pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sán trú trong não người phụ nữ 38 tuổi
Hình ảnh phim chụp của bệnh nhân
Ngày 10/8, BV Hữu nghị Cuba - Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết, các bác sĩ của BV vừa tiến hành điều trị cho bệnh nhân H.T.L.A. (38 tuổi, trú tại TP. Nha Trang, Khánh Hòa) có sán cư trú trong não.
Trước đó, bệnh nhân nhập viện với triệu chứng đau đầu dữ dội và có nhiều cơn co giật mặc dù đã kiểm soát bằng thuốc chống động kinh.
Bệnh nhân cho biết, bản thân có tiền sử chấn thương sọ não khoảng 10 năm, sau đó động kinh và đang điều trị bằng thuốc uống.
Tại BV, hình ảnh chụp cổng hưởng từ sọ não có tiêm chất tương phản cho thấy người bệnh bị tổn thương não do sán. Kết quả xét nghiệm giải phẫu mô não có nhiều ổ viêm hạt, trung tâm chất hoại tử bao quanh lympho, đại bào nhiều nhân, tương bào và tế bào sợi.
Kết luận của bác sĩ về bệnh tình của người bệnh là tổn thương viêm não do nang sán. Sau khi hội chẩn, BV chỉ định phẫu thuật để xử lý ổ sán.
Sau 4 tiếng thực hiện, các bác sĩ đã lấy toàn bộ bao áp xe trong não bệnh nhân. Hiện sức khỏe của bệnh nhân ổn định, vết mổ khô, bệnh nhân có thể di chuyển và giao tiếp tốt.
Bác sĩ Hà Xuân Nguyên, Trưởng khoa Giải phẫu bệnh (BV Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới) cho biết, sán não là bệnh lý thuộc nhóm nhiễm trùng hệ thần kinh TƯ. Bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh với mức độ nguy hiểm rất cao, có thể dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Cũng theo bác sĩ Nguyên, nguyên nhân mắc bệnh sán não là do ăn phải ấu trùng sán dây lợn hoặc trâu, bò hoặc rau sống chưa được vệ sinh sạch sẽ. Khi vào cơ thể, ấu trùng sán di chuyển theo đường máu tới não, phổi, gan,... và gây bệnh. Nếu ấu trùng lên não sẽ gây bệnh ấu trùng sán não.
Để phòng bệnh, người dân có thể phòng bệnh bằng cách tẩy giun sán định kỳ 6 tháng 1 lần (đối với trẻ từ 2 tuổi trở lên); rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; cẩn thận khi ăn các loại rau sống; ăn chín, uống sôi. Đặc biệt, người dân không nên ăn tiết canh, gỏi sống và các thực phẩm tái, chưa được nấu kỹ.