách, không biết quảng cáo sản phẩm như người khác thì mình sẽ không bán được hàng. Nên các chị em đi bán hàng phải tự học hỏi kinh nghiệm, học kỹ năng và đặc biệt là học chữ để có thể đọc hiểu được các thông tin liên quan đến các sản phẩm mình đang kinh doanh”.

Những người trẻ học nhanh hơn, thạo hơn thì bán được nhiều hàng. Những người lớn tuổi không theo kịp đành phải chuyển qua bán các mặt hàng đơn giản hơn như rau quả.

Sa Pa, Lào Cai: Phụ nữ dân tộc thiểu số học chữ để nâng cao kỹ năng mưu sinh- Ảnh 2.

Để phát triển dịch vụ du lịch, phụ nữ người Dao đỏ ở Sa Pa luôn phải cập nhật thông tin để không bị tụt hậu

Ngày nay, những phụ nữ dân tộc thiểu số ở Sa Pa tham gia vào các hoạt động dịch vụ du lịch một cách khá phổ biến và trở thành nghề mưu sinh chính. Do vậy, nhu cầu tìm hiểu thông tin, kiến thức và kỹ năng để phát triển dịch vụ du lịch rất cần thiết. Mỗi cá nhân đều ý thức được việc phải tự trang bị hành trang cho mình.

Bà Lý Mẩy Pham, Chủ tịch Hội LHPN xã Tả Phìn, cho biết: “Hiện nay, người dân tộc thiểu số ở địa phương chúng tôi tham gia vào các hoạt động dịch vụ, du lịch rất phổ biến. Từ đó, nhiều chị em nhận thức ra tầm quan trọng của việc học tập, cập nhật thông tin cho bản thân, đặc biệt là việc biết chữ, từ đó có thể tự tìm hiểu thông tin qua các phương tiện như điện thoại thông minh. Nếu không họ sẽ không theo kịp, không thể cạnh tranh được, từ đó họ có ý thức tìm học hỏi nâng cao kiến thức cho bản thân”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm