pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sản xuất thịt trâu gác bếp theo mô hình "từ trang trại đến bàn ăn"
Chị Trần Thị Mai (trái) mang sản phẩm thịt trâu gác bếp dự thi tại Vòng chung kết phụ nữ khởi nghiệp cấp vùng miền Bắc, năm 2023
Trước đây, gia đình chị Trần Thị Mai có trang trại "Trần gia", là nơi cung cấp thịt trâu, bò và hoa quả cho người dân địa phương. Nhận thấy lượng khách hàng tin tưởng sử dụng nguồn thực phẩm từ trang trại nhà mình ngày càng lớn, chị Mai đã làm món thịt trâu gác bếp mang tên 36 Sinh Mai, theo quy trình khép kín.
Với diện tích trang trại hơn 10 hecta, chị Mai bàn với gia đình đầu tư để nhân giống đàn trâu theo quy trình chăn nuôi chuẩn. Trâu sau khi được mổ ra, làm sạch, sẽ được chọn ra phần thịt bắp ngon để làm thịt trâu gác bếp.
Sau quy trình sơ chế, để miếng thịt có hương vị riêng thì công đoạn tẩm ướp gia vị rất quan trọng. Thời gian ướp kéo dài 3 tiếng để gia vị được ngấm đều hơn trong mỗi miếng thịt.
"Công đoạn khác biệt giữa thịt trâu gác bếp 36 Sinh Mai với các nơi khác là tôi sử dụng nhiệt của củi để hun. Củi được chọn để hun thịt trâu phải cho ra lửa đượm than, ít khói. Quan trọng là phải biết điều tiết ngọn lửa làm sao cho thịt chín dần, gia vị ngấm đều, dai ngon, không bị chín ép, không bị cháy sém cạnh của miếng thịt. Hun từ 2 đến 3 ngày sẽ được thành phẩm một mẻ thịt trâu gác bếp thơm ngon", chị Mai chia sẻ.
Hiện nay, cơ sở của chị Mai tạo công ăn việc làm cho 9 lao động địa phương với mức thu nhập từ 6 triệu đến 15 triệu đồng/người/tháng. Nhưng để có được thành công bước đầu này, chị Mai đã phải vượt qua không ít khó khăn, trở ngại.
Ban đầu, bố mẹ chị không thực sự tin tưởng vào năng lực khởi nghiệp kinh doanh của con mình, lại thêm việc chị thiếu kinh nghiệm trong sản xuất và chế biến nên thời gian đầu, các sản phẩm làm ra bị hư hỏng nhiều, phải bỏ đi, tổn thất gần 60% số lượng sản phẩm.
Khó khăn chồng chất khó khăn khi sản phẩm ra lò không được thị trường đón nhận vì còn yếu kém nhiều khâu như: xây dựng thương hiệu, đầu tư nhãn mác, bao bì, hình thức sản xuất, quy mô nhỏ lẻ.
Không nản chí, chị Mai cùng người bạn đời của mình là anh Sinh đã nghiên cứu. đưa ra các phương án sản xuất khác rồi thử nghiệm từng phương án và chọn ra phương án tối ưu nhất, đảm bảo sản phẩm vừa độ ngon, gia vị đúng tỉ lệ.
Song hành với việc cải tiến chất lượng, chị cũng không ngại mưa nắng đi tìm kiếm thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin để học hỏi và bán hàng trên các kênh mạng xã hội, thương mại điện tử…
Từ đây, lượng khách dần tăng lên, nhiều người từ các địa phương khác tìm đến mua sản phẩm. Năm 2022, thương hiệu "Thịt trâu gác bếp 36 Sinh Mai" đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Thanh Hoá.
Chia sẻ về những dự định sắp tới, chị Mai cho biết sẽ tiến tới chuẩn hoá quy trình sản xuất, kinh doanh, xây dựng chiến lược để thúc đẩy doanh thu; tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất để đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị, cửa hàng an toàn thực phẩm cũng như các nhà hàng, khách sạn.