pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sai lầm thường gặp khi bổ sung vitamin D trong mùa đông
Vào mùa đông, thiếu vitamin D làm tăng rủi ro mắc các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là các nhiễm trùng đường hô hấp do hệ miễn dịch suy yếu. Thiếu vitamin D cũng ảnh hưởng tới các rối loạn tâm trạng theo mùa như trầm cảm có liên quan tới hormone serotonin. Do vậy, bổ sung vitamin D đúng cách trong mùa lạnh rất quan trọng, tránh uống quá liều vitamin D gây ngộ độc và nguy hiểm tới sức khỏe.
1. Vitamin D là gì?
Vitamin D là loại vitamin hòa tan trong chất béo. Vitamin D có từ D1 tới D5 nhưng chủ yếu có 2 dạng: Vitamin D2 (ergocalciferol) và vitamin D3 (cholecalciferol) thường được quan tâm nhiều hơn. Cả 2 đều được chuyển đổi trong cơ thể thành dạng hoạt động của vitamin D. Cả vitamin D2 và vitamin D3 đều có thể được sản xuất hóa học dưới dạng chất bổ sung.
Vai trò chính của vitamin D bao gồm: Đảm bảo cơ thể điều chỉnh lượng canxi và phốt phát, cần thiết để xây dựng và duy trì cho xương, răng và cơ khỏe mạnh; đảm bảo hoạt động bình thường của hệ miễn dịch bẩm sinh và thích nghi.
Uống vitamin D mỗi ngày có tốt không?
Nguy cơ thiếu hụt vitamin D chủ yếu xảy ra ở nhóm trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người lớn tuổi do khả năng hấp thụ vitamin D giảm dần theo tuổi tác hoặc người mắc các bệnh lý dẫn tới kém hấp thu vitamin ở ruột. Dựa trên các tác dụng của vitamin D đối với sức khỏe thì bổ sung vitamin D hằng ngày là việc nên làm.
Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) khuyến nghị trẻ từ 0 đến 12 tháng tuổi cần bổ sung 10 microgram (mcg), tương đương 400 IU vitamin D mỗi ngày. Người từ 1 đến 70 tuổi nên bổ sung 15 mcg, tương đương 600 IU vitamin D mỗi ngày. Trong khi đó, người trên 70 tuổi cần 20 mcg, tương đương 800 IU vitamin D mỗi ngày.
Việc bổ sung vitamin D bằng thực phẩm chức năng cần thực hiện dưới chỉ dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý bổ sung.
Vitamin D có nhiều trong thực phẩm nào?
Thực phẩm giàu vitamin D không có nhiều, thường gồm: Cá hồi, cá trích, cá mòi, dầu gan cá tuyết, cá ngừ đóng hộp, tôm, hàu, lòng đỏ trứng, phô mai, sữa và các chế phẩm từ sữa, nấm tự nhiên, yến mạch.
2. Dấu hiệu cảnh báo uống quá liều vitamin D
Uống quá nhiều vitamin D trong thời gian dài có thể dẫn tới quá liều vitamin D, ảnh hưởng tới sức khỏe. Theo Healthline, các dấu hiệu cảnh báo bạn đang bổ sung quá nhiều vitamin D thường liên quan tới tình trạng tăng canxi máu.
Tăng canxi máu được hiểu là hàm lượng canxi trong máu vượt quá ngưỡng bình thường với nhiều mức độ nặng, nhẹ khác nhau, thậm chí là mãn tính. Ngoài nguyên nhân gây tăng canxi máu do tuyến cận giáp tăng hoạt thì uống quá liều vitamin D cũng có thể gây ra tình trạng này.
Theo WebMD, khi quá nhiều canxi tích tụ trong máu sẽ gây ra các triệu chứng tăng canxi máu như:
- Buồn nôn và nôn mửa.
- Đau dạ dày.
- Chóng mặt, ảo giác, lú lẫn.
- Yếu cơ.
- Mệt mỏi, bồn chồn.
- Cáu kỉnh.
- Táo bón.
- Giảm cảm giác thèm ăn.
- Mất nước.
- Tiểu nhiều kèm theo cảm giác khát nước tăng lên.
- Sỏi thận, tổn thương thận.
Trong trường hợp uống quá liều vitamin D ở nồng độ cực cao có thể gây ra loãng xương (do vitamin D ức chế hoạt động của K2), suy thận, huyết áp tăng cao bất thường, nhịp tim không đều và thậm chí đe dọa tới tính mạng.
3. Lưu ý khi bổ sung vitamin
Mặc dù vitamin D rất quan trọng trong những tháng mùa đông nhưng bạn cần chú ý những điều sau khi bổ sung vitamin D bằng chất bổ sung:
- Kiểm tra với bác sĩ trước khi uống vitamin D: Đau xương, mệt mỏi, uể oải, nhiễm trùng thường xuyên, trầm cảm, vết thương chậm lành và đau cơ là một số triệu chứng phổ biến của tình trạng thiếu vitamin D. Nếu bạn gặp phải những triệu chứng này, trước tiên hãy kiểm tra mức vitamin D tại bệnh viện. Trong trường hợp nồng độ vitamin D thấp, bác sĩ sẽ kê đơn với liều lượng cụ thể phù hợp với thể trạng của bạn.
- Không nên phụ thuộc hoàn toàn vào chất bổ sung vitamin D: Như đã nói, mặc dù vitamin D không có trong quá nhiều thực phẩm nhưng chúng ta vẫn có thể bổ sung vitamin D thông qua chế đọ ăn uống hay tăng thời gian tiếp xúc với ánh sáng mặt trời từ 15 - 20 phút mỗi ngày. Tránh phụ thuộc hoàn toàn vào chất bổ sung vitamin D, thậm chí lạm dụng dẫn tới uống quá liều vitamin D sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe.
- Tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn trên sản phẩm và hướng dẫn của bác sĩ: Không nên tự ý tăng liều vitamin D bổ sung hay bỏ uống vitamin D trong các trường hợp cần bổ sung vitamin D liều cao như người gặp khó khăn trong hấp thụ dưỡng chất từ thức ăn; người bị loãng xương do bệnh thận giai đoạn cuối; bệnh vẩy nến,...
NHS Hoa Kỳ khuyến cáo như sau:
+ Không dùng quá 100 microgam (4.000 IU) vitamin D mỗi ngày vì có thể gây hại. Điều này áp dụng cho người lớn, bao gồm phụ nữ mang thai và cho con bú, người già và trẻ em từ 11 đến 17 tuổi.
+ Trẻ em từ 1 đến 10 tuổi không nên dùng quá 50 microgam (2.000 IU) một ngày. Trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi không nên dùng quá 25 microgam (1.000 IU) một ngày.
- Nhóm người cần thận trọng khi bổ sung vitamin D: Người có các vấn đề về thận như suy thận, sỏi thận do vitamin D bị tích tụ quá nhiều, làm gia tăng gánh nặng của thận; người dị ứng với vitamin D; người có thói quen ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin D; phụ nữ mang thai và đang cho con bú cần thận trọng về lượng vitamin D cần bổ sung bởi nhu cầu dưỡng chất trong 2 giai đoạn này có thể có một vài khác biệt.
- Bổ sung vitamin D3 hay vitamin D2 tốt hơn? Nghiên cứu cho thấy vitamin D3 có hiệu quả cao hơn trong việc làm tăng nồng độ 25(OH)D trong máu so với vitamin D2. Điều này có nghĩa là việc bổ sung vitamin D3 có khả năng nâng cao nồng độ vitamin D trong huyết thanh tốt hơn so với vitamin D2, từ đó giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn.
Nhìn chung, bổ sung vitamin D cần được hướng dẫn bởi bác sĩ, tránh cho việc uống quá liều vitamin D hoặc bổ sung không đủ khiến các tình trạng sức khỏe khó cải thiện. Trong khi uống bổ sung vitamin D, cần chú ý các bất thường sức khỏe để thăm khám sớm. Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ vitamin D. Nếu đang dùng thuốc theo đơn, hãy nói chuyện với bác sĩ để nhận được tư vấn phù hợp.