pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sao con ngày càng xa lánh mẹ?
Ảnh minh họa
Thanh Tâm yêu quý!
Nhân dịp đầu năm mới, tôi chúc chị Thanh Tâm luôn mạnh khoẻ để đồng hành cùng chúng tôi trong những giây phút khó khăn của cuộc sống. Và mong chị dành cho tôi ít phút, lắng nghe nỗi lòng tôi và nếu có thể, mừng tuổi cho tôi những lời khuyên chị nhé!
Tôi có 2 đứa con, 1 cô con gái năm nay vào đại học và 1 cậu con trai năm nay lên lớp 5. Tôi và chồng sống ly thân nhiều năm nay. Vài năm trước, con gái lớn ở cùng với tôi, còn con trai nhỏ thì ở cùng với bà nội và bố. Tôi và chồng cũ luôn cố gắng hợp tác trong vấn đề nuôi dạy con nhưng có lẽ quan điểm sống khác nhau nên dù cố đến đâu, vẫn xảy ra những mâu thuẫn.
Chồng cũ của tôi là 1 người bảo thủ và lười nhác, ỷ lại. Công việc của ông ấy trong cơ quan làm ít, chơi nhiều nên lương không cao. Nhưng vì sống phụ thuộc vào mẹ, được mẹ nuông chiều, biết gia đình còn mấy mảnh đất ở quê nên ông ấy không chịu học tập, tìm việc làm thêm phụ giúp vợ con, lúc nào cũng có suy nghĩ bán đất, bán ruộng để lấy tiền sinh hoạt. Cũng vì tư duy ấy mà chúng tôi không thể sống chung được với nhau nữa.
Nhưng được cái, bố của bọn trẻ lại là người biết nói chuyện, biết chơi với trẻ con và chiều chúng, nên cả 2 đứa đều rất yêu bố. Tôi còn nhớ, khi trao đổi và thống nhất tách ra ở riêng, cả 2 đứa con đều mong muốn được sống cùng bố. Đứa con gái lớn lúc ấy đang học trường gần nhà tôi nên mới chấp nhận ở với mẹ. Tôi biết mình là 1 người nghiêm khắc và khá cầu toàn, đôi khi không kiềm chế tốt nên hay gắt gỏng, nhiều lúc khiến 2 đứa con sợ. Nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ chúng lại không thích ở cùng với mình.
Tôi đi làm miệt mài để kiếm tiền đóng tiền học, lo tiền ăn, mua quần áo, đồ dùng cho con… Một mình tôi phải gánh vác và làm việc ấy, bởi chồng tôi ngoài việc chiều hư chúng với những bộ phim hoạt hình và các trò chơi vô bổ thì không gửi 1 đồng nào hỗ trợ nuôi con. Có lẽ chúng sẽ chẳng thể hiểu, vì người đi làm tối mắt tối mũi kiếm tiền nuôi chúng là tôi nhưng người luôn chơi cùng, mua đồ nọ, đồ kia cho chúng lại là bố của chúng. Cả 2 đứa thường trách, sao mẹ không dành thời gian cho con, sao mẹ không đi họp phụ huynh, sao mẹ không giống như mẹ các bạn khác… Điều đó khiến tôi rất buồn.
Con gái càng lớn càng không muốn nói chuyện với mẹ. Mỗi lần tôi hỏi thăm nó, tôi chỉ muốn đánh cho nó một trận. Chỉ cần hỏi vài ba câu tôi đã tìm ra được những hành động xấu mà nó cố tình giấu giếm. Vậy mà, mỗi lần tôi dạy bảo nó, nó luôn nói: "Mẹ đừng nói nữa, con không thích nghe!", "Thôi, con biết rồi, mẹ đừng nói nữa!"… Ngay cả việc nói cho con gái biết những điều chưa đúng mà nó cũng không cho tôi cái quyền ấy. Năm nay, vừa thi đỗ đại học, nó đã đàm phán với tôi về việc xin ra ở riêng, hoặc sang nhà bà nội ở cùng bố để đi học cho gần.
Vậy là con gái sang ở với bà nội và bố, còn cậu em thì qua ở với mẹ và thi vào một trường cấp 2 gần nhà. Cậu con trai lúc bé là 1 đứa rất tình cảm. Nó có cái miệng rất biết cách làm người khác vui. Nào thì "Con yêu mẹ lắm!", "Mẹ mệt không, con đấm lưng cho mẹ!", "Mẹ làm việc thế phải ăn nhiều vào!"… Ấy vậy mà, chẳng hiểu sao, từ khi đi học, nó thay đổi rất nhiều. Mỗi lần tôi học bài cùng con trai, bắt nó ôn thi cho cẩn thận thì nó lại cáu gắt và đòi về ở cùng bà nội và bố, thậm chí còn hét lên: "Con ghét mẹ!".
Thanh Tâm ơi, có phải tôi đã làm sai gì? Hay tôi thật sự là người mẹ tồi, mới dẫn tới việc các con ngày càng ghét và xa lánh mình?
Thúy Hằng (Gia Lâm, Hà Nội)
Chào chị!
Chúng ta đều có lý do giải thích cho những việc làm của mình. Như việc chị thường xuyên cáu gắt, yêu cầu khắt khe với con đều xuất phát từ tình yêu thương, mong uốn nắn, dạy dỗ con nên người. Nhưng chúng ta cũng cần tìm hiểu về suy nghĩ của con, học cách không áp đặt con và tin tưởng vào các con của mình chị ạ.
Mong muốn của các con là mẹ sẽ dành thời gian chia sẻ và tâm sự, lắng nghe các con chính là bước đi đầu tiên hiệu quả đó chị. Chỉ có hiểu, mẹ mới khiến các con biết cách chia sẻ và gần gũi mẹ. Và lắng nghe sẽ giúp chị yêu và dạy con đúng cách, thấu hiểu.